Sốt xuất huyết có nguy cơ diễn biến phức tạp

15-05-2014 22:05 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình một năm cả nước có 50.000 ca sốt xuất huyết tại 42 địa phương, trong đó có 40 ca tử vong, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Đây là thông tin được TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế) đưa ra ngày 14/5 trong cuộc trao đổi với báo chí về tình hình bệnh sốt xuất huyết hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình một năm cả nước có 50.000 ca sốt xuất huyết tại 42 địa phương, trong đó có 40 ca tử vong, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Riêng năm 2014, tính từ đầu năm đến nay, cả nước hiện đã ghi nhận hơn 8.100 ca mắc sốt xuất huyết, tại 41 tỉnh thành, trong đó có 4 người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm 38%. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, chu kỳ của dịch bệnh thường từ 3-5 năm lại bùng phát, do đó rất có thể trong năm nay sốt xuất huyết sẽ gia tăng và có diễn biến phức tạp.

Theo ông Dương, trước đây dịch sốt xuất huyết thường xuất hiện theo mùa, gia tăng ở khu vực phía Nam từ tháng 6 (vào mùa mưa) và ở phía Bắc từ tháng 9. Nhưng gần đây do những thay đổi về thời tiết, môi trường, sốt xuất huyết xuất hiện gần như quanh năm. Đặc biệt, sốt xuất huyết hiện được coi là căn bệnh đô thị bởi tỷ lệ mắc cao và gia tăng mạnh ở các thành phố lớn, vùng đô thị hóa nhanh. Lý giải về điều này, ông Dương cho rằng, đô thị tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: mật độ dân số lớn dễ lây lan dịch; ảnh hưởng đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng, nước đọng trên mái nhà, ngóc ngách, túi nilon, bình hoa, cây cảnh. Vùng dân nghèo đô thị là nơi muỗi đẻ rất nhiều.

“Việt Nam hiện lưu hành 4 týp virut, bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều týp virut: D1, D2, D3 và D4. Người mắc sốt xuất huyết có miễn dịch lâu dài với týp đã gây bệnh này, nhưng vẫn có thể mắc lại sốt xuất huyết do các týp virut khác. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên người mắc năm nay sang năm vẫn có thể mắc lại. Chính vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời. Bệnh nhân sốt xuất huyết cũng là một nguồn lây lan bệnh trong cộng đồng”, ông Dương lưu ý.

Bên cạnh đó, bệnh cũng có sự thay đổi. Vào những năm 1986-1990, dịch tại miền Bắc rất nặng nề nhưng sau đó giảm và tăng cao ở khu vực phía Nam. Chủng virut có sự thay đổi về chu kỳ sinh thái, tập quán, xuất hiện gen kháng hóa chất diệt.

Cũng về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng cho biết, tác động của biến đổi khí hậu cộng thêm mùa mưa đang tới là thời điểm rất quan trọng, người dân cần nâng cao kiến thức phòng bệnh. Người nhiễm bệnh sốt xuất huyết gây nên triệu chứng lâm sàng khác nhau tùy từng cá thể, bệnh có thể chỉ biểu hiện như một hội chứng nhiễm virut không đặc hiệu nhưng có thể xuất hiện bệnh lý xuất huyết trầm trọng và đưa đến tử vong. Do đó, ông Nga khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống như: diệt bọ gậy loăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các điểm nguy cơ cao, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện.

Thái Bình

 


Ý kiến của bạn