Cụ thể trong tuần từ ngày 5-11/5 ghi nhận 34 ca bệnh sốt xuất huyết mới, tăng 23 ca so với tuần trước đó. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 11/5, toàn tỉnh Bình Định có 147 ca sốt xuất huyết, tổng cộng có 9 ổ dịch. Sốt xuất huyết đã xuất hiện tại 54 xã trong tổng số 159 xã ở Bình Định.
Để ứng phó với sốt xuất huyết, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành y tế địa phương tuyên truyền bằng nhiều hình thức và các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức truyền thông ngay tại trường học về phòng, chống sốt xuất huyết. Đặc biệt là tuyên truyền hướng dẫn các em học sinh thực hiện các biện pháp diệt muỗi/loăng quăng/bọ gậy tại trường học, gia đình và cộng đồng.
Ngành y tế địa phương phải xử lý triệt để ổ dịch, đảm bảo thu dung, điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.
Sở Y tế Bình Định đã chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh này phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp kiến thức về bệnh sốt xuất huyết, cách phòng tránh và hướng dẫn người dân chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Bình Định đã được yêu cầu bảo đảm đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu... để cấp cứu người bệnh. Đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc phải là HES 200 6% (trọng lượng phân tử 200.000 dalton), hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời.
Xem thêm video được quan tâm
Nhiều bãi tập kết phế liệu dễ phát sinh muỗi gây bệnh ở Khánh Hòa