Hà Nội

Sốt xuất huyết và cách phân biệt với sốt phát ban

15-06-2020 11:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm có diễn biến khó lường với số ca mắc cao. Nếu chủ quan, không chủ động phòng chống, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát, khó kiểm soát.

SXH là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính do virus Dengue gây ra, lây truyền qua trung gian muỗi vằn, hút máu người mắc bệnh rồi truyền sang cho người lành. Bệnh thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa, thời tiết thất thường (có tính chất lan truyền nhanh, nhiều người mắc cùng lúc, trong cùng một khu vực). SXH diễn biến khá thất thường và dấu hiệu bệnh dễ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh khác. Trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ mang thai là những đối tượng dễ bị tổn thương do SXH. Trong mùa hè, nhiều loại bệnh do virus cũng dễ xảy ra như sởi, sốt phát ban. Để bảo vệ sức khỏe, mọi người cần có kiến thức để phân biệt dấu hiệu các bệnh nhằm ứng phó và chăm sóc phù hợp.

Sốt phát ban và SXH đều có triệu chứng điển hình ban đầu là sốt cao nhưng 2 căn bệnh này hoàn toàn khác nhau. Để phân biệt sốt phát ban khác SXH như thế nào, chúng ta có thể dùng tay căng vùng da tại nốt phát ban hoặc thực hiện xét nghiệm chẩn đoán.

Dùng tay căng vùng da tại nốt phát ban có thể phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban.

Dùng tay căng vùng da tại nốt phát ban có thể phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban.

Dấu hiệu đặc trưng của sốt phát ban

Sốt phát ban là bệnh lý đặc trưng bởi dấu hiệu sốt và nổi ban đỏ, do nhiều loại virus gây ra. Tuy nhiên, có 2 nguyên nhân thường gặp nhất gây ra sốt phát ban là virus sởi và virus gây bệnh Rubella. Bệnh sốt phát ban thường gặp ở trẻ nhỏ, chủ yếu lây lan qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi họng của người bệnh khi ho hoặc hắt hơi. Sau khoảng thời gian ủ bệnh (thường trong 7 ngày), trẻ bắt đầu xuất hiện những biểu hiện đặc trưng:

Sốt: Những cơn sốt nhẹ hoặc sốt cao (từ 38-400C), thường sốt theo từng cơn.

Nổi ban đỏ: hay xuất hiện trong vòng 12-24 giờ sau sốt. Nổi ban hay hồng ban với mức độ như thế nào tùy theo đặc điểm của virus gây bệnh và thể trạng của từng trẻ. Một đặc điểm có thể phân biệt sốt phát ban với các loại sốt khác, đó là ban trong sốt phát ban sẽ biến mất gần như lập tức nếu thực hiện căng da tại vùng nổi ban. Dấu hiệu phát ban xuất hiện trong khoảng 3-5 ngày rồi lặn hẳn.

Một số biểu hiện kèm theo: chảy nước mũi, hắt hơi, mệt mỏi, uể oải, đỏ mắt, trẻ chán ăn, quấy khóc, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Ngoài ra, một số bệnh nhi có thể kèm theo triệu chứng đau họng, sưng hạch cổ.

Hầu hết các trẻ bị sốt phát ban từ ngày thứ 4 trở đi sẽ giảm sốt dần, ăn uống được. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sốt phát ban có thể gây ra biến chứng. Đặc biệt, bệnh càng trở nên nguy hiểm đối với các trẻ có sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng, trẻ dưới 12 tháng tuổi, thể trạng suy nhược. Một số biến chứng thường gặp do sốt phát ban như: viêm phổi nặng, viêm tai giữa, viêm màng não, viêm loét giác mạc (nguy cơ gây mù vĩnh viễn), suy dinh dưỡng nặng...

Nhật biết SXH

Nhận biết người mắc SHX căn cứ vào các triệu chứng như:

Sốt: Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao đột ngột từ 39-400C, liên tục trong 2-7 ngày. Biểu hiện sốt không thuyên giảm khi dùng thuốc hạ sốt.

Xuất huyết: Khi sốt bắt đầu giảm thì bệnh nhân chuyển sang biểu hiện phát ban xuất huyết, khoảng từ ngày thứ 3-4 kể từ khi có sốt. Các nốt ban dạng chấm đỏ hoặc bầm máu ở da, có khi xuất huyết ở các vùng niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu cam, mắt đỏ kèm theo đau bụng, nôn ói.

Có khoảng 30% số ca mắc SXH trở nặng vào ngày thứ 3-7 sau khi khởi phát bệnh. Lưu ý những trường hợp bệnh nhi béo phì hoặc dưới 12 tháng tuổi, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ gây ra biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Khác biệt giữa sốt phát ban và SXH

Cách đơn giản nhất để phân biệt sốt phát ban khác SXH là dùng ngón tay cái và ngón trỏ để căng vùng da tại nốt phát ban (vị trí nổi ban đỏ) hoặc căng vùng da bị sung huyết. Sau khi căng da ra, nếu chấm đỏ mất đi, buông ra thì màu đỏ hồi phục ngay cho thấy đây là ban của sốt phát ban. Ngược lại, nếu vẫn thấy chấm đỏ li ti không lặn đi sau khi căng da thì đó là phát ban do SXH.

Lưu ý: dù là sốt phát ban hay SXH thì cũng đều do virus gây ra và ẩn chứa sự nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, khi có dấu hiệu sốt, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tuy từng trường hợp bệnh, bác sĩ sẽ có giải pháp điều trị. Người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ để bệnh nhanh khỏi, tránh các biến chứng đáng tiếc.


BS. Lê Anh
Ý kiến của bạn