Hà Nội

Sốt xuất huyết ở Hà Nội đang diễn biến phức tạp

09-06-2017 16:49 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trong năm 2017 đã tăng 2,6 lần dù chưa phải đỉnh dịch.

So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trong năm 2017 đã tăng 2,6 lần dù chưa phải đỉnh dịch. Theo đánh giá của ngành y tế Hà Nội, SXH tại Hà Nội đang có những diễn biến bất thường đáng lo ngại. Xung quanh vấn đề này, PV báo SK&ĐS đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

PGS. TS. Hoàng Đức Hạnh.

PGS. TS. Hoàng Đức Hạnh.

PV: Thưa ông, chưa vào đỉnh dịch nhưng số ca mắc SXH của Hà Nội đã tăng cao. Vì sao như vậy?

Ông Hoàng Đức Hạnh: Tính đến ngày 4/6/2017, trên địa bàn toàn thành phố đã ghi nhận 1.281 bệnh nhân mắc SXH với trên 90% bệnh nhân đã khỏi bệnh, 126 bệnh nhân đang điều trị, 1 trường hợp đã tử vong tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp mắc bệnh đã tăng 2,6 lần.

Dịch bệnh SXH tại Hà Nội đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các quận huyện thuộc khu vực nội thành như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân.

Chúng tôi cho rằng, bệnh nhân ghi nhận rải rác trong các tháng, nhưng có xu hướng gia tăng từ giữa tháng 4 và tăng nhanh trong những tuần gần đây do điều kiện thời tiết chuyển mùa nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển và lây truyền mạnh. Bên cạnh đó, bệnh này cũng chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên sẽ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017. Theo dự báo, đỉnh dịch thường xuất hiện vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Chu kỳ dịch sốt xuất huyết thường 5 năm lặp lại một lần nhưng hiện nay chu kỳ này đang có thay đổi. So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc SXH trong năm 2017 đã tăng 2,6 lần dù chưa phải đỉnh dịch.

PV: Chưa vào đỉnh dịch nhưng số ca mắc đã tăng bất thường, ông giải thích như thế nào về điều này?

Ông Hoàng Đức Hạnh: Từ đầu năm, chúng tôi đã có cảnh báo, theo diễn biến thời tiết Elnino, nắng nóng lắm sẽ mưa nhiều, dễ phát sinh dịch sốt xuất huyết. Chúng tôi không bất ngờ khi SXH tăng mà có kế hoạch ngay từ đầu năm đã tích cực chủ động ngay từ đầu. Thời tiết thay đổi bất thường, nắng nóng sau đó lại mưa ẩm ngay là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển và bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017.

Chỉ số côn trùng có tăng cao bắt đầu từ tháng 3, có nhiều điểm vượt ngưỡng nguy cơ như An Khánh, Phú Lương, La Phù, Dương Nội, Hoàng Liệt, Trương Định, Láng Thượng... và tăng cao nhất tháng 5 vừa qua.Ông Hoàng Đức Hạnh hướng dẫn người dân cách phòng chống SXH.

Ông Hoàng Đức Hạnh hướng dẫn người dân cách phòng chống SXH.

PV: Từ bây giờ cho đến thời kỳ đỉnh dịch vào tháng 9 và tháng 11 hàng năm, chúng ta cần giải quyết tốt những vấn đề gì?

Ông Hoàng Đức Hạnh: Đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9 và 11 hàng năm, do đó cần thực hiện tốt công tác giám sát dịch, đặc biệt là giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, xử lý triệt để không để dịch lan rộng; tập trung tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu không để muỗi truyền bệnh SXH có nơi cư trú, sinh sản, áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy.

Để giải quyết vấn đề này, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các xã, phường dùng loa nhỏ đi vào từng ngõ, xóm tuyên truyền về bệnh SXH. Nêu cao vai trò của người đứng đầu địa phương và sự tham gia của người dân trong phòng chống dịch SXH.

Tính đến ngày 4/6, các đơn vị đã điều tra, giám sát côn trùng tại 1.925 điểm ổ dịch cũ, ổ dịch mới, nơi có bệnh nhân nghi SXH, có điều kiện vệ sinh môi trường kém.

Kết quả, 25,7% điểm có chỉ số vec-tơ cao tập trung chủ yếu tại các quận Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Hoài Đức, Hai Bà Trưng, Thanh Trì... Các dụng cụ chứa nước có bọ gậy bao gồm 13 loại dụng cụ, chủ yếu là các bể hở, xô, thùng nước, chậu cảnh và phế liệu.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 4/6, thành phố ghi nhận 1.281 ca mắc SXH xảy ra ở 28/30 quận, huyện (hai địa phương chưa ghi nhận trường hợp nào là Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây).

Thông tin vui mừng là có trên 90% đã khỏi bệnh. Chỉ có một bệnh nhân tử vong tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TP. Hồ Chí Minh, SXH cũng bắt đầu tăng

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM ngày 7/6 cho biết, SXH sẽ “vào mùa” sớm, cộng đồng cần chủ động các giải pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe. Qua công tác giám sát các loại bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tuần qua cho thấy, cả hai loại bệnh gồm SXH và tay - chân - miệng đều gia tăng.Theo đó, sau khi đạt mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm, tuần qua bệnh SXH đã bắt đầu tăng trở lại. Số người mắc SXH được ghi nhận trong tuần lên tới 233 trường hợp (tăng gần 7%) so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay đã lên tới gần 8.800 ca.


Thanh Mai (thực hiện)
Ý kiến của bạn