Ca bệnh sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng
Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp, tại nhiều quận huyện vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch mới. Đến nay trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 6.779 ca mắc sốt xuất huyết, với 5 trường hợp tử vong.
So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng gấp 3,5 lần. Theo dự báo, trong thời gian tới số ca mắc tiếp tục tăng và có diễn biến phức tạp do đã bước vào cao điểm mùa dịch hằng năm từ tháng 9 đến tháng 11.
Tại các bệnh viện lớn như BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện E, BVĐK Đống Đa, BV Thanh Nhàn… vẫn tiếp tục ghi nhận ca bệnh đến thăm khám, điều trị thậm chí có nhiều ca bệnh trong tình trạng nguy kịch.
Tại BVĐK Đống Đa, mỗi ngày khoa Truyền nhiễm bệnh viện tiếp nhận khoảng 40-50 bệnh nhân đến thăm khám, trong đó có khoảng 1/3 có chỉ định nhập viện do có các dấu hiệu tăng nặng, chưa kể các trường hợp chuyển từ tuyến dưới lên.
ThS. BS Hà Huy Tình – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK Đống Đa cho biết, trong 46 bệnh nhân đang điều trị tại viện có 23 bệnh nhân có dấu hiệu tăng nặng như đau bụng dữ dội, nôn mửa, chảy máu lợi, nôn ra máu, mệt mỏi, ly bì chán chường, đau đầu, chóng mặt… Đặc biệt là các bệnh nhân chuyển tuyến tiểu cầu giảm sâu, nhiều trường hợp đã có dấu hiệu xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hóa…
Sai lầm khiến bệnh sốt xuất huyết trở nặng hơn
Tại sao nhiều trường hợp điều trị tại nhà, đã ngắt cơn sốt nhưng bệnh lại trở nên nặng hơn? Theo BS Tình có 3 nguyên nhân khiến các bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị dễ trở nặng, đó là:
Tự ý dùng thuốc điều trị: Khi mới bắt đầu, người bệnh thường sốt ruột, lo lắng tìm mọi cách để nhanh chóng hạ cơn sốt bằng cách tăng liều thuốc hạ sốt, hoặc vừa dùng đường uống vừa dùng đường hậu môn, hoặc kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau… Điều này cực kỳ nguy hiểm vì việc dùng quá liều có thể gây ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận…
Hoặc nhiều trường hợp nhân viên nhà thuốc để giúp người bệnh đỡ đau nhức, hạ sốt nhanh đã kê thêm các loại thuốc có thành phần corticoid, loại thuốc này dễ dẫn đến rối loạn đông máu, càng nguy hiểm cho người bệnh.
Với sốt xuất huyết tuyệt đối không dùng ibuprofen và aspirin để hạ sốt vì dễ gây xuất huyết tiêu hóa.
Khi có vấn đề về sức khỏe phải đến bệnh viện thăm khám để tìm ra nguyên nhân, kiểm tra kỹ các dấu hiệu cảnh báo… Khi bị sốt cần uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt đúng liều, không tự ý tăng hay bớt liều, sốt xuất huyết chống chỉ định với corticoid do vậy không được tự ý sử dụng loại thuốc này, BS Tình khuyến cáo.
Hết sốt là khỏi bệnh, chủ quan không thăm khám lại: Sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Theo BS Tình, phần lớn các trường hợp điều trị tại nhà mắc sai lầm chỉ chú trọng điều trị giai đoạn đầu như sốt cao thì tìm mọi cách hạ sốt, khi cơn sốt đã ngắt thì không đi thăm khám lại, chỉ đến khi xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết da, chảy máu cam, chảy máu lợi… mới đến viện thăm khám khi đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
Việc thăm khám muộn rất nguy hiểm, bởi giai đoạn sau sốt (từ ngày 3-7), bệnh bắt đầu diễn biến nặng, tiểu cầu suy giảm có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết niêm mạc (chảy máu mũi, miệng, mắt…), trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hóa… đặc biệt bệnh nhân có rối loạn đông máu, người có bệnh nền rất nguy hiểm gây máu cô đặc… có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Như trường hợp bệnh nhân 57 tuổi tại Thanh Oai đang điều trị tại viện, mặc dù trong vùng dịch sốt xuất huyết, lại có bệnh lý nền là tăng huyết áp và Gout biến chứng nhưng khi có dấu hiệu bệnh không thăm khám.
Đến ngày thứ ba bắt đầu có tình trạng chảy máu lợi ồ ạt lúc này mới tức tốc đến viện. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số tiểu cầu của bệnh nhân bằng 0, bắt đầu có dịch dạ dày.... Với bệnh nhân này nếu không nhập viện truyền tiểu cầu kịp thời có thể xuất huyết nội tạng, xuất huyết não… nguy hiểm đến tính mạng.
Do vậy khi có dấu hiệu sốt cao mà đang trong vùng dịch sốt xuất huyết hoặc nghi ngờ mắc sốt xuất huyết cần đến viện thăm khám ngay để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị đúng.
Sốt xuất huyết chỉ mắc một lần: Nhiều bệnh nhân sốt cao đến viện thăm khám khi bác sĩ thông báo bị sốt xuất huyết thì rất ngỡ ngàng vì cho rằng họ đã từng mắc rồi nên sẽ không mắc lại nữa, nên coi thường các biện pháp dự phòng. Theo BS Tình, đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm.
Sốt xuất huyết có 4 chủng khác nhau được ký hiệu (D1, D2, D3, D4) nếu mắc chủng loại này rồi vẫn có thể mắc loại khác, tức mỗi người vẫn có thể mắc tới 4 lần sốt xuất huyết trong đời. Thực tế tại Khoa Truyền nhiễm, BVĐK Đống Đa các bác sĩ đã ghi nhận những bệnh nhân mắc 2, 3 lần sốt xuất huyết.
Do vậy, BS Tình khuyến cáo khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm chẩn đoán phù hợp, trong 3 ngày đầu nếu có chỉ định theo dõi tại nhà cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, ăn thức ăn lỏng, cháo, súp, sữa, uống nhiều nước… Nếu thấy bệnh nhân có chuyển biến nặng hơn như li bì, vật vã, chân tay lạnh, nôn nhiều… cần đưa ngay đến cơ sở y tế thăm khám. Không có diễn biến bất thường cũng cần thăm khám lại theo hẹn của bác sĩ.