Sốt xuất huyết dễ chuyển nặng trên trẻ béo phì

10-10-2017 19:16 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - TS. BS. Phạm Văn Quang – Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc (HSTCCĐ), BV Nhi Đồng 1 – khuyến cáo, sốt xuất huyết vẫn là một căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt trên nhóm bệnh nhi nguy cơ như béo phì.

Khoa HSTCCĐ vừa tiếp nhận và điều trị thành công một ca bệnh nhi trai (11 tuổi, Bình Tân) trong tình trạng rất nặng, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, tổn thương đa cơ quan. Bệnh nhi này được chẩn đoán tại khoa Cấp cứu là “sốc sốt xuất huyết Dengue nặng đầu ngày thứ tư, theo dõi xuất huyết tiêu hóa”. Đặc biệt bệnh nhi có cân nặng đến 61kg.

Trước khi nhập viện, bệnh nhi này bị sốt cao liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ ba, bé đi phân đen. Đến ngày thứ tư, bé bớt sốt, nhưng lại lừ đừ, ăn uống kém, mệt mỏi, vẫn đi tiêu phân đen và đau bụng nhiều.

Sốt xuất huyết dễ tiến triến nặng trên nhóm trẻ bị thừa cân - béo phì.

Theo BS. Quang, bệnh nhi mắc sốt xuất huyết Dengue thể nặng nhất và sốc sốc diễn ra sớm, mới đầu ngày thứ tư. Thông thường, sốc sốt xuất huyết diễn ra vào ngày thứ năm, thứ sáu của bệnh. Diễn tiến bệnh ngày càng tăng nặng, dẫn đến tổn thương đa cơ quan: xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp, tổn thương gan, tổn thương thận và tăng áp lực ổ bụng rất nặng.

Đặc biệt, theo BS. Quang, điều trị cho một đứa bé mắc sốt xuất huyết trên nền dư cân béo phì sẽ gặp khó khăn rất nhiều so với đứa bé có cân nặng bình thường và bệnh dễ diễn tiến nặng.

“Cân nặng lớn không có nghĩa rằng thể tích máu lớn tương ứng. Trong khi đó, điều trị sốt xuất huyết chủ lực là phải truyền dịch, và lượng dịch truyền phải dựa vào cân nặng của đứa bé. Đối với những bé dư cân, nếu điều trị dựa vào cân nặng thật, tính toán lượng dịch cần truyền cho 61kg, sẽ bị quá tải. Chưa kể, các nhân viên y tế rất khó tiếp cận đường tĩnh mạch, lấy ven. Các thủ thuật hồi sức cấp cứu khác cũng không dễ thực hiện trên trẻ dư cân – béo phì,” BS. Quang giải thích.

Trong quá trình điều trị, các bác sĩ khoa HSTCCĐ tiến hành truyền dịch, truyền albumin và thuốc vận mạch, truyền máu và các chế phẩm của máu, hỗ trợ máy thở và lọc máu liên tục.

Sau 3 tuần điều trị tích cực, hiện giờ hô hấp, tuần hoàn, gan, đông máu hầu như đã trở lại bình thường. Bệnh nhi đã tỉnh táo, ăn uống được, có thể tự thở, chức năng đông máu và chức năng gan đã trở lại bình thường. Chức năng thận vẫn còn trong giới hạn bất thường và cần theo dõi chừng 1 tuần nữa.

Đặc điểm của sốt xuất huyết là 3 ngày đầu sốt cao liên tục. Do đó, nếu như các bé ở trong vùng dịch tể sốt xuất huyết, nếu sốt từ 3 ngày trở lên, một trong những bệnh lý hàng đầu các bậc phụ huynh cần nghĩ đến là sốt xuất huyết. Nếu bé có kèm theo các chấm xuất huyết ở da, hoặc chảy máu mũi, chảy máu răng, đi tiêu phân đen… là những dấu chứng gợi ý của sốt xuất huyết.


An Quý
Ý kiến của bạn
Tags: