Hiện nay nước ta đang thực hiện lộ trình phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét theo kế hoạch đã xây dựng để đến năm 2025 cả nước loại trừ được sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum, trên cơ sở này định hướng tiếp tục loại trừ sốt rét do nhiễm các loại ký sinh trùng khác còn lại để tiến tới một quốc gia không còn bệnh sốt rét vào năm 2030.
Nguy cơ sốt rét kháng thuốc lan rộng
Vào cuối tháng 7 năm 2019, các nhà nghiên cứu từ Anh Quốc và Thái Lan cho biết ký sinh trùng sốt rét kháng lại với các loại thuốc chủ chốt đang sử dụng đã lan rộng nhanh chóng ở khu vực Đông Nam Á. Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã di chuyển từ Campuchia sang Lào, Thái Lan và Việt Nam. Khu vực này có khoảng một nửa số bệnh nhân không được điều trị khỏi bệnh bằng thuốc lựa chọn ưu tiên (first line). Các nhà khoa học cho rằng thực trạng này sẽ làm tăng nguy cơ khả năng kháng thuốc một cách đáng sợ.
Hiện nay sốt rét được điều trị bằng sự kết hợp của hai hoại thuốc artemisinine và piperaquine, sự kết hợp thuốc này đã được áp dụng điều trị ở Campuchia vào năm 2008 nhưng đến năm 2013, tức là khoảng 5 năm sau những trường hợp đầu tiên của ký sinh trùng sốt rét đã có sự đột biến và phát triển đề kháng lại với cả hai loại thuốc đã được phát hiện ở các vùng phía tây bắc của đất nước này.
Nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí bệnh truyền nhiễm với kết quả phân tích mẫu máu của các bệnh nhân ở khu vực Đông Nam Á bằng phương pháp kiểm tra DNA (deoxyribonucleic acid) của ký sinh trùng sốt rét cho thấy sức đề kháng với thuốc điều trị đã lan rộng khắp đất nước Campuchia và lan ra cả ở Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Sốt rét kháng thuốc lan rộng ở Đông Nam Á ảnh hưởng lộ trình loại trừ sốt rét tại Việt Nam . Ảnh minh họa
Trước thực trạng này, ký sinh trùng sốt rét còn có khả năng đột biến thêm nữa và thậm chí có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trong hơn. Do ở một số vùng tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc chiếm đến 80%, vì vậy các nhà khoa học cho rằng chủng loại ký sinh trùng này có khả năng sẽ lan rộng và trở nên tồi tệ hơn; điều này có nghĩa là bệnh sốt rét đang trở nên một bệnh không thể điều trị được bằng thuốc.
Một nghiên cứu thứ hai cũng đã được công bố trên cùng một tạp chí y khoa cho thấy một nửa số bệnh nhân sốt rét không được điều trị khỏi bệnh bằng liệu pháp tiêu chuẩn với thuốc điều trị ưu tiên (first line). Tuy nhiên có những loại thuốc điều trị thay thế (second line) có thể được sử dụng để khắc phục thực trạng này.
Trong chiến lược loại trừ bệnh sốt rét hiện nay, một khó khăn về chuyên môn kỹ thuật có thể gặp phải là ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, đặc biệt là chủng loại Plasmodium falciparum gây bệnh phổ biến, gây sốt rét ác tính và tử vong dẫn đến việc điều trị thất bại với các thuốc đang sử dụng.
Đối với những bệnh nhân sốt rét thường hay sốt rét chưa biến chứng, các cơ sở y tế phải khởi đầu xử trí bằng thuốc điều trị ưu tiên, nếu ở vùng có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc được xác định hoặc xử trí bằng thuốc điều trị ưu tiên bị thất bại có bằng chứng mới được sử dụng thuốc điều trị thay thế.
Khi thuốc điều trị thay thế cũng bị thất bại, phải có nguồn thuốc phối hợp chống kháng để xử trí can thiệp.
Điều cần quan tâm ở đây là cơ sở y tế phải có quinine trong thuốc điều trị thay thế vì hiện tại thuốc rất ít được sản xuất và cũng phải có các loại thuốc phối hợp artesunate-amodiaquine, artemether-lumefantrine, artesunate-pyronaridine để sử dụng theo phác đồ chống kháng đã hướng dẫn.
Đừng để thất bại khi một vấn đề đã được biết mà không có giải pháp can thiệp hiệu quả.
Với tình hình ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc lan rộng và có khả năng tăng sức đề kháng, các nhà khoa học cho rằng phải tính đến nhu cầu cấp thiết sử dụng phương pháp điều trị thay thế có thể bao gồm sử dụng các loại thuốc khác nhau kết hợp cùng artemisinine hoặc thậm chí kết hợp cả 3 loại thuốc để chống lại sự đề kháng của ký sinh trùng sốt rét.
