Sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi? Những sai lầm khiến bệnh chuyển nặng

05-11-2021 10:08 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Cứ đến mùa mưa là xuất hiện nhiều ca mắc sốt xuất huyết. Theo chu kỳ hàng năm, sốt xuất huyết dễ bùng phát thành dịch. Bệnh trở thành một mối đe dọa cho người người, nhà nhà.

Lo ngại sốt xuất huyết bùng phát giữa dịch COVID-19, dấu hiệu nào phân biệt?Lo ngại sốt xuất huyết bùng phát giữa dịch COVID-19, dấu hiệu nào phân biệt?

SKĐS - Tiết trời giao mùa kèm theo những đợt mưa ẩm là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Song song với phòng chống dịch COVID-19, người dân cũng cần trang bị kiến thức và phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết.

Đáng lưu ý, phần lớn các trường hợp bệnh diễn tiến nặng là do người bệnh chủ quan, tự điều trị tại nhà hoặc e ngại dịch bệnh COVID-19 nên không đến bệnh viện. Do vậy, việc nắm rõ kiến thức về bệnh, các giai đoạn của bệnh là điều vô cùng cần thiết.

1. Bệnh sốt xuất huyết và tiên lượng

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn truyền bệnh trong đó chủ yếu là do Aedes Aegypti.

Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa từ tháng 5 - 11 hằng năm.

Đối tượng dễ mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue là trẻ em trong lứa tuổi 2 - 9 tuổi. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể mắc bệnh.

Khi mắc bệnh, mức độ hồi phục còn phụ thuộc vào thể bệnh của từng bệnh nhân. Nếu bệnh ở thể nhẹ, thì tình trạng sẽ có thể được cải thiện sau 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh nặng hơn, thời gian hồi phục có thể sẽ kéo dài hơn.

photo-1636020846655

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra.

2. Triệu chứng sốt xuất huyết

Tùy vào giai đoạn và mức độ bệnh, những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết sẽ khác nhau.

- Ở thể nhẹ, chủ yếu là: Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C; sốt có thể kéo dài 4 - 7 ngày và rất khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; đau nhức khớp và cơ; buồn nôn và nôn; có tình trạng nổi mẩn đỏ, phát ban.

- Ở thể nặng có dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím, nôn ra máu, đi ngoài phân đen; có các dấu hiệu cảnh báo như mệt mỏi, li bì, đau bụng nhiều, nôn nhiều, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

- Hoặc bệnh nhân đi vào sốc Dengue sớm, đây là thể bệnh nghiêm trọng nhất đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết nặng và tụt huyết áp, tổn thương nhiều cơ quan: Gan, thận, não; ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều. Trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

photo-1636020848311

Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C là một trong những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết.

3. Ba sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân sốt xuất huyết trở nặng

3.1 Chủ quan không đi khám bệnh

Sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: Nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. 

Mặc dù mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi vì bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng. 

Đối với sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

3.2 Hết sốt là khỏi bệnh

Sự thực là sau giai đoạn sốt cao lại chính là GIAI ĐOẠN NGUY HIỂM nhất của bệnh. Sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng đây lại là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như: Xuất huyết dưới da, chảy máu cam… Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc Dengue, thậm chí tử vong. 

Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao và bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều.

3.3 Chỉ mắc bệnh 1 lần trong đời

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Vì vậy, có thể hiểu rằng: Một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 type virus khác nhau.

photo-1636020849259

Điều trị bệnh nhân bị sốt xuất huyết tại Viện lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện TWQĐ 108

4. Cần làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết?

Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Trong 3-4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những lời khuyên sau:

  • Nằm nghỉ ngơi;
  • Ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa; uống nhiều nước, có thể cho bệnh nhân uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt; duy trì 1500-2500ml nước / ngày
  • Uống thuốc hạ sốt, lưu ý chỉ được hạ sốt bằng Paracetamol chứ không được dùng Ibuprofen hoặc Aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu đồng thời chườm mát cho người bệnh;
  • Theo dõi liên tục, nếu thấy bệnh nhân có diễn biến nghiêm trọng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế.
  • Nếu không có diễn biến bất thường cũng cần đến khám lại theo hẹn của bác sĩ.
Sốt xuất huyết vào mùa: Cảnh báo việc dùng sai thuốc điều trịSốt xuất huyết vào mùa: Cảnh báo việc dùng sai thuốc điều trị

SKĐS - Sốt xuất huyết nếu không phát hiện và điều trị đúng, kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng….

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Vận động để giữ sức khỏe trong mùa dịch COVID-19




BS. Nguyễn Thị Hiệp
Bệnh viện TW Quân đội 108
Ý kiến của bạn