SpO2 dấu hiệu sinh tồn thứ 5

27-06-2008 10:42 | Thời sự
google news

Dấu hiệu sinh tồn là những con số được đo bằng các thiết bị, kỹ thuật khác nhau nhằm đánh giá những chức năng cơ bản của cơ thể sống. Dấu hiệu sinh tồn là thứ không thể thiếu trong bệnh án và khi tiến hành trình bày bất cứ vấn đề gì về bệnh nhân.

Dấu hiệu sinh tồn là những con số được đo bằng các thiết bị, kỹ thuật khác nhau nhằm đánh giá những chức năng cơ bản của cơ thể sống. Dấu hiệu sinh tồn là thứ không thể thiếu trong bệnh án và khi tiến hành trình bày bất cứ vấn đề gì về bệnh nhân. Có 4 dấu hiệu sinh tồn truyền thống: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở. Với sự phát triển của y học, ngày nay người ta đã bàn nhiều về một dấu hiệu sinh tồn mới: SpO2.

SpO2 là gì?

Khí oxy rất cần cho sự sống của loài người. Khí oxy có trong khí trời. Khi chúng ta hít thở, oxy sẽ vào phổi. Máu mà thành phần quan trọng nhất của máu là hemoglobine (Hb) sẽ vận chuyển oxy từ phổi đến các nơi cần thiết trong cơ thể để đảm bảo sự sống. Sự vận chuyển đó xảy ra khi Hb kết hợp với oxy thành HbO2 (hemoglobine có gắn oxy).

Tỷ lệ HbO2/ (HbO2 Hb) gọi là độ bão hòa oxy trong máu SpO2, nói cách khác là tỷ lệ phần trăm hemoglobine của máu kết hợp với oxy.

Lịch sử của kỹ thuật khảo sát SpO2

Năm 1935, với sự phát minh ra thiết bị thô sơ đầu tiên dựa vào 2 bước sóng chính là đỏ và xanh dương đặt ở dái tai dùng để đo SpO2, Matthes được nhắc đến như người đầu tiên tìm ra phương pháp khảo sát oxy trong máu. Năm 1949, Wood đã phát triển thêm kỹ thuật trên bằng cách đưa vào đó 1 thiết bị có khả năng cảm biến với mạch đập. Nhưng sau đó, kỹ thuật này đã bị đình trệ lại vì lý do kinh phí. Mãi đến khi tập đoàn Nihon Kohden vào cuộc, năm 1972, Aoyagi đã chính thức cho ra đời máy đo oxy dựa vào mạch đập (Pulse oxymetri). Đến năm 1987, máy đo oxy dựa vào mạch đập đã được sử dụng rộng rãi ở các phòng gây mê Mỹ. Vài năm sau, SpO2 trở nên phổ biến khắp thế giới.

Máy đo oxy tại giường đầu tiên sử dụng đầu dò kẹp vào dái tai. Một thiết bị ở một bên của đầu dò phát ra ánh sáng đỏ (660nm) và tím (940nm) xuyên qua dái tai đến thiết bị nhận sáng bên đối diện, tại đây nó sẽ khuếch đại ánh sáng vừa được truyền qua. Mục đích là đo HbO2 ở trong các mao quản nhỏ của dái tai. Tuy nhiên, thiết bị này vấp phải 2 nhược điểm: 1. Sự dẫn truyền ánh sáng qua dái tai bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác ngoài Hb như sắc tố da. 2. Nó không phân biệt được HbO2 nào là của động mạch, HbO2 nào là của tĩnh mạch.

Sự ra đời của máy đo oxy dựa vào mạch đập vào giữa năm 1970 đã loại bỏ những nhược điểm của máy đo oxy trước đây. Điểm đặc biệt của máy đo oxy dựa vào mạch đập là bộ phận tiếp nhận ánh sáng chỉ nhận các sóng ánh sáng có cường độ dao động. Đầu dò của nó sẽ đặt quanh ngón tay. Điều này cho phép máy đo oxy dựa vào mạch đập chỉ phát hiện ra các Hb của động mạch và nó làm giảm hoặc loại bỏ những sai sót tạo nên bởi sự hấp thu ánh sáng của những cấu trúc không có mạch đập như: mô liên kết và tĩnh mạch.

Độ chính xác của SpO2

Độ bão hòa oxy đo được bằng máy đo oxy dựa vào mạch đập (SpO2) thấp hơn khoảng 3% so với độ bão hòa oxy thực tế (SaO2). Thử nghiệm đo SpO2 nhiều lần liên tục trên 1 bệnh nhân ổn định cho thấy kết quả không khác nhau, điều này chứng tỏ SpO2 cho một mức độ đáng tin cậy cao.

Ứng dụng của SpO2 và những lưu ý

Ngộ độc CO

CO là một khí độc, có nhiều khi đốt than. Trong đợt rét đậm vừa qua tại miền Bắc nước ta đã có nhiều nạn nhân ngộ độc khí CO do dùng than tổ ong để sưởi ấm để lại hậu quả nghiêm trọng.

