Sốt xuất huyết ở khu vực Tây Nguyên: Lo ngại người dân chủ quan

09-08-2019 06:35 | Thời sự
google news

SKĐS - Cuối tháng 7/2019, bệnh nhân Dương Đức P. (SN 2012, trú thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã tử vong vì bệnh sốt xuất huyết. Tại Đăk Lăk cũng đã có 2 trường hợp tử vong là Hoàng Đình B. (SN 1994, trú tại thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar), Ng. Th. Kh. L. (SN 2004, trú tại phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột).

Số bệnh nhân khác tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn tiếp tục gia tăng và có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn chủ quan dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, khó chữa trị.

Tăng mạnh, nhiều người nặng mới đến cơ sở y tế

Theo báo cáo của Sở Y tế Gia Lai: Sốt xuất huyết tăng liên tục, đã xuất hiện ở 114/222 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đặc biệt, ở nhiều vùng sâu, vùng biên giới, trình độ dân trí còn hạn chế như: K’Bang, Đăk Pơ, An Khê... có nguy cơ cao trong việc bùng phát sốt xuất huyết. Riêng từ đầu năm đến hết tháng 7, trên địa bàn tỉnh đã có trên 1.500 lượt người mắc, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Để đối phó với tình trạng này, công tác khống chế và dập dịch luôn được chuẩn bị sẵn sàng.

Tại tỉnh Đăk Lăk từ đầu năm đến nay cũng đã ghi nhận hơn 8.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong đó có khoảng 700 người bị nặng, một số bệnh nhận khi nhập viện phải đưa vào hồi sức tích cực. Có người từ các xã vì ngại đường xa nên khi có hiện tượng sốc, tái sốc mới nhập viện nên việc điều trị gặp rất nhiều khó khó khăn.

Là tỉnh có số lượng người dân đi rừng, ngủ rẫy nhiều nên số ca mắc bệnh sốt xuất huyết ở Đăk Nông cũng tăng đột biến, tăng gấp 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với gần 3.000 người mắc bệnh. BVĐK tỉnh Đăk Nông phải huy động thêm giường bệnh và tăng cường đội ngũ y, bác sĩ tập trung về Khoa nhiễm, Hồi sức tích cực - Chống độc để kịp thời xử lý khi có bệnh nhân nhập viện ồ ạt.

Còn chủ quan, dịch sẽ lan rộng

Theo Sở Y tế Đăk Nông, để ngăn chặn và giảm bớt sốt xuất huyết, các đội tuyên truyền lưu động đến tận các thôn, buôn, nhất là ở vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số để lấy mẫu xét nghiệm đồng thời thuyết phục bà con khi có triệu chứng nhẹ là đến cơ sở y tế ngay. Nếu lơ là, bệnh sẽ còn lan rộng.

Để ngăn chặn mức độ lan rộng của bệnh sốt xuất huyết, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang chỉ đạo ngành y tế khẩn trương, liên tục diệt loăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất đồng thời sát sao tuyên truyền người dân tuyệt đối không được chủ quan với bệnh. Các bệnh viện cũng tập hợp sẵn đội ngũ nhân viên y tế, thuốc men, máu, huyết tương... để kịp thời cứu chữa người bệnh khi dịch bùng phát hoặc lan rộng trong các khu dân cư.


HÀ VĂN ĐẠO - NGỌC ANH
Ý kiến của bạn