Căng thẳng về lâu dài có thể gây ra những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng như tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, tim mạch… Không những thế, căng thẳng cũng tác động tiêu cực đến làn da của bạn.
1. Stress ảnh hưởng đến làn da như thế nào?
Theo Healthline, khi căng thẳng cao độ, cơ thể sẽ sản xuất nhiều cortisol khiến vùng dưới đồi trong não bộ tiết ra hormon giải phóng corticotrophin (CRH). Chính loại hormone này kích thích tuyến bã nhờn tiết dầu hơn làm tắc nghẽn lỗ chân lông và dẫn đến mụn trứng cá.
Không những thế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng căng thẳng do thiếu ngủ có thể làm tăng khả năng xuất hiện các dấu hiệu lão hóa sớm như nếp nhăn, giảm độ đàn hồi, quầng thâm, nám da… Mặt khác các vấn đề về da như bệnh vẩy nến, chàm da, viêm da… có thể trầm trọng hơn nếu căng thẳng kéo dài.
Stress ảnh hưởng đến làn da như thế nào?
2. Một số mẹo xả stress đơn giản và hiệu quả
Giảm thiểu căng thẳng là điều quan trọng đối với sức khỏe tổng thể nói chung và nhan sắc nói riêng. Dưới đây là 5 mẹo đơn giản giúp giải tỏa tâm trí hiệu quả.
2.1 Hít thở sâu giúp giảm căng thẳng
Hít thở sâu đưa không khí lấp đầy phổi. Điều này có nghĩa là phần thấp nhất của phổi nhận được đầy đủ khí oxy và khí carbon dioxide cũng được đẩy ra ngoài tối đa. Do đó làm chậm nhịp tim và làm giảm hoặc ổn định huyết áp.
Mỗi ngày nên dành 15 - 30 phút để thực hành thói quen hít thở sâu, chậm để nhận được những lợi ích tuyệt vời từ phương pháp hít thở.
Hít thở sâu giúp giảm căng thẳng hiệu quả.
2.2 Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục có thể giúp bạn giảm mức hormone căng thẳng, cải thiện tâm trạng, tốt cho cơ thể và tốt cho làn da của bạn.
Để nhận được những lợi ích từ việc vận động, hãy lựa chọn một môn thể thao phù hợp và gắn bó lâu dài với nó. Bạn có thể lựa chọn các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, yoga…
2.3 Hòa mình vào thiên nhiên
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dành thời gian trong những không gian xanh là cách lành mạnh để quản lý căng thẳng. Khi bạn cảm thấy căng thẳng, chỉ cần vài phút đi bộ, hít thở không khí trong lành cũng có thể giúp bạn thư giãn.
Khi đi dạo ngoài trời, cơ thể sẽ tiết ra hormone endorphin, là một hormone giảm đau nội sinh tác động lên các thụ thể opioid trong não bộ, giúp giảm cảm giác đau và tăng khoái cảm dẫn đến tăng cảm giác hạnh phúc./span>
Hòa mình vào thiên nhiên.
2.4 Nghe nhạc để tâm trí thư giãn
Nghe nhạc hoặc chơi nhạc là những cách giảm căng thẳng hiệu quả. Đặc biệt, những bài nhạc có nhịp điệu chậm có thể làm nhịp tim chậm lại, góp phần xoa dịu tâm trí và thư giãn. Bạn có thể tăng âm lượng để tâm trí đắm chìm trong âm nhạc.
Ngoài ra, các hoạt động khác như làm vườn, thêu thùa, vẽ tranh… cũng là những cách đơn giản giúp giải tỏa tâm trí hiệu quả.
2.5 Ngủ một giấc thật sâu
Ngủ ngon giấc là một trong những cách tốt nhất giúp phục hồi năng lượng. Một giấc ngủ sâu giúp não bộ nghỉ ngơi và tăng chuyển hóa glucose trong não, giúp bổ sung năng lượng cho bạn vào ngày hôm sau.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn:
- Đảm bảo phòng ngủ tối, mát mẻ và yên tĩnh.
- Giảm tiếp xúc với ánh sáng xanh trong vòng 1-2 giờ trước khi đi ngủ.
- Tập thể dục điều độ ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ.
- Tạo thói quen trước khi đi ngủ như đọc sách, hít thở, nghe nhạc, tập yoga… giúp thoải mái và dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
- Tránh những đồ uống chứa caffein vì đây có thể là tác nhân khiến bạn mất ngủ.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Trẻ muốn sửa tư thế, dáng vóc và tăng chiều cao tập ngay các bài tập này | SKĐS