Vấn đề cần quan tâm là với những thành quả và tiến bộ đã đạt được trong thời gian qua để làm cơ sở thực hiện lộ trình loại trừ bệnh sốt rét trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng và đe dọa, cản trở trước sự phát triển và lan rộng của ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc.
Một điều mà các nhà khoa học lo ngại,chủng loại ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc rất tệ hại này có khả năng xâm chiếm các vùng lãnh thổ mới với các đặc tính di truyền mới sẽ làm tăng khả năng nguy cơ lây lan sang châu Phi nơi có bệnh sốt rét lưu hành phổ biến như tình trạng trong những năm 1980, ký sinh trùng sốt rét kháng lại thuốc chloroquine đã làm cho hàng triệu trường hợp sốt rét bị tử vong.
Những phát hiện mới này sẽ không làm thay đổi nhiều trong cuộc sống hàng ngày của người dân sống ở Tiểu vùng sông Mê Kông, Đông Nam Á vì biện pháp phòng chống bệnh sốt rét không chỉ đơn thuần là sử dụng thuốc điều trị sau khi bị nhiễm ký sinh trùng mà còn có các biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh; các biện pháp này sẽ không thay đổi, chỉ có các loại thuốc dùng để điều trị sau khi bị nhiễm ký sinh trùng sẽ thay đổi theo ý kiến của những nhà khoa học.
Các nghiên cứu cũng cho thấy kỹ thuật phân tích di truyền của ký sinh trùng sốt rét có thể giúp cho các bác sĩ đi trước một bước trước tình hình ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc mới nổi để giúp đưa ra một phác đồ điều trị đúng đắn và hiệu quả cho bệnh nhân.
Trước tình hình ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc có khả năng lan rộng tại khu vực Đông Nam Á, các nhà khoa học cho rằng chủng loại ký sinh trùng này là những con thú đáng sợ và không còn nghi ngờ gì nữa.
Hiện nay theo thống kê ghi nhận được, mỗi năm trên thế giới có khoảng 219 triệu người mắc bệnh sốt rét với các triệu chứng lâm sàng diễn biến không có gì thay đổi; người bệnh vẫn rét run, nóng sốt, vã mồ hôi và khát nước nhưng nếu không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng trầm trọng về hô hấp và suy đa phủ tạng gây tử vong. Bệnh sốt rét đã làm cho khoảng 435.000 người trên thế giới bị tử vong mỗi năm mà hầu hết trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi.
Giải pháp khắc phục sốt rét kháng thuốc
Theo thông tin đã nêu ở trên, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở Campuchia có khả năng lan rộng ảnh hưởng đến tình hình của nước ta, vì vậy cần quan tâm đến vấn đề này để chủ động thực hiện tốt giải pháp khắc phục.
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét của Bộ Y tế, đối với các trường hợp sốt rét thường hay sốt rét chưa biến chứng phải bắt đầu bằng thuốc điều trị ưu tiên; nếu gặp thất bại mới được sử dụng thuốc điều trị thay thế. Tuy vậy, một số bệnh nhân có thể vẫn không đáp ứng với thuốc điều trị thay thế, do đó có thể sử dụng một số phác đồ điều trị khác theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Các địa phương tại nước ta đang thực hiện chiến lược loại trừ bệnh sốt rét nhưng thực tế sẽ gặp phải thực trạng ký sinh trùng sốt rét có khả năng kháng lại với những loại thuốc đang sử dụng trong những năm đến, kể cả thuốc điều trị ưu tiên và thuốc điều trị thay thế. Những trường hợp thất bại với thuốc điều trị ưu tiên và thuốc điều trị thay thế, cần phải có nguồn thuốc khác để xử trí can thiệp.
Xử trí các trường hợp điều trị thất bại: Tất cả các trường hợp điều trị thất bại phải lấy lam máu để xét nghiệm lại và xử trí can thiệp tùy theo từng trường hợp. Nếu người bệnh xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm trong 3 ngày đầu điều trị và còn ký sinh trùng sốt rét, phải điều trị như trường hợp sốt rét ác tính.
Nếu người bệnh xuất hiện lại ký sinh trùng sốt rét trong vòng 14 ngày, điều trị bằng thuốc điều trị thay thế. Nếu người bệnh xuất hiện lại ký sinh trùng sốt rét sau 14 ngày được xem như bị tái nhiễm và điều trị bằng thuốc điều trị ưu tiên.
Nếu người bệnh nhiễm Plasmodium vivax mà điều trị thất bại với thuốc chloroquine trước ngày 28 sau khi dùng thuốc sử dụng thuốc dihydroartemisinine-piperaquine phosphate kết hợp với primaquine.
Tại các vùng có bằng chứng tỷ lệ điều trị thất bại của Plasmodium falciparum với thuốc dihydroartemisinine-piperaquine phosphate trên 10% số trường hợp được điều trị, tất cả bệnh nhân nhiễm Plasmodium falciparum hoặc nhiễm phối hợp có