Sốt xuất huyết, Tay chân miệng và Sởi bắt đầu giảm

08-11-2019 14:11 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS -Thông tin về bệnh tay chân miệng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM cho biết, trong một đợt giám sát do trung tâm đã thực hiện trong tháng 10 vừa qua, trên 85% các trường, nhóm trẻ được giám sát đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm trong trường học.

Tuy nhiên còn 15% đơn vị được giám sát chưa thực hiện tốt. Thiếu sót được ghi nhận nhiều nhất chính là rửa tay sạch, thường xuyên và cách ly trẻ mắc bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, cả 3 bệnh Sốt xuất huyết, Tay chân miệng và Sởi đang giảm liên tục từ nhiều tuần qua. Trong tháng 10 không có ca tử vong do các bệnh này.

Tình hình bệnh Sốt xuất huyết, Tay chân miệng và Sởi đang giảm liên tục từ nhiều tuần qua. Trong đó bệnh Sởi đã đi vào giai đoạn cuối của đợt dịch với khoảng trung bình 30 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh hàng tuần trong liên tục 11 tuần vừa qua. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thường xuyên giám sát việc thực hiện các biện pháp kiểm soát bệnh truyền nhiễm của các trung tâm y tế, trạm y tế và trường học.

Cụ thể, bệnh sốt xuất huyết giảm liên tục từ giữa tháng 9 đến nay. Số ca hàng tuần hiện nay cũng thấp h2018, không có ca tử vong trong tháng 9 và 10.

Từ đầu tháng 9, ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Chỉ thị 07/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế. Các chiến dịch diệt lăng quăng kết hợp phun hóa chất được ưu tiên thực hiện tại các khu phố / ấp có nhiều ổ dịch hoặc ổ dịch lan rộng, kéo dài.  Các kế hoạch liên tịch giữa Sở Y tế và một số sở, ngành như Sở Giáo dục – Đào tạo, Thành Đoàn, Bộ Tư lệnh thành phố là giải pháp cụ thể nhằm vận động cộng đồng phòng chống Sốt xuất huyết. Trên thực tế, việc triển khai thực hiện các kế hoạch liên tịch này có thể chưa đồng đều giữa các quận huyện, phường xã nhưng cũng đã bước đầu đem lại kết quả khả quan.  Với việc triển khai nhiều hoạt động đồng bộ trên tất cả 24 quận huyện, bệnh Sốt xuất huyết đã được kiểm soát và giảm liên tục trong 7 tuần qua dù mưa vẫn còn diễn ra liên tục. Số trường hợp mắc bệnh tháng 10 giảm 17% so với tháng 9.

Hướng dẫn trẻ rửa tay để phòng bệnh truyền nhiễm.

Tổng số mắc bệnh 10 tháng năm 2019 là 55.359, cao hơn cùng kỳ năm 2018 là 88%. Tỷ lệ này đã được kéo giảm đáng kể so với tỷ lệ tăng những tháng đầu năm (có những thời điểm, số ca tích lũy tăng trên 250% so với cùng kỳ). Với các hoạt động đã triển khai, tỷ lệ này có thể được kéo giảm xuống tiếp tục trong thời gian tới. Các hoạt động phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết như nêu trên vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện liên tục, xuyên suốt từ mùa dịch năm nay 2019, sang đến hết mùa mưa năm sau sẽ góp phần tích cực cho việc kiểm soát dịch bệnh Sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.  Tuy nhiên, các nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết vẫn luôn xuất hiện trong môi trường xung quanh nơi người dân sinh sống, làm việc, học tập. Vì vậy việc duy trì thực hiện các nội dung phối hợp trong các kế hoạch liên tịch cũng như các giải pháp truyền thông thay đổi hành vi, kiểm soát điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết là rất cần thiết. Bên cạnh đó, ý thức tự phòng bệnh của mỗi người dân vẫn là yếu tố quyết định việc kiểm soát thành công bệnh sốt xuất huyết.

Tương tự, Bệnh Tay chân miệng đang có xu hướng giảm liên tiếp 4 tuần qua. Biên pháp để kiểm soát bệnh Tay chân miệng quan trọng nhất là chính là rửa sạch tay.

Diễn tiến của bệnh Tay Chân Miệng trong 10 tháng vừa qua của năm 2019, tương tự như các năm trước. Bệnh thường gia tăng trong tháng 8, tháng 9 hàng năm. Số trường hợp mắc bệnh tháng 10 vừa qua giảm 18% so với tháng 9. Tổng số mắc bệnh trong 10 tháng là 22.453, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018.  Bệnh Tay Chân Miệng là bệnh lưu hành thường xuyên ở TPHCM và nước ta. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đa số là ở trẻ dưới 3 tuổi. Người lớn hầu như không mắc bệnh nhưng là người lành mang trùng, có thể là nguồn lây nhiễm cho trẻ.  Bệnh lây qua đường tiếp xúc, đường phân miệng. Và đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy để phòng bệnh tay chân miệng thì cách ly nguồn bệnh và rửa tay sạch bằng xà phòng là quan trọng hàng đầu.  Vệ sinh khử khuẩn đồ dung cũng được xem như là một trong những biện pháp phòng chống tay chân miệng, nhất là khi có ca bệnh. Tuy nhiên biện pháp này không thể thay thế biện pháp rửa tay và cách ly bệnh nhân.

Bệnh Tay chân miệng đang có xu hướng giảm liên tiếp 4 tuần qua.

Trong một đợt giám sát do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thực hiện trong tháng 10 vừa qua, trên 85% các trường, nhóm trẻ được giám sát đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm trong trường học. Tuy nhiên còn 15% đơn vị được giám sát chưa thực hiện tốt.

Thiếu sót được ghi nhận nhiều nhất chính là việc rửa tay sạch, thường xuyên và cách ly trẻ mắc bệnh. Để khắc phục những thiếu sót này cần truyền thông xây dựng cho mọi người một thói quen tốt là rửa sach tay, đặc biệt đối với người chăm sóc trẻ, người lớn trước khi tiếp xúc trẻ. Giữ môi trường sinh hoạt, vui chơi của trẻ luôn được sạch.

Theo ThS BS Nguyễn Trí Dũng – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP, để khắc phục những thiếu sót này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP khuyến cáo cần truyền thông tin, tuyên truyền cho mọi người thói quen tốt là rửa sạch tay, đặc biệt đối với người chăm sóc trẻ, người lớn trước khi tiếp xúc trẻ. Cùng với đó là giữ môi trường sinh hoạt, vui chơi của trẻ luôn được sạch. Ngoài những biện pháp triển khai phòng bệnh thường quy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cũng đề nghị mọi người thường xuyên rửa tay đúng cách và không đưa trẻ bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm đến trường, lớp để không lây bệnh cho trẻ khác.


Nguyễn Vũ
Ý kiến của bạn