Cháu 24 tuổi, mỗi khi tới kỳ kinh nguyệt thường bị đau bụng, nhưng 3 tháng nay sắp thấy kinh nguyệt còn kèm theo sốt nữa (sốt cả tuần, sổ mũi, đau họng, đau đầu đến khi hết kinh là hết). Cháu rất lo lắng không hiểu đó là bệnh gì? Điều trị thế nào?
Trần Thị Loan (TP. Hồ Chí Minh )
Các triệu chứng mà cháu mô tả gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt. Hội chứng tiền kinh nguyệt xảy ra với đa phần phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, bao gồm các triệu chứng thể chất và cảm xúc như: nổi trứng cá, vú cương đau, cảm giác mỏi mệt, khó ngủ, khó tập trung tư tưởng, dễ cáu gắt, đầy, trướng bụng, táo bón hay tiêu chảy, nhức đầu, đau lưng, đau cơ khớp, sổ mũi, đau họng và cảm giác có sốt. Sở dĩ cảm giác sốt hoặc sốt nhẹ vì khi kinh nguyệt nhất là những người cường kinh lượng máu kinh ra nhiều gây mất nước, một số chị em lại hiểu không đúng sợ uống nước nhiều kinh nguyệt ra nhiều nên đã hạn chế uống nước làm cơ thể càng thêm thiếu nước và gây sốt. Trong khi đó, cơ chế chảy máu kinh là do sự sụt giảm của nội tiết tố buồng trứng, khác với trường hợp chảy máu cấp trong chấn thương thì mới cần hạn chế uống nước. Ở một số người, hội chứng tiền kinh nguyệt thật sự đáng sợ, chúng có thể khiến chị em ngất lịm vì những cơn đau bụng kinh. Nói đúng hơn trong những ngày ra máu kinh, một số chị em thấy không được khỏe như bình thường, cũng như trường hợp của cháu nên đừng quá lo lắng.
Có nhiều phương pháp để giảm nhẹ hội chứng tiền kinh. Nếu không quá nặng thì chỉ cần thay đổi lối sống, có thể bổ sung các vitamin C, D, E... và axit folic mỗi ngày, kết hợp vận động thân thể; Ăn uống lành mạnh; Cần ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày, tránh stress. Chú ý uống nhiều nước, tránh lao động quá nặng. Nếu đã thực hiện như trên một thời gian mà tình trạng không cải thiện thì cháu nên đi khám bác sĩ phụ khoa để được tư vấn điều trị phù hợp. Trường hợp nặng có thể dùng thuốc giảm đau loại thông thường như paracetamol, có trường hợp phải dùng thuốc tránh thai để ức chế rụng trứng.
BS. Kim Oanh