Sốt xuất huyết Dengue ở người lớn

19-02-2013 12:22 | Thời sự
google news

Sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh nhiễm trùng hàng đầu khiến trẻ em ở các vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương nhập viện và tử vong trong những thập kỷ qua.

Sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh nhiễm trùng hàng đầu khiến trẻ em ở các vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương nhập viện và tử vong trong những thập kỷ qua. Ước tính hàng năm, có trên 50 triệu người nhiễm virus Dengue trên toàn thế giới, trong đó có hơn 500.000 bệnh nhân cần phải nhập viện. Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết cao trong khu vực.

Tác nhân gây bệnh chủ yếu do siêu vi trùng trong đó siêu vi Dengue chiếm đa số nên bệnh còn có tên gọi đầy đủ là sốt xuất huyết – Dengue. Trung gian truyền bệnh chính là muỗi cái Aedes agypti. Muỗi có thể theo các phương tiện giao thông di chuyển từ vùng này sang vùng khác, do đó bệnh sốt xuất huyết lan truyền nhanh từ vùng này sang vùng khác trên diện rộng. Mật độ muỗi Aedes agypti cao ở những nơi ao tù nước đọng chung quanh nhà hoặc ở những nơi tối tăm, ẩm thấp trong nhà. Các vùng đồng bằng nhiều sông nước hoặc các vùng đông dân cư, vệ sinh môi trường kém ở thành thị thường liên quan tỉ lệ cao sốt xuất huyết – Dengue. Theo thống kê hàng năm, các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh luôn là những nơi có tỉ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết cao so với các nơi khác trong nước.
Sốt xuất huyết Dengue ở người lớn 1
 Muỗi Aedes agypti, tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết Dengue ở người lớn 2
 Xuất huyết dưới da trong bệnh sốt xuất huyết.

Trước đây, theo chu kỳ mỗi 3 - 5 năm, bệnh phát thành dịch lớn mà cao điểm vào mùa mưa. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây, bệnh diễn biến phức tạp, tỉ lệ sốt xuất huyết tăng dần ở người lớn.

Dấu hiệu lâm sàng

Hai biểu hiện nổi bật của sốt xuất huyết – Dengue là sốt và xuất huyết. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có biểu hiện trụy tim mạch. Bệnh diễn tiến cấp tính, rất dễ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị thích hợp kịp thời.

Sốt cao 39,5 – 40o C, khởi phát đột ngột, liên tục kèm cảm giác lạnh, không có cơn run kiểu sốt rét. Thuốc giảm sốt có ảnh hưởng ít nhưng không cắt sốt. Trung bình sốt kéo dài 5 - 6 ngày. Một số ít trường hợp sốt kéo dài đến hai hoặc ba tuần sau đó tự hết mà không can thiệp gì. Kèm sốt là cảm giác nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Da niêm mạc sung huyết rõ, đặc biệt niêm mạc mắt đỏ sậm, môi đỏ sậm, da mặt ửng đỏ hai bên má, tai.

Xuất huyết: có thể xảy ra sớm vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3, kéo dài vài ba ngày nếu nhẹ. Một số ít bệnh nhân nặng hơn, xuất huyết kéo dài, rỉ rã trên hai tuần. Mức độ xuất huyết có thể từ nhẹ nếu đơn thuần chỉ xuất huyết da niêm hoặc nặng xuất huyết cùng lúc ở nhiều vị trí hoặc cơ quan. Các vị trí xuất huyết thường gặp:

Niêm mạc: xuất huyết chấm kết mạc mắt, chảy máu cam niêm mạc mũi, chảy máu răng miệng và nứt chảy máu môi.

Da: biểu hiện chấm, mảng xuất huyết thường gặp ở chi. Các mảng xuất huyết xảy ra tự nhiên hoặc sau đụng chạm nhẹ, sau tiêm truyền. Tại các nơi da có tổn thương do tiêm chích hoặc lấy máu xét nghiệm, máu rỉ rã chảy kéo dài, khó cầm, dễ tạo khối máu tụ (hematom). Dấu dây thắt dương tính chiếm tỉ lệ cao (trên 90%) và chỉ cần thực hiện nếu bệnh nhân nhập viện sớm, chưa có biểu hiện của xuất huyết da niêm tự nhiên.

Tiêu hóa: nôn ra máu hoặc đại tiện phân đen.

Tiết niệu – sinh dục: tiểu máu đỏ, ở phụ nữ hay gặp rong kinh, cường kinh, kinh nguyệt sớm trước chu kỳ, có khi kỳ kinh sau cách chu kỳ trước chỉ 3 – 4 ngày.

Dấu hiệu sốc

Đa số xảy ra vào ngày thứ 5 của bệnh khi sốt giảm. Có thể sớm hơn vào ngày thứ 4 khi nhiệt độ cơ thể còn cao hoặc chậm hơn sau ngày thứ 6 với các dấu hiệu: cảm giác mệt, vẻ mặt đừ, da niêm tái; Mạch nhanh, nhẹ hoặc không bắt được; Huyết áp hạ hoặc không đo được; Chi lạnh. Tiểu ít hoặc không tiểu; Dấu hiệu bứt rứt, bất an, lo âu,… ít thấy ở người lớn so với trẻ em trừ trường hợp có xuất huyết kèm theo.

Phân loại sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ (Theo Tổ chức Y tế Thế giới năm 2009): sốt xuất huyết Dengue; sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo; sốt xuất huyết Dengue nặng.

Sốt xuất huyết Dengue: bệnh nhân có các dấu hiệu sau: sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày kèm theo biểu hiện xuất huyết như chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da sung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo: vật vã, lừ đừ, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan; gan to; nôn nhiều; xuất huyết niêm mạc; tiểu ít…

Nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo trên phải theo dõi sát mạch, huyết áp, số lượng nước tiểu, làm xét nghiệm hematocrit, tiểu cầu và có chỉ định truyền dịch kịp thời.

Sốt xuất huyết Dengue nặng

Chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, thường kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu ôxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.

Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn; suy tạng nặng.

Sốc sốt xuất huyết Dengue được chia ra 2 mức độ để điều trị bù dịch:

Sốc sốt xuất huyết Dengue: có dấu hiệu suy tuần hoàn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt, kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt hoặc vật vã li bì.

Sốc sốt xuất huyết Dengue nặng: sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được.

Chú ý: Trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy khi thăm khám cần phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.

Nguyên tắc điều trị

Thường có một hoặc các bệnh lý mạn tính khác đi kèm: thiếu máu mạn, suy thận, suy gan, suy tim, suy hô hấp mạn, bệnh mô liên kết, bệnh tim bẩm sinh, bệnh tim mạch khác…

Theo dõi đặc biệt rất quan trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến tỉ lệ tử vong. Cần theo dõi liên tục: mạch, huyết áp, nhịp tim cho đến khi bệnh nhân có dấu hiệu ổn định. tránh tình trạng thiếu nước gây sốc kéo dài, sốc không hồi phục.Theo dõi dấu hiệu xuất huyết, vị trí xuất huyết, lượng máu chảy do xuất huyết,… Theo dõi chức năng cơ quan thận, gan, não, cụ thể qua tình trạng tri giác, qua xét nghiệm creatinin máu, men gan…

Minh Anh

 (Theo tài liệu của Cục Y tế

dự phòng, Bộ Y tế)
 

Ý kiến của bạn