Sốt xuất huyết gia tăng tại Tiền Giang: Ðừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

07-01-2016 23:54 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo báo cáo của Sở Y tế Tiền Giang, tính đến cuối tháng 12/2014 toàn tỉnh đã ghi nhận gần 2.000 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 130% so với cùng kỳ năm 2014...

Theo báo cáo của Sở Y tế Tiền Giang, tính đến cuối tháng 12/2014 toàn tỉnh đã ghi nhận gần 2.000 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 130% so với cùng kỳ năm 2014, mặc dù công tác phòng chống đã được ngành y tế tỉnh này triển khai quyết liệt nhưng tình hình SXH vẫn diễn biến phức tạp, vậy nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?

Để phòng bệnh SXH hiệu quả, người dân tích cực diệt lăng quăng, vệ sinh nơi ở sạch sẽ.    (ảnh minh họa)

Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, số ca bệnh nặng phải chuyển lên tuyến trên tăng đột biến do phát hiện muộn. Thay vì đưa người bệnh đến các cơ sở y tế sớm ngay khi được phát bệnh, hơn 80% bệnh nhi nhập viện đã tự điều trị trước đó tại nhà. Hiện SXH ở tỉnh Tiền Giang vẫn tăng từng ngày dù ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh. Chị Trần Thị Thanh Lan, ở xã Long An, huyện Châu Thành (Tiền Giang) có con đang điều trị SXH tại BVĐK trung tâm tỉnh cho biết, thấy con bị sốt, sau đó nổi mụn nhưng nghĩ là sốt phát ban nên gia đình chủ quan không đưa đến viện mà tự điều trị tại nhà. Khi thấy tình trạng con không đỡ mới đưa đến bệnh viện thì bác sĩ nói tình trạng của cháu đã bị biến chứng nặng. Theo BS. Nguyễn Thành Úc - Phó trưởng Khoa Nhi BVĐK trung tâm tỉnh Tiền Giang, việc các bậc phục huynh tự ý điều trị bệnh cho trẻ tại nhà rất nguy hiểm bởi sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều trị, đặc biệt khi bệnh biến chứng nặng. Theo nhận định, Tiền Giang đang đứng trước nguy cơ bệnh bùng phát do bước vào chu kỳ dịch cùng với thời tiết thay đổi thất thường. Theo BS. Trần Thanh Thảo - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, tình hình SXH hiện nay trên địa bàn đã tương đối ổn định, tuy nhiên bệnh vẫn ở mức tiếp tục phải cảnh giác. Theo đó, ngành y tế đã chỉ đạo các địa phương có số ca mắc cao bên cạnh việc tích cực diệt lăng quăng thì công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh trong nhân dân cũng được thực hiện đồng thời nhằm thay đổi nhận thức người dân về bệnh, không nên chủ quan. Trên thực tế, phòng chống bệnh SXH không dễ nhưng không phải quá khó đến nỗi không thể làm được. Tuy nhiên, công tác phòng chống bệnh SXH tại Tiền Giang lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi ý thức của người dân về căn bệnh này vẫn chưa cao. Nhiều người còn chủ quan với bệnh. Người dân chưa chú trọng đến diệt muỗi lăng quăng thường xuyên, vẫn còn rất nhiều tình trạng chủ quan với bệnh nên khi có người mắc bệnh thường đến cơ sở y tế trong tình trạng quá muộn.


Phương Huyền
Ý kiến của bạn