CO thay thế oxy ở vị trí gắn vào sắt trên phân tử Hb, cho nên ngộ độc CO sẽ làm tăng COHb (hemoglobine có gắn carbonmonoxide) và giảm HbO2. Đương nhiên sẽ làm giảm độ bão hòa oxy trong máu động mạch SaO2. Tuy nhiên, SpO2 cao hơn SaO2 do sự nhầm lẫn về bước sóng của máy đo oxy dựa vào mạch đập.

Vì vậy, trong ngộ độc CO, SpO2 đo bằng máy đo oxy dựa vào mạch đập không tin tưởng được. Khi đó, cần phải lấy máu động mạch gửi đến phòng xét nghiệm để đo SaO2 và COHb.

Huyết áp thấp

Mặc dù máy đo oxy dựa vào mạch đập dựa trên dòng chảy của máu khi mạch đập, nhưng SpO2 vẫn là một sự phản ánh chính xác của SaO2 khi áp lực mạch máu giảm thấp đến 30mmHg. Mạch mờ dần cũng không ảnh hưởng đến SpO2 đo từ ngón tay.

Trong các tình huống mà có sự giảm sút nghiêm trọng ở tuần hoàn ngoại vi, SpO2 đo ở ngón tay có thể bị nghi ngờ. Lúc bấy giờ, sẽ sử dụng đầu dò dán lên trán. Đầu dò này khác với đầu dò ngón tay vì nó vừa phát ra tia sáng vừa nhận về tia sáng phản xạ từ da (quang phổ kế phản xạ). Đầu dò ở trán đáp ứng nhanh hơn với sự thay đổi SpO2 so với đầu dò ngón tay và có thể nó sẽ dần thay thế các đầu dò truyền thống.

Thiếu máu

Thiếu máu tức là hemoglobine trong máu giảm thấp hơn bình thường. Khi không có giảm oxy máu, máy đo oxy dựa vào mạch đập cho kết quả SpO2 vẫn chính xác khi nồng độ Hb giảm 2-3g/dL. Nếu thiếu máu nghiêm trọng hơn (Hb từ 2,5 - 9 g/dL), SpO2 đo được sẽ thấp hơn SaO2 khoảng 0,5%.

Sắc tố da

Ảnh hưởng của sắc tố da đối với SpO2 khác nhau ở các báo cáo. Ở bệnh nhân da sậm màu, trong một nghiên cứu, SpO2 thấp giả tạo; trong khi đó, ở một nghiên cứu khác, SpO2 cao giả tạo (SpO2-SaO2=3,5%) khi SaO2 thấp hơn 70%.

Độ bóng của móng tay cũng ảnh hưởng ít đến SpO2, khi móng tay sơn màu đen hay nâu SpO2 sẽ thấp hơn 2% so với SaO2, nhưng ảnh hưởng này có thể được loại bỏ bằng cách mắc đầu dò ở 2 bên của ngón tay.

Yếu tố có ảnh hưởng nhất đến SpO2 đó là xanh methylene. Nó sẽ làm giảm SpO2 đến 65% khi tiêm xanh methylene vào tĩnh mạch. Vì xanh methylene được dùng để chữa bệnh Methemoglobin cho nên không dùng SpO2 cho các bệnh nhân bị bệnh Methemoglobin.

Phát hiện giảm thông khí

Thử nghiệm lâm sàng cho thấy SpO2 là một dấu hiệu nhạy cho việc đánh giá tình trạng thông khí khi bệnh nhân đang thở khí trời nhưng khi bệnh nhân được thở oxy hỗ trợ thì không.

Khi SpO2 (hoặc SaO2) trên 90%, PaO2 (áp lực riêng phần của oxy trong máu động mạch) trên 60mmHg; đường cong thể hiện sự gia tăng của SpO2 theo PaO2 bắt đầu dẹt, và sau đó sự gia tăng mạnh của PaO2 chỉ ảnh hưởng ít đến sự gia tăng của SpO2. Thở oxy sẽ đẩy đường cong tăng của SpO2 theo PaO2 càng dẹt hơn (SpO2 luôn trên 98% khi thở oxy), từ đó dù PaO2 có thay đổi lớn đi nữa thì cũng ít ảnh hưởng đến SpO2.

Có xu hướng sử dụng oxy một cách rộng rãi trong ICU (và đơn vị hồi sức sau gây mê) thậm chí khi SpO2 trên 90%. Bởi vì chưa có tài liệu nào chứng minh lợi ích của việc phải đưa SpO2 lên trên 90%, nên việc cho thở oxy cần được hạn chế khi SpO2 của bệnh nhân đã trên 92% khi thở khí trời. Điều này sẽ tránh được việc ngộ độc oxy và sẽ bảo tồn được độ nhạy của SpO2 trong việc đánh giá thông khí không thích hợp.

Khi nào cần đo SpO2? Thực ra thì đặt câu hỏi khi nào không sử dụng SpO2 thì có vẻ hợp lý hơn, vì SpO2 giờ đây đã được xem như là dấu hiệu sinh tồn thứ 5 bên cạnh: mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở.

BS.Trần Tấn Hiếu


Ý kiến của bạn