Hà Nội

Sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế chỉ cách phòng bệnh hiệu quả

16-09-2020 14:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bộ Y tế cho biết, tích lũy từ đầu năm đến 15/9/2020 cả nước ghi nhận 65.046 trường hợp mắc, 07 tử vong. So với cùng kỳ năm 2019 số mắc giảm 65,6%, tử vong giảm 32 trường hợp. Tuy nhiên theo diễn biến chu kỳ dịch hàng năm, thời điểm hiện tại đang là mùa mưa số mắc có xu hướng gia tăng.

Với phương châm coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch ngay từ đầu năm như: Ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế; Công văn chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch; tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát hỗ trợ địa phương trọng điểm; tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai phòng, chống dịch bệnh; tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế dự phòng, điều trị các tuyến; chỉ đạo tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng, chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 47 tỉnh, thành phố...

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

 

Không tự chữa sốt xuất huyết tại nhà
Theo TS. Nguyễn Kim Thư - Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương người bị nhiễm virus cấp tính thông thường sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể diễn biến nặng, nguy cơ tử vong cao. Tình trạng bệnh thường diễn biến nặng ở ngày thứ 4-7 sau khi sốt. Trong thời gian này, người bệnh có nguy cơ xuất huyết, cô đặc máu và tụt huyết áp, dẫn tới tử vong. Do đó, tiến sĩ này nhận định việc thăm khám lâm sàng không đủ cơ sở kết luận tình trạng bệnh. Người có dấu hiệu nghi ngờ cần được xét nghiệm.
TS. Thư khuyến cáo: Trong 3 ngày đầu, bệnh nhân có biểu hiện sốt nên đến cơ sở y tế khám sàng lọc. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn chúng ta quay lại xét nghiệm theo dõi ở ngày thứ 4 hoặc 5. Nếu xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhập viện. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được xét nghiệm công thức máu mỗi ngày. Nguyên nhân là diễn biến của sốt xuất huyết có thể thay đổi nhanh. Các bác sĩ dựa vào kết quả xét nghiệm để có biện pháp điều trị phù hợp.
"Ở giai đoạn đầu của sốt xuất huyết, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng bạch cầu giảm. Nếu chuyển sang giai đoạn cảnh báo, kết quả xét nghiệm sẽ cho thấy dấu hiệu giảm tiểu cầu (thường dưới 100 G/l), chỉ số hematocrit (HCT) tăng phản ánh sự cô đặc máu và có hiện tượng thoát huyết tương" - chuyên gia phân tích.
Trong những trường hợp này, bệnh nhân cần được chỉ định truyền dịch và tiểu cầu. Số lượng dịch, tốc độ truyền sẽ phụ thuộc vào mức độ cô đặc máu của bệnh nhân và theo phác đồ Bộ Y tế.
"Có thể sau 1-2 giờ, tốc độ truyền buộc phải thay đổi. Do đó, việc điều trị sốt xuất huyết cần có sự điều chỉnh và theo dõi của nhân viên y tế. Bệnh nhân không thể tự điều trị tại nhà" - TS. Kim Thư khẳng định.

Dương Hải
Ý kiến của bạn