Với mục đích giúp người bệnh nhận diện sự thu hẹp động mạch trong giai đoạn sớm nhất, các nhà khoa học Canada đã chế tạo thành công stent thông minh có thể theo dõi và phát hiện những thay đổi nhỏ nhất trong lòng động mạch, giúp người bệnh kịp thời điều trị.
Những biến chứng thường gặp sau khi đặt stent
Khi lòng mạch xuất hiện các mảng xơ vữa gây tắc hẹp, làm giảm lượng máu giàu oxy tới cơ tim gây ra biểu hiện đau thắt ngực. Không chỉ thế, mảng xơ vữa có thể bị nứt vỡ và hình thành cục máu đông trong lòng mạch chặn hoàn toàn dòng chảy của máu tới tim gây cơn nhồi máu cơ tim.
Các stent thông minh có chứa một chip cảm biến và vật liệu tương thích sinh học và trông tương tự như hầu hết các stent thông thường.
Để điều trị bệnh lý này, nhiều người bệnh được chỉ định đặt stent, đây là một khung lưới nhỏ có hình ống, được đặt vào trong lòng động mạch để nong rộng mạch khi bị tắc hẹp hoặc suy yếu. Đối với các đoạn động mạch bị yếu, đặt stent giúp cải thiện lưu thông máu và phòng ngừa vỡ động mạch (trong bệnh phình mạch).
Phần lớn stent được làm bằng kim loại, một số được làm bằng vải (còn gọi là ghép stent, dùng cho các động mạch lớn). Khi thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng bóng nong mạch để khơi thông lòng mạch, stent được đặt vào đúng vị trí đã định giúp lòng động mạch không bị tắc, hẹp trở lại. Tuy nhiên, sau khi đặt stent động mạch vành, người bệnh vẫn có thể gặp những biến chứng bất thường như cục máu đông, tái tắc, hẹp... Theo báo cáo của Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia của Hoa Kỳ sau khi đặt stent có khoảng 1 - 2% bệnh nhân xuất hiện cục máu đông (huyết khối). Đây là nguyên nhân khiến mạch máu bị tắc nghẽn gây đau tim hoặc đột quỵ. Nguy cơ phát triển cục máu đông cao nhất trong vài tháng đầu sau khi đặt stent. Với nguy cơ tái tắc, hẹp có tỷ lệ lên tới 10-20% với nhiều vị trí khác nhau, có thể ngay tại nơi đặt stent hoặc các vị trí khác. Cả hai biến chứng này đều rất nguy hiểm cho người bệnh nếu không được theo dõi định kỳ. Tuy nhiên việc thăm khám thường xuyên có thể là trở ngại, gây phiền toái cho nhiều người nên các nhà khoa học Canada đã phát minh loại stent thông minh giúp người bệnh tự kiểm soát những biến chứng này mà không cần đến bệnh viện.
Cấu tạo của stent thông minh
Các nhà khoa học tại Đại học British Columbia (UBC) của Canada đã sửa đổi cấu tạo của stent để nó có thể hoạt động như một ăng-ten thu nhỏ đồng thời thêm một cảm biến vi mô đặc biệt để liên tục theo dõi lưu lượng máu. Dữ liệu sau đó có thể được gửi không dây đến đầu đọc bên ngoài, cung cấp thông tin cập nhật liên tục về tình trạng của động mạch.
Thiết bị này sử dụng thép y tế không gỉ và trông tương tự như hầu hết các stent đang được dùng hiện nay cho người bệnh. Các nhà nghiên cứu cho biết, đây là stent thông minh đầu tiên được sản xuất và được cấy ghép bằng các kỹ thuật y tế hiện tại giống như với các loại stent thông thường khác.
Và lợi ích khi sử dụng
TS. York Hsiang, bác sĩ phẫu thuật mạch máu tại Bệnh viện đa khoa Vancouver, Canada cho biết, việc theo dõi nguy cơ tái hẹp lòng động mạch là rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tim. Hiện nay, người bệnh thường được chẩn đoán bằng chụp Xquang tại bệnh viện nên có thể gây ra những bất tiện do phải thăm khám định kỳ. Ngoài ra, những biến chứng sau đặt stent, đặc biệt là nguy cơ tái hẹp lòng động mạch có thể xảy ra gây nguy hiểm cho người bệnh nếu không được kiểm soát. Nhưng khi đặt một stent thông minh ở đúng vị trí có thể cho phép các bác sĩ theo dõi sức khỏe của bệnh nhân dễ dàng hơn và cung cấp các biện pháp điều trị, khi cần thiết, một cách kịp thời.
Hiện nay, stent thông minh đã được thử nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm trên lợn. Kenichi Takahata, người phát minh ra stent thông minh cho biết, stent mới nhất này có kích thước phù hợp với các thủ tục nong mạch vành hiện tại và được làm bằng vật liệu tương thích sinh học. Và với kết quả ban đầu đầy hứa hẹn, các nhà nghiên cứu đang có kế hoạch tiếp tục tinh chỉnh stent để chuẩn bị sẵn sàng cho các thử nghiệm lâm sàng ở người trong thời gian sớm nhất.