Nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue nặng hơn
Sốt xuất huyết Dengue được tìm thấy ở các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn cầu, bệnh tập trung chủ yếu ở các khu vực đô thị và bán đô thị. Các vector chính truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti và vector phụ là Aedes albopictus.
Các vector này đốt người vào ban ngày và có hai đỉnh đốt gồm sáng sớm và chiều tối, tuy nhiên đỉnh hoạt động có thể thay đổi tùy theo địa phương và mùa.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue do virus Dengue (DENV) gây ra đây là một loại virus ARN thuộc họ Flaviviridae.
Có bốn type huyết thanh khác nhau nhưng có liên quan chặt chẽ với nhau (DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4). Khi nhiễm với một type huyết thanh nào đó thì cơ thể sẽ có khả năng miễn dịch lâu dài đối với type huyết thanh đó nhưng không miễn dịch với các type huyết thanh khác.
Do vậy, khi nhiễm thêm với một type Dengue khác thì người nhiễm có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết/ Dengue nặng hơn, có thể bao gồm sốc hoặc suy hô hấp do xuất huyết, chảy máu nghiêm trọng, suy tạng/ đa tạng và tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue/ sốt Dengue hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy việc phát hiện kịp thời các ca bệnh, xác định bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào về sốt xuất huyết Dengue/ sốt Dengue nặng và quản lý ca bệnh thích hợp là những yếu tố quan trọng trong chăm sóc để ngăn ngừa tử vong và có thể giảm tỷ lệ tử vong ởcác trưởng hợp sốt xuất huyết Dengue nặng xuống dưới 1%.
Khu vực châu Mỹ đã thu thập dữ liệu dịch tễ học về bệnh sốt xuất huyết Dengue từ năm 1980. Kể từ thời điểm đó thì virus đã lan rộng ra khắp khu vực. Số ca mắc cao nhất được ghi nhận vào năm 2019 với hơn 3,1 triệu ca mắc, trong đó có 28.203 ca nặng và 1.773 ca tử vong.
Bệnh chikungunya
Chikungunya là một bệnh virus do muỗi truyền gây sốt và đau khớp nặng. Bệnh được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952 trong một đợt bùng phát ở miền nam Tanzania. Virus Chikungunya (CHIKV) chủ yếu lây truyền qua muỗi cái gồm Aedes aegypti và Aedes albopictus, hai loài này cũng có thể truyền sốt xuất huyết Dengue và virus Zika.
Hai loài muỗi này đốt ban ngày, mặc dù có thể có hoạt động cao điểm vào sáng sớm và chiều tối.
Theo thời gian biểu hiện lâm sàng thì Chikungunya có thể cấp tính, bán cấp tính và mạn tính. Triệu chứng nghiêm trọng dẫn đến tử vong là rất hiếm. Tuy nhiên, ở người lớn, trẻ mới sinh có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn.
Bệnh có đặc điểm lâm sàng là khởi sốt đột ngột, thường kèm theo đau khớp hoặc viêm khớp nặng, suy nhược và thường thay đổi theo thời gian. Các biến chứng thần kinh gồm hội chứng Guillain-Barré và viêm màng não đã được báo cáo.
Hầu hết bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau khi bị nhiễm và khi nhiễm bệnh có thể có khả năng miễn dịch suốt đời.
Chikungunya sơ sinh cũng đã được mô tả. Hầu hết các trường hợp nhiễm Chikungunya trong thời kỳ mang thai sẽ không dẫn đến việc truyền virus từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai. Nguy cơ lây truyền cao nhất thường xảy ra ở giai đoạn khi phụ nữ bị nhiễm bệnh trong khi sinh, khi tỷ lệ lây truyền theo chiều dọc cao lên đến 49%.
Trẻ sơ sinh thường không có triệu chứng khi sinh và sau đó bị sốt, khó chịu, phát ban và phù ngoại vi. Những người bị nhiễm bệnh trong khi sinh cũng có thể phát triển bệnh thần kinh (ví dụ: viêm màng não, tổn thương chất trắng não, phù não và xuất huyết nội sọ), các triệu chứng xuất huyết và bệnh lý cơ tim. Các bất thường trong các xét nghiệm bao gồm tăng các xét nghiệm chức năng gan, giảm số lượng tiểu cầu và tế bào lympho và giảm prothrombin máu.
Trẻ sơ sinh mắc bệnh thể thần kinh thường bị khuyết tật lâu dài. Không có bằng chứng cho thấy virus lây truyền qua sữa mẹ. Sự lan truyền virus Chikungunya tại chỗ lần đầu tiền được xác nhận ở khu vực châu Mỹ vào tháng 12 năm 2013, sau đó virus lây lan thành dịch vào năm 2014. Kể từ đó, virus này đã lan rộng ra khắp khu vực.
Tóm lại: Tổ chức Y tế thế giới đánh giá nguy cơ cấp độ khu vực là sốt xuất huyết Dengue/sốt Dengue và bệnh Chikungunya có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Các loại virus gây ra các bệnh này đã lưu hành ở khu vực châu Mỹ trong nhiều thập kỷ qua là do sự mở rộng vùng địa lý phân bố muỗi Aedes spp. (chủ yếu là Aedes aegypti).
Các Arbovirus này có thể được "mang theo" bởi những người đi du lịch bị nhiễm bệnh (các trường hợp nhập khẩu) và có thể thiết lập các khu vực lan truyền cục bộ mới với sự có mặt của các vector và cộng đồng mẫn cảm với các virus này. Vì đây là các Arbovirus nên tất cả cộng đồng dân cư ở những khu vực có muỗi truyền bệnh đều có nguy cơ mắc, tuy nhiên tác động lớn nhất là đối với những người dễ bị tổn thương nhất mà các chương trình bệnh arbovirus không có đủ các nguồn lực để ứng phó với các đợt bùng phát.
Mặc dù sốt xuất huyết Dengue/sốt Dengue và Chikungunya là bệnh lưu hành ở hầu hết các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Mỹ và khu vực Caribe, nhưng sự gia tăng lan truyền và mở rộng các ca Chikungunya đã được quan sát và cho thấy đang vượt ra ngoài các khu vực truyền bệnh trước đây. Ngoài ra, trong năm 2023 đang cho thấy bệnh sốt xuất huyết Dengue, sốt Dengue lan truyền dữ dội trong khu vực.
Do đó, chúng ta hết sức cảnh giác và sẵn sàng tăng cường các hành động để ngăn chặn, phát hiện sớm, chẩn đoán và kiểm soát các arbovirus bao gồm đào tạo và cảnh báo cho nhân viên y tế trong việc phát hiện các ca bệnh và các biến chứng có thể xảy ra.