Sốt xuất huyết khi nào cần nhập viện?

10-05-2022 13:57 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Sốt xuất huyết nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Vậy thời gian ủ bệnh là bao lâu và khi nào cần nhập viện là những vấn đề nhiều người thắc mắc. Bài viết dưới đây giúp độc giả hiểu hơn về vấn đề này.

Việt Nam là một nước nằm trong vùng có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn với đặc điểm là sốt, xuất huyết và có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

1. Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết là bao lâu?

Giai đoạn ủ bệnh sốt xuất huyết là lúc mà cơ thể sản sinh ra các kháng thể nhằm chống lại các tác nhân lạ như virus, vi khuẩn. Đến khi những kháng thể không còn khả năng chống trả thì bệnh sẽ bắt đầu biểu hiện bằng các triệu chứng trên cơ thể.

Thông thường, thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết diễn ra trong khoảng 4 đến 7 ngày, đôi khi có thể kéo dài lên tới 14 ngày. Trong giai đoạn này người bệnh vẫn khỏe mạnh và không biểu hiện triệu chứng gì, nhưng khoảng 12-18h trước khi có triệu chứng sốt thì người bệnh đã có thể là nguồn lây bệnh. Do quá trình ủ bệnh kéo dài và âm thầm nên rất nhiều người khi mang mầm bệnh mà không hề hay biết rồi vô tình làm phát tán virus từ khu vực này tới khu vực khác làm bùng phát thành dịch lớn.

Trên thực tế, thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết có thể ngắn hơn hoặc kéo dài hơn tùy thuộc vào các yếu tố như cơ địa mỗi người bệnh, khả năng hoạt động của hệ miễn dịch, nhiễm bệnh do chủng virus nào hay tuổi tác của người bệnh...

Trong trường hợp người mang mầm bệnh sốt xuất huyết bị muỗi đốt và lây cho người thân trong gia đình hoặc người sinh sống trong cùng khu vực thì khi người lây bệnh đã khỏi hoặc sắp khỏi bệnh thì người bị lây mới bắt đầu có hiện tượng sốt. Và trong thời gian ủ bệnh này, nếu người bệnh có làm xét nghiệm thì cũng không thể phân biệt được bị sốt xuất huyết hay là nhiễm các loại bệnh khác.

Sau thời gian ủ bệnh thì sốt xuất huyết có biểu hiện. Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết dengue có thể nhẹ hay nặng tùy theo từng người bệnh, các biểu hiện thường thấy là sốt, đau đầu, đau nhức 2 hố mắt. Đau mỏi cơ và khớp, mệt mỏi nhiều, phát ban, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Người bệnh có thể ho, đau họng và xuất hiện ban xuất huyết dưới da, mắt đỏ… Một số người bệnh có thể có triệu chứng nặng: đau bụng, chướng bụng, nôn ra máu, chảy máu mũi, phân đen, co giật, kinh nguyệt đến sớm, số lượng nhiều hoặc kéo dài.

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết và khi nào cần nhập viện? - Ảnh 1.

Giai đoạn nặng của sốt xuất huyết thường ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 7.

2. Sốt xuất huyết ngày thứ mấy là nguy hiểm nhất?

Sốt xuất huyết thường kéo dài 5-7 ngày, chia làm 3 giai đoạn:

- Giai đoạn sốt

- Giai đoạn nặng

- Giai đoạn phục hồi

Giai đoạn nặng bắt đầu vào khoảng thời gian hết sốt, thường ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Giai đoạn này kéo dài khoảng 24-48 giờ. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện như: đau nhức người, nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì.

Xuất hiện xuất huyết, các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Người bệnh có thể xuất huyết ở niêm mạc - chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.

3. Vì sao sốt xuất huyết trở nên nghiêm trọng?

Nhiều người lầm tưởng rằng khi mắc sốt xuất huyết sẽ nghiêm trọng khi các biểu hiện xuất huyết niêm mạc như chảy máu lợi, kinh nguyệt sớm, tiểu ra máu… và như vậy mới gọi là nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ngoài triệu chứng xuất huyết, bệnh còn có các biểu hiện nặng khác như tụt huyết áp, tổn thương các tạng của cơ thể, viêm não… Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

4. Khi nào cần nhập viện?

Phần lớn các trường hợp bị sốt xuất huyết có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Chủ yếu là điều trị triệu chứng.

‎Khi sốt ≥ 38,5 độ C: có thể uống hạ sốt bằng paracetamol (liều dùng và số lần theo hướng dẫn của bác sĩ) và kết hợp lau mát liên tục.

‎Khuyến khích bệnh nhân ăn uống bình thường, đặc biệt uống nhiều nước. Có thể uống nước lọc, oresol, nước trái cây, nước dừa…. Hạn chế các loại thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như xá xị, chocolate.

‎Phải tái khám và theo dõi bởi các bác sĩ. Bạn cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu có một trong những dấu hiệu sau đây:

- Cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.

- Không ăn uống được.

- Nôn ói nhiều.

- Đau bụng nhiều hơn.

- Tay chân lạnh, ẩm.

- Mệt lả, bứt rứt.

- Chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ.

- Có các hành vi thay đổi như lú lẩn, kích thích, vật vã hoặc li bì.

- Trên 6 giờ không tiểu tiện.

Để đối phó với sốt xuất huyết, tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng) và phòng chống muỗi đốt. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (loăng quăng).Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Phòng chống muỗi đốt cần ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày. Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

Sốt xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòngSốt xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng

SKĐS - Sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở nước ta, dễ bùng phát vào mùa mưa và có nguy cơ gây thành dịch. Khi mắc bệnh, nếu người bệnh chủ quan, lơ là cho rằng sốt virus thông thường sẽ khiến bệnh trở nặng và gây nhiều biến chứng.

Mời xem video được quan tâm:

Kỹ năng cứu đuối nước an toàn từ trên bờ mùa mưa bão (1)



BS. Lê Thị Hoa
Ý kiến của bạn