Hà Nội

Sốt xuất huyết gia tăng, gần 49.000 người mắc, 14 người tử vong

11-07-2017 09:42 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong tuần qua, đã có thêm hơn 3.100 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong tại Tiền Giang.

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 48.898 trường hợp mắc SXH, trong đó có 14 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016, số trường hợp nhập viện tăng 0,3%; số trường hợp tử vong tăng 2 trường hợp.

Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế hiện nay đang là mùa dịch, diễn biến số mắc theo tuần có xu hướng tăng. Tích luỹ từ đầu năm đến nay số mắc nhập viện tăng cao ở khu vực miền Bắc và miền Nam; giảm ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên so với cùng kỳ 2016.

Năm 2017, khu vực Hà Nội mùa hè đến sớm, không có đợt rét tháng 3 nên đàn muỗi có điều kiện phát triển, kết hợp với sự cố vỡ đường ống nước sông Đà dẫn đến việc người dân tăng trữ nước tạo điều kiện cho bọ gây, lăng quăng phát triển. Ngoài ra rất nhiều công trình xây dựng đang triển khai trong các khu vực dân cư và nhiều khu tập thể cũ gia tăng, kết hợp các khu nhà trọ của công nhân lao động có điều kiện vệ sinh kém cũng là nguy cơ cho véc tơ truyền SXH phát triển.

Ảnh minh hoạ.

Tại Hà Nội, tính đến đầu tháng 7/2017, toàn thành phố ghi nhận 3.250 trường hợp, một trường hợp tử vong tại quận Đống Đa vào tháng 5/2017. Số mắc tập trung chủ yếu ở một số quận nội thành như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông.... Thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh SXH phát triển.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua kiểm tra tại các địa phương thì vẫn còn bệnh nhân mới, bệnh nhân đang điều trị, muỗi vẫn còn và bọ gậy cũng vậy. Bên cạnh yếu tố môi trường, thời tiết, dân cư tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển thì việc phun hóa chất cũng chưa triệt để và cách làm cũng chưa thật sự bài bản. Chính vì vậy, lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu các quận, huyện tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, điều tra, khống chế, xử lý kịp thời, triệt để không để dịch lan rộng. Tiếp tục triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, chú trọng các ổ dịch cũ, nơi vệ sinh môi trường kém, nơi nhiều công trình xây dựng, sinh viên thuê trọ và khu công cộng... Cần tiến hành khảo sát tại các điểm dân cư, nếu thấy chỉ số côn trùng cao cần tiến hành phun hóa chất ngay. Tăng cường tuyên truyền để người dân thường xuyên diệt bọ gậy hoặc thu gom phế liệu, phế thải, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi cũng như phối hợp với ngành y tế để phun hóa chất diệt muỗi. Đặc biệt là đến cơ sở y tế khám và điều trị khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Chính quyền các địa phương phải thực sự vào cuộc cùng với ngành y tế, tổ chức họp dân để thông báo tình hình dịch, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch cũng như có các biện pháp xử lý hành chính các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để dịch bệnh lan rộng.

Trước tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp, Bộ Y tế cũng đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống dịch bệnh như thành lập 7 đoàn công tác đi kiểm tra tại 14 tỉnh thành trọng điểm từ tháng 6,7/2017; phun hoá chất diệt muỗi; tổ chức truyền thông phòng chống dịch; tổ chức các lớp tập huấn phòng chống dịch; tiếp tục tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng phòng chống SXH hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống SXH; cấp hoá chất và dụng cụ điều tra côn trùng cho các tỉnh thành triển khai hoạt động phòng chống SXH….

Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động phòng chống dịch bệnh, kịp thời khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch bệnh tới cộng đồng…


D.Hải
Ý kiến của bạn