Sốt xuất huyết tăng mạnh, bác sĩ chỉ rõ dấu hiệu cần chú ý tránh tử vong

22-07-2019 13:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo các bác sĩ, đặc điểm của SXH Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn đông máu. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Theo báo cáo ngày 04/7/2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp và ghi nhận số mắc tăng cao tại nhiều quốc gia. Từ đầu năm đến nay, Phi-líp-pin đã ghi nhận 92.267 trường hợp mắc, trong đó có 398 trường hợp tử vong, số mắc tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2018; Malaysia đã ghi nhận 62.421 trường hợp mắc, trong đó có 93 trường hợp tử vong, số mắc tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2018.

Nhiều nước như: Lào, Singapore, Campuchia, Trung Quốc... đã ghi nhận số mắc hàng tuần tăng cao so với cùng kỳ 2018 và dự báo còn diễn biến phức tạp, gia tăng trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, trong các tuần gần đây số mắc tăng nhanh tại các tỉnh, thành phố.

Tăng gấp 6,5 lần....

Thông tin từ BV Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bệnh viện Đà Nẵng ghi nhận hơn 1.300 trường hợp điều trị bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng gấp 6,5 lần so với cùng kì năm ngoái. Trong số đó, có đến 70% là người Đà Nẵng, tỉ lệ người bị SXH nặng ở ngưỡng 5%.

Theo BS.CKII Phạm Ngọc Hàm - Trưởng khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng, chỉ trong tháng 6 năm 2019, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận gần 200 ca bệnh, trong khi cùng kì năm trước chỉ có 18 ca. Riêng từ ngày 1 đến ngày 9-7, khoa tiếp nhận gần 130 bệnh nhân SXH.

Bác sĩ Hàm cho biết thêm, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây từ người bệnh sang người lành do muỗi vằn đốt.

Đặc điểm của SXH Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn đông máu. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và đơn thuốc đặc hiệu.

Bệnh SXH nếu không được xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Ảnh minh họa.

Những dấu hiệu của bệnh SXH không được bỏ qua

Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm, khi bị SXH, người bệnh sẽ có các biểu hiện như sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau:

Chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.

Da xung huyết, phát ban.

Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

Khi bệnh nặng, sẽ xuất hiện các triệu chứng:

Vật vã hoặc lừ đừ, li bì, chân tay lạnh, da lạnh ẩm.

Đau tại vùng gan, hoặc ấn đau vùng gan.

Gan to.

Nôn nhiều.

Đi tiểu ít.

Chảy máu niêm mạc, chảy máu nặng: chảy máu cam nặng, rong kinh, nôn ra máu, đi ngoài ra máu hoặc đi ngoài phân đen, đi tiểu ra máu…

Rối loạn tri giác, sốc.

Chăm sóc bệnh nhân SXH và cách phòng ngừa

Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm khuyến cáo, để điều trị SXH, người bệnh cần uống nhiều nước: oresol, nước trái cây, nước chín…

Nếu sốt cao ≥ 39 độ C, người bệnh cần uống thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Khi có dấu hiệu bệnh nặng, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh SXH, cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi như dọn dẹp các nơi bùn lầy, nước đọng, thu dọn các vật chứa nước cặn, thông cống rãnh, nhà cửa thoáng sạch; đậy kín các dụng cụ chứa nước bằng nắp đậy hoặc bằng vải màn, lật úp khi không dùng đến.

Cọ rửa các dụng cụ chứa nước, thay nước bình hoa hằng tuần. Diệt trung gian truyền bệnh bằng cách dùng cá/mê sô diệt lăng quăng, đốt hương muỗi, bình xịt, máy/vợt diệt muỗi

Ngăn cản muỗi đốt bằng cách ngủ mùng (kể cả ban ngày), dùng mành che cửa sổ, cửa ra vào, mành có thể tẩm hóa chất. Có thể dùng thuốc xua/ diệt muỗi bôi/xịt vào vùng da hở.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn