Hà Nội

Sốt xuất huyết tăng tại Hà Nội: Có sự lưu hành của typ D4 hiếm gặp tại nhiều xã, phường

05-08-2019 07:21 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thông tin tại Hội nghị triển khai tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội, ngày 2/8 cho biết: Tính đến thời điểm này, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận trên 1.800 trường hợp mắc SXH và không có trường hợp tử vong.

Cả 30 quận, huyện, thị xã đều có bệnh nhân mắc SXH, trong đó 85% số ca mắc nằm ở 12 quận, huyện là Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thường Tín, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thanh Trì, Ba Đình, Hoài Đức, Hai Bà Trưng.

Phát cá diệt bọ gậy tại các gia đình. Ảnh: TM

Phát cá diệt bọ gậy tại các gia đình. Ảnh: TM

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch sớm; tổ chức ký cam kết về phòng chống SXH giữa Sở Y tế và UBND các quận, huyện, thị xã; chỉ đạo xây dựng mạng lưới cộng tác viên phòng chống SXH và đội xung kích diệt bọ gậy; xây dựng đề án phòng chống SXH tại các quận, huyện. Về công tác chuyên môn, ngành y tế đã chủ động giám sát bệnh nhân tại 63 bệnh được phân cấp, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát véc tơ truyền bệnh như điều tra ổ bọ gậy nguồn, giám sát tính nhạy cảm của muỗi với hóa chất diệt... Cùng với đó, ngành y tế Hà Nội đã có nhiều đổi mới trong công tác truyền thông phòng chống SXH để phù hợp với từng địa phương. Công tác xử lý ổ dịch cũng được triển khai đồng bộ từ giám sát phát hiện ca bệnh, truyền thông, diệt bọ gậy và phun hóa chất. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã tổ chức 1.048 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy với trên 2,5 triệu lượt hộ gia đình được kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn diệt bọ gậy (đạt 95,1%); tổ chức 102 chiến dịch phun hóa chất chủ động phòng chống SXH tại 13 quận, huyện có nhiều bệnh nhân.

Mặc dù ngành y tế đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống, nhưng  dịch bệnh SXH vẫn diễn biến khó lường bởi các yếu tố nguy cơ như nhiệt độ thích hợp cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản và phát triển; ổ bọ gậy nguồn rất đa dạng từ bể hở, xô chậu đựng nước, phế liệu, phế thải...; dân cư di biến động lớn, đặc biệt là học sinh, sinh viên từ các tỉnh, thành phố đang trở về Hà Nội để bước vào năm học mới; thực hành phòng chống SXH của người dân còn hạn chế; sự lưu hành của typ D4 hiếm gặp tại nhiều xã, phường.

Từ những yếu tố nguy cơ này, ngành y tế nhận định số mắc có thể gia tăng, bệnh cảnh lâm sàng có thể nặng, diễn biến phức tạp. Có thể trong năm 2019 dịch SXH không bùng phát như năm 2017 nhưng ngành y tế Hà Nội xác định phải đối mặt lâu dài với dịch bệnh này không chỉ trong năm nay mà cả những năm tiếp theo.

Chính vì vậy, TS. Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị có kế hoạch cụ thể theo từng tình huống dịch; tích cực tuyên truyền để người dân hợp tác với ngành y tế cũng như chủ động phòng chống dịch SXH. Tăng cường giám sát diễn biến dịch bệnh trên bệnh nhân, côn trùng và virut Dengue để nhận định, dự báo và đáp ứng phòng chống dịch. Tổ chức xử lý quyết liệt, triệt để ổ dịch, không để ổ dịch kéo dài, với việc phun hóa chất, ưu tiên phun bằng máy phun mù nóng tại công trường xây dựng, trường học, khu thuê trọ, chợ dân sinh. Cùng với sự chung tay của mọi người dân, hy vọng dịch bệnh SXH tại Hà Nội sớm được khống chế và không gia tăng trên diện rộng.


MINH HÒA
Ý kiến của bạn