Stress nặng có thể gây suy giảm khả năng nhận thức

10-03-2023 13:33 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS- Theo kết quả nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí JAMA Network Open, những người sống trong tình trạng stress nặng dễ bị suy giảm khả năng nhận thức, ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, học tập và sự tập trung.


Nghiên cứu bao gồm gần 25.000 người Mỹ da đen và da trắng trên 45 tuổi được theo dõi, đánh giá liên tục trong nhiều năm. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập qua điện thoại, bảng câu hỏi tự đánh giá và khám đánh giá tại nhà. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người bị stress nặng có nguy cơ suy giảm nhận thức cao hơn 37% so với người bình thường, ngay cả khi đã loại trừ các yếu tố nguy cơ khác về lối sống.

Tác giả nghiên cứu, phó giáo sư Ambar Kulshreshtha tại Đại học Emory (Mỹ), và cộng sự cho biết: "Stress không chỉ làm suy giảm nhận thức hiện tại mà còn thực sự có những tác động có hại về lâu dài đối với con người".

"Stress có thể gây ra những mối nguy hiểm cho sức khỏe thể chất, chẳng hạn như nguy cơ đột quỵ cao hơn và có thể góp phần dẫn đến việc lựa chọn lối sống không lành mạnh như hút thuốc. Hơn nữa, stress không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức tức thì (ví dụ như đột nhiên quên một từ thông dụng), mà còn có thể gây ra những vấn đề về nhận thức nghiêm trọng hơn" – nhóm nghiên cứu cho biết thêm.

Stress nặng có thể gây suy giảm khả năng nhận thức - Ảnh 2.

Stress có thể gây ra những mối nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo các chuyên gia, khả năng nhận thức là khả năng tinh thần chung liên quan đến lý luận, giải quyết vấn đề, lập kế hoạch, tư duy trừu tượng, hiểu được nội dung phức tạp và học hỏi kinh nghiệm. Stress là một trong khoảng hàng chục yếu tố có thể thay đổi được, các yếu tố này đều góp phần làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ ở người, do vậy các nhà khoa học đang kêu gọi các hoạt động nhằm nỗ lực giảm thiểu những yếu tố nguy cơ này.

Giáo sư, tiến sĩ tâm lý học Yale Amy Arnsten, người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho rằng: "Mối liên quan giữa stress và khả năng nhận thức là "một vòng luẩn quẩn". Những dòng tín hiệu stress này được hình thành, truyền dẫn và nhanh chóng làm suy giảm các chức năng nhận thức cao hơn của vỏ não trước trán bao gồm cả khả năng ghi nhớ trong công việc".

"Khi bị stress mạn tính, người bệnh có thể bị mất chất xám ở vùng vỏ não trước trán, trong khi những vùng này lại liên quan tới khả năng đáp ứng với stress của cơ thể. Và điều này cho thấy người bị stress nặng cần được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời"- Yale Amy Arnsten nhấn mạnh.

Chữa rối loạn stress sau sang chấn hậu COVID-19Chữa rối loạn stress sau sang chấn hậu COVID-19

SKĐS - Rối loạn stress sau sang chấn hậu COVID-19 là một trạng thái tâm lý xảy ra khi người bệnh phải trải qua một sự kiện gây sang chấn mạnh liên quan đến đại dịch COVID-19.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Sai lầm khi nghĩ tinh bột gây tăng cân và tiểu đường



Diệu Ngô
Ý kiến của bạn