Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận tăng cao bắt đầu từ giai đoạn tháng 6 và tăng cao nhất trong 03 tuần gần đây.
Bệnh sốt xuất huyết là vấn đề nghiêm trọng với phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong ba tháng cuối thai kỳ có thể truyền virus sang thai nhi. Điều này làm tăng nguy cơ khiến thai nhi bị nhẹ cân, sinh non và thậm chí tử vong. Sốt xuất huyết cũng liên quan đến tiền sản giật (tăng huyết áp), xuất huyết, số lượng tiểu cầu thấp và sinh mổ.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Thắng – Trưởng khoa Đẻ - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, phụ nữ mang thai cũng là đối tượng dễ bị sốt xuất huyết và bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng cho thai phụ và thai nhi. Do đó, phụ nữ mang thai phải thực hiện các biện pháp chủ động phòng bệnh tại nhà, nhất là trong thời điểm số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng.
1. Dấu hiệu chẩn đoán mẹ bầu mắc bệnh sốt xuất huyết
PGS.TS Nguyễn Mạnh Thắng cho biết thêm, sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm virus Dengue lây truyền qua vết đốt của muỗi Aedes bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết có thể từ nhẹ đến nặng và có thể bao gồm sốt cao, triệu chứng khá giống với cảm cúm, biểu hiện thường là sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, sốt liên tục, khó hạ sốt, kéo dài từ 2-7 ngày, nhức đầu dữ dội, đau khớp và cơ, phát ban và xuất huyết ngoài da.
Trong trường hợp nặng, sốt xuất huyết có thể dẫn đến chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, cơ thể mất nước, khát nước, tiểu ít, đau bụng, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, vật vã.
Khi sốt xuất huyết diễn tiến nặng sẽ có triệu chứng như sốt xuất huyết hoặc hội chứng sốc sốt xuất huyết, có thể đe dọa đến tính mạng với các triệu chứng choáng, mạch nhanh, huyết áp tụt. Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng thường bắt đầu xuất hiện từ 3-7 ngày sau khi khởi phát bệnh.
2. Tại sao phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc bệnh sốt xuất huyết?
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Thắng, khi mang thai, hệ thống miễn dịch trải qua những thay đổi để hỗ trợ thai nhi đang phát triển, điều này khiến phụ nữ mang thai dễ bị nhiễm trùng như sốt xuất huyết. Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai cũng ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu bị nhiễm bệnh. Hơn nữa, sốt xuất huyết khi mang thai có thể dẫn đến các biến chứng cho cả mẹ và bé, bao gồm sinh non, nhẹ cân, thậm chí tử vong thai nhi.
3. Mẹ bầu cần làm gì khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết?
Nếu mẹ bầu nghi ngờ mình mắc bệnh sốt xuất huyết hoặc gặp bất kỳ triệu chứng liên quan nào khi mang thai, điều quan trọng là phải đến bệnh viện ngay lập tức.
Sốt xuất huyết có thể đặc biệt nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai, vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để đảm bảo kết quả tốt nhất có thể cho cả mẹ và con. Số lượng tiểu cầu giảm hoặc chảy máu từ bất kỳ vị trí nào trên cơ thể đều được coi là dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết.
4. Phương pháp điều trị sốt xuất huyết cho mẹ bầu
Sốt xuất huyết nguy hiểm đến mức nào còn phụ thuộc vào việc mẹ bầu có được phát hiện bệnh sớm hay không. Nếu được chẩn đoán sớm, hiệu quả điều trị sẽ rất cao. Việc điều trị sốt xuất huyết kịp thời trong thời gian mang thai sẽ đảm bảo thai phụ và thai nhi được khỏe mạnh. Thai phụ trong quá trình điều trị sốt xuất huyết cần lưu ý những điều sau đây:
- Không được tự ý mua thuốc sử dụng, không được tự ý truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Khám thai đúng định kỳ để theo dõi huyết áp và mức tiểu cầu trong máu.
- Trường hợp sốt xuất huyết vừa và nhẹ có thể điều trị ngoại trú tại nhà bằng thuốc paracetamol 10-15mg/kg cân nặng nếu sốt trên 38 độ C để hạ sốt và làm giảm cơn đau. (An toàn nhất vẫn nên dùng thuốc có tư vấn của bác sĩ.)
- Nên bổ sung nhiều nước và các loại nước trái cây giàu vitamin C để ngăn ngừa tình trạng mất nước do nôn ói, tránh ảnh hưởng đến tình trạng thai.
- Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng.
- Giữ tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi nhiều, vận động vừa phải.
- Đối với trường hợp sốt xuất huyết nặng và nghiêm trọng, thai phụ cần phải nhập viện và theo dõi liên tục trong phòng chăm sóc đặc biệt.
- Sốt xuất huyết khi chuyển dạ là cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ băng huyết sau sinh và có thể tử vong.
- Tuân thủ phác đồ điều trị và những hướng dẫn của nhân viên y tế.
5. Các bước phòng ngừa sốt xuất huyết cho mẹ bầu
Phòng bệnh là biện pháp tốt nhất để tránh sốt xuất huyết và dù ở nhà, nơi làm việc, đi chơi thì mẹ bầu đều phải mặc quần áo phù hợp và bôi kem chống muỗi.
Một số biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết cho mẹ bầu:
- Sử dụng thuốc chống muỗi: Bôi thuốc chống muỗi có chứa DEET, picaridin hoặc dầu bạch đàn chanh lên vùng da hở như chân tay có thể làm giảm đáng kể nguy cơ bị muỗi đốt. Mẹ bầu nên chọn loại thuốc chống côn trùng an toàn để sử dụng trong thời kỳ mang thai và tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Mặc quần áo dài: Che chắn bằng áo sơ mi dài tay, quần dài và giày kín có thể tạo thêm một lớp bảo vệ chống muỗi đốt, đặc biệt là khi ở ngoài trời.
- Ở trong nhà vào những giờ muỗi cao điểm: Muỗi hoạt động mạnh nhất vào lúc bình minh và hoàng hôn. Phụ nữ mang thai nên ở trong nhà, tránh các hoạt động ngoài trời trong thời điểm này.
- Loại bỏ nước đọng: Muỗi sinh sản trong nước tù đọng, vì vậy điều cần thiết là loại bỏ nước đọng xung quanh nhà. Thường xuyên kiểm tra, đổ hết nước trong xô, chậu và úp ngược… để loại bỏ những nơi muỗi có khả năng sinh sản.
- Lắp lưới cửa sổ và cửa ra vào: Việc lắp lưới chắn trên cửa sổ và cửa ra vào có thể ngăn chặn muỗi xâm nhập vào nhà.
- Sử dụng màn chống muỗi: Nếu sống ở khu vực có nhiều muỗi hoặc đi đến những vùng có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết hãy sử dụng màn chống muỗi khi ngủ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Các dấu hiệu phân biệt sốt xuất huyết và tay chân miệng.