Hà Nội

Sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng đột biến

05-11-2014 14:36 | Thời sự
google news

Đi sâu vào mùa mưa, các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố đang diễn biến rất phức tạp, sốt xuất huyết và tay chân miệng đã tăng đột biến.

Trung tâm Y tế dự phòng cảnh báo người dân cần thay đổi hành vi, cùng ngành Y tế bảo vệ sức khỏe.

Thông tin từ BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố (ngày 5/11) cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2014 số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết là 3.150 ca (chẩn đoán xuất viện) giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013. Số ca tử vong do sốt xuất huyết kể từ đầu năm là 5 trường hợp. Riêng trong tháng 10 dù không ghi nhận ca tử vong nhưng số trường hợp nghi ngờ sốt xuất huyết là 1.074 ca (chẩn đoán nhập viện).

Bệnh truyền nhiễm đã tăng nhanh trong tháng qua
Bệnh truyền nhiễm đã tăng nhanh trong tháng qua

Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố nhận định, bệnh sốt xuất huyết đang có biểu hiện tăng dần theo mùa, tương tự những năm trước. Tuy nhiên, tình trạng tăng cục bộ đang “nóng” tại một số quận huyện như quận 7, quận 12, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh, Bình Tân… dự báo bệnh sốt xuất huyết sẽ còn những diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Cùng với bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng cũng đang có những diễn biến khó lường. Trong 9 tháng đầu năm, đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong, 5.382 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013. Riêng trong tháng 10, số trường hợp mắc tay chân miệng lên tới 1.235 ca tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.

Số trường hợp nhập viện được chẩn đoán mắc tay chân miệng đã tăng đột biến từ cuối tháng 9 làm gia tăng số ca mắc bệnh trong tháng 10. Trong 2 tuần cuối của tháng 10, số ca bệnh đang giảm dần tuy nhiên vẫn còn ở mức cao. Nhiều quận huyện, số ca bệnh nhập viện đang ở mức cao như quận 7, Bình Thạnh, Tân Phú, quận 12, quận 3…

Một trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng đang được cấp cứu
Một trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng đang được cấp cứu

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố nhận định: Bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang ở đỉnh cao theo chu kỳ hàng năm, dự báo sẽ có xu hướng giảm dần trong thời gian tới. Bệnh tay chân miệng diễn tiến tương tự các năm trước nhưng ở mức cao hơn năm 2013. Trong tháng 10, bệnh gia tăng đột ngột, với số ca bệnh trung bình lên tới 300 ca mỗi tuần. Bệnh đang có xu hướng giảm trong 2 tuần qua, dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới theo tính chu kỳ.

BS Nguyễn Trí Dũng cho biết, trong 2 tháng cuối của năm 2014, thành phố sẽ tập trung kiểm soát 2 loại bệnh truyền nhiễm lưu hành là sốt xuất huyết và tay chân miệng. Đẩy mạnh điều tra dịch tễ để nhận định khách quan và chính xác nhất tình hình dịch bệnh xảy ra ở các quận huyện, phường xã đồng thời kết hợp với xử lý ổ dịch đúng kỹ thuật và độ bao phủ trên diện rộng. Trung tâm Y tế Dự phòng sẽ đặc biệt chú ý đến các phường xã có số ca bệnh tăng cao trong 3 tuần liên tiếp.

Trước tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, BS Nguyễn Trí Dũng kêu gọi cộng đồng chung sức với ngành y tế để bảo vệ sức khỏe của gia đình và cộng đồng. BS Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo, sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, để phòng bệnh người dân cần thực hiện các biện pháp: Đậy kín tất cả các vật dụng chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; loại bỏ các vật dụng phế thải, chai lọ, vỏ dừa, lốp xe cũ… thả cá vào các bể chứa nước sạch để diệt lăng quăng bọ gậy; ngủ mùng thường xuyên và đề phòng muỗi chích ngay trong ngày.

Trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại Nhi Đồng 1
Trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại Nhi Đồng 1

Để phòng bệnh tay chân miệng, người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên trước khi chế biến thức ăn, sau khi chế biến thức ăn, trước và sau khi chăm trẻ hoặc cho trẻ ăn… bằng xà phòng dưới vòi nước sạch; đảm bảo cho trẻ ăn chín uống chín, không cho trẻ ăn chung chén muỗng, bát đĩa, không để trẻ mút tay, ngậm đồ chơi; vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần đối với các khu vực trẻ học tập, vui chơi và đồ chơi của trẻ. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom xử lý hạn chế nguy cơ gây phát sinh dịch bệnh.

Trong trường hợp nghi ngờ mắc sốt xuất huyết hoặc tay chân miệng bệnh nhân cần đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng có thể xảy ra. Với trẻ mắc tay chân miệng, cần thực hiện cách ly, cho nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh để hạn chế lây lan cho trẻ khác.

 

 


Ý kiến của bạn