Hà Nội

Sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm, vì sao?

01-11-2019 11:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Sốt xuất huyết (SXH) có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, trong đó có giảm tiểu cầu.

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là một loại bệnh lý miễn dịch. Các kháng thể chống lại tiểu cầu làm tiểu cầu bị phá hủy ở lách, hậu quả là giảm số lượng tiểu cầu trong máu, cơ thể sẽ dễ bị chảy máu với một tác động nhẹ.

Hiểu về tiểu cầu giảm trong sốt xuất huyết

Tiểu cầu là các tế bào máu nhỏ được sản xuất trong tủy xương. Tiểu cầu giảm trong sốt xuất huyết có nghĩa là mất khả năng đông máu và không thể chống lại các nhiễm trùng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giảm tiểu cầu được xem là một tiêu chí đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh. Giảm tiểu cầu được định nghĩa như sự suy giảm nhanh chóng số lượng tiểu cầu hoặc số lượng tiểu cầu dưới 150.000/mm3 (< 150 G/L).

Vì sao tiểu cầu lại giảm trong sốt xuất huyết?

Số lượng tiểu cầu giảm sẽ ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, điều này xảy ra do: Số lượng tiểu cầu trong SXH giảm khi nó ức chế tủy xương (là khu vực sản xuất tiểu cầu). Số lượng tiểu cầu trong SXH giảm vì các tế bào máu bị ảnh hưởng bởi virut gây tổn thương tiểu cầu. Các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn này đã phá hủy một số lượng lớn tiểu cầu trong thời gian người bệnh bị sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết, tiểu cầu giảmSố lượng tiểu cầu giảm trong bệnh sốt xuất huyết.

Tiểu cầu giảm vào thời điểm nào trong sốt xuất huyết?

Số lượng tiểu cầu thường giảm đáng kể vào ngày thứ 4 của bệnh. Ở người trưởng thành không bị sốc do SXH, số lượng tiểu cầu giảm nhẹ đến vừa từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 của bệnh và trở lại mức bình thường vào ngày thứ 8 hoặc thứ 9. Ở trẻ nhỏ, có rất ít mối tương quan giữa số lượng tiểu cầu và biểu hiện chảy máu hoặc số lượng tiểu cầu và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Những dấu hiệu và triệu chứng giảm tiểu cầu khi bị sốt xuất huyết

Triệu chứng xuất huyết thường xảy ra sau khi người bệnh bắt đầu sốt vài ngày và có đa dạng các kiểu xuất huyết như xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc,... Xuất huyết dưới da với biểu hiện chấm xuất huyết, là những chấm đỏ không biến mất khi ấn vào - đây cũng chính là điểm để phân biệt với trường hợp nốt đỏ do phát ban khi ấn vào sẽ biến mất. Dấu chấm đỏ này thường ở cẳng tay cẳng chân, nách ngực, thắt lưng... Xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi (chảy máu cam), chảy máu răng, nôn máu, đại tiện ra máu. Ở nữ vào độ tuổi dậy thì có thể xuất huyết âm đạo (kinh nguyệt trước kỳ).

Tuy nhiên, có một số bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Theo các chuyên gia, đây là biến chứng thường gặp nhất khi bị SXH và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các trường hợp tử vong là thoát huyết tương. Đó là hiện tượng huyết tương bị thoát qua thành mạch, dẫn đến tình trạng mất một lượng nước lớn trong tuần hoàn gây trụy mạch hoặc gây rối loạn chức năng gan, thận... Đối với bệnh nhân xuất huyết nặng, biến chứng giảm tiểu cầu là tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Một số triệu chứng SXH giảm tiểu cầu có thể gặp là: Bầm tím. Mề đay. Chảy máu mũi hoặc nướu răng. Chảy máu không dứt từ vết thương, ngay cả khi đã xảy ra từ lâu. Kinh nguyệt rất nhiều. Chảy máu trực tràng. Có máu trong phân hoặc nước tiểu. Mệt mỏi. Chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu tiểu cầu bị giảm nhiều.

Trong những trường hợp tiểu cầu thấp nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu bên trong. Các triệu chứng của chảy máu nội tạng bao gồm: Máu trong nước tiểu. Máu trong phân. Máu hoặc chất nôn màu đen.

Bệnh nhân phát triển các dấu hiệu cảnh báo (đặc biệt là thờ ơ và nôn mửa liên tục) và những người có số lượng tiểu cầu thấp và hematocrit cao (số lượng hồng cầu tăng cao) có nguy cơ rất cao xảy ra biến chứng suy nội tạng hoặc thậm chí tử vong.

Khuyến cáo phòng bệnh

Hiện nay, bắt đầu bước vào những tháng cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết (SXH), cộng với sự diễn biến bất lợi của thời tiết, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và các đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Dự báo thời gian tới số mắc sẽ tiếp tục gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.

Để chủ động phòng chống bệnh SXH trong thời gian tới, ngành y tế khuyến cáo:

1. Đậy kín hoặc lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt côn trùng vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vô xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế dễ được khám và tư vấn điều trị. Không tự điều trị tại nhà.


BS. Tuấn Trung
Ý kiến của bạn