Riêng nước ta, thuật ngữ sốt rét ác tính được sử dụng đối với những trường hợp này vì nó mang tính hợp lý và có giá trị thực tiễn nhiều hơn.
Thực tế sốt rét ác tính là một thể sốt rét nguy kịch do người bệnh bị nhiễm chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum gây nên rối loạn huyết động, tắc nghẽn vi tuần hoàn phủ tạng, nhất là ở não. Bệnh có thể gây tổn thương ở nhiều phủ tạng khác nhau như não, gan, lách, thận, tim, phổi... với cơ chế chủ yếu là giảm sự cung cấp máu, thiếu oxy ở các tổ chức. Lâm sàng sốt rét ác tính rất đa dạng và có nhiều thể bệnh khác nhau, phổ biến nhất là thể não chiếm tỷ lệ khoảng 85%. Tỷ lệ sốt rét ác tính trên tổng số bệnh nhân mắc sốt rét còn được gọi là tỷ lệ chuyển đổi từ sốt rét thể thông thường sang sốt rét ác tính diễn biến tùy theo quần thể cộng đồng người dân mắc bệnh sốt rét đã có miễn dịch đối với sốt rét một phần hay chưa và được xử trí can thiệp điều trị sớm hay muộn. Lưu ý rằng sốt rét ác tính là thể bệnh có tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ này cũng thay đổi tùy theo thể loại sốt rét ác tính, cơ địa của bệnh nhân và việc xử trí cấp cứu điều trị kịp thời hay chậm trễ.
Sốt rét ác tính là thể bệnh sốt rét nặng có những biến chứng trầm trọng (ảnh minh họa).
Về thuật ngữ sốt rét nặng có biến chứng
Các nhà khoa học ở nước ngoài thường sử dụng thuật ngữ sốt rét nặng và biến chứng hay sốt rét nặng có biến chứng (severe and complicated malaria) nhưng trên thực tế không có một thuật ngữ nào mang ý nghĩa một cách đầy đủ. Việc dùng thuật ngữ sốt rét nặng và biến chứng hay sốt rét nặng có biến chứng với mục đích nâng cao cảnh giác của nhân viên y tế để theo dõi, phát hiện những triệu chứng nặng của bệnh sốt rét và mô tả mọi biểu hiện cần được thông báo đầy đủ trong các công trình nghiên cứu về thể nặng của bệnh sốt rét. Theo đó có 10 tiêu chuẩn của sốt rét nặng, 5 tiêu chuẩn nặng tùy theo vùng và lứa tuổi.
10 tiêu chuẩn của sốt rét nặng bao gồm: Sốt rét ác tính thể não có hôn mê. Thiếu máu nặng với huyết cầu tố Hb dưới 5g/100ml. Suy thận với lượng nước tiểu dưới 400ml/24 giờ và creatinin trên 265µmol/l. Phù phổi cấp AOP (acute obstructive pulmonary) hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển ARDS (acute respiratory distress syndrome). Hạ đường huyết với glucose máu dưới 2,2mmol/l. Choáng hay sốc với huyết áp tâm thu dưới 70mmHg. Xuất huyết và đông máu rải rác nội mạch. Co giật toàn thân với trên 2 cơn trong 24 giờ. Toan huyết với pH máu động mạch dưới 7,25, bicarbonat huyết tương dưới 15mmol/l. Tiểu huyết cầu tố do sốt rét mà không phải do thuốc sốt rét và thiếu men G6PD (glucose 6 phosphat dehydrogenase).
5 tiêu chuẩn nặng tùy theo vùng và lứa tuổi bao gồm: Ý thức bị rối loạn nhưng chưa hôn mê thực sự. Bệnh nhân rất mệt nhọc, không ngồi và không đi được. Mật độ ký sinh trùng sốt rét cao trên 5%. Da vàng với bilirubine trên 50µmol/l. Sốt cao với nhiệt độ đo được ở hậu môn trên 40oC.
Trên thực tế thuật ngữ sốt rét nặng và biến chứng hay sốt rét nặng có biến chứng với những tiêu chuẩn đã nêu ở trên khó đánh giá xác định ở các vùng sốt rét nặng tại nước ta vì triệu chứng thiếu máu với hồng cầu dưới 1,5 triệu tại vùng sốt rét nặng cũng thường gặp ở cả trong những trường hợp cơn sốt rét thường, thậm chí ở cả những bệnh nhân ngoài cơn sốt rét; hai dấu hiệu hạ đường huyết và toan huyết khó xác định ở tuyến cơ sở không có điều kiện xét nghiệm; ba triệu chứng mật độ ký sinh trùng sốt rét cao trên 5%, da vàng với bilirubin máu trên 50µmol/l, sốt cao với nhiệt độ đo được ở hậu môn trên 40oC đều có thể xảy ra ở những bệnh nhân sốt rét thể thông thường và sốt rét nặng. Chính vì vậy nên khi ứng dụng các tiêu chuẩn đánh giá này ở nước ta thì việc chẩn đoán xác định sốt rét ác tính đã tạo nên tình trạng chẩn đoán quá mức và từ đó xác định tỷ lệ sốt rét ác tính trên số bệnh nhân sốt rét không đúng thực trạng, theo đó việc quản lý ngăn ngừa sốt rét thể thông thường chuyển thành sốt rét ác tính gặp rất nhiều khó khăn.
Các triệu chứng của bệnh sốt rét nặng phải được chú ý và can thiệp kịp thời.
Về thuật ngữ sốt rét ác tính
Do những mặt hạn chế khi dùng thuật ngữ sốt rét nặng và biến chứng hay sốt rét nặng có biến chứng thường được sử dụng ở nước ngoài, các nhà khoa học tại nước ta đã thống nhất việc sử dụng thuật ngữ sốt rét ác tính để chỉ những trường hợp sốt rét rất nặng, kịch phát với các tiêu chuẩn cụ thể hơn như: Hôn mê là tiêu chuẩn chủ yếu và phổ biến nhất vì triệu chứng này chiếm đến 85% các trường hợp, tất cả mọi bệnh nhân sốt rét có ký sinh trùng sốt rét dương tính bị hôn mê được gọi là sốt rét ác tính thể não; trong sốt rét ác tính thể não có thể đơn thuần và có thể kèm theo một hay nhiều tổn thương phủ tạng khác như thận, phổi, gan, tim, ống tiêu hóa... Ngoài ra, có một số trường hợp sốt rét ác tính không hôn mê nhưng có dấu hiệu nổi bật tổn thương kịch phát ở các phủ tạng ngoài não, những thể sốt rét ác tính phủ tạng không hôn mê hiếm gặp và chiếm tỷ lệ khoảng 15% trong tổng số các trường hợp sốt rét ác tính; ở thể bệnh này, rối loạn tắc nghẽn mạch vi tuần hoàn máu gây giảm cung cấp máu và thiếu ôxy tế bào đã nổi trội lên ở 1 đến 2 phủ tạng khác ngoài não để hình thành các hội chứng gan mật, suy thận cấp; suy hô hấp cấp với bệnh lý phù phổi cấp AOP, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển ARDS; hội chứng dạ dày - ruột, sốc...
Thực tế thuật ngữ sốt rét ác tính được quan niệm với những nội dung ở trên theo các nhà khoa học ở nước ta thì việc phát hiện, chẩn đoán sốt rét ác tính sẽ dễ dàng và chính xác hơn. Trong hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét được Bộ Y tế ban hành, các thể lâm sàng của bệnh sốt rét bao gồm sốt rét thể thông thường và sốt rét ác tính; tuy nhiên các nhà khoa học cũng lưu ý thêm một thuật ngữ nữa là sốt rét nặng, đây là một thể bệnh với những triệu chứng lâm sàng nặng có khả năng chuyển thành sốt rét ác tính nếu không được chẩn đoán, xử trí can thiệp điều trị kịp thời và hiệu quả để cảnh báo những cơ sở y tế cần phải lưu ý.
Điều cần quan tâm
Có thể nói sốt rét ác tính là thể bệnh sốt rét nặng có nhiều biến chứng rất dễ có nguy cơ dẫn đến tử vong. Chúng thường xảy ra trên những bệnh nhân sốt rét bị nhiễm loại ký sinh trùng Plasmodium falciparum hoặc nhiễm phối hợp có Plasmodium falciparum; tuy vậy các nhà khoa học cũng lưu ý ở những vùng đã có hiện tượng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc chloroquin, nếu bị nhiễm loại ký sinh trùng Plasmodium vivax và Plasmodium knowlesi cũng có thể gây ra sốt rét ác tính. Thực tế nếu các cơ sở y tế không sử dụng thuật ngữ sốt rét nặng thì cần quan tâm đến các dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính gồm: rối loạn ý thức nhẹ, thoáng qua như li bì, cuồng sảng, vật vã...; sốt cao liên tục; rối loạn tiêu hóa như nôn, đi tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đau bụng cấp; đau đầu dữ dội; thiếu máu nặng, da xanh, niêm mạc nhợt; mật độ ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum hoặc từ 100.000 ký sinh trùng trên 1µl máu trở lên. Cũng có thể nói dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính là triệu chứng của thể bệnh sốt rét nặng phải được chú ý để xử trí can thiệp điều trị kịp thời, nếu chậm trễ rất dễ có nguy cơ dẫn đến sốt rét ác tính và tử vong là điều không thể tránh khỏi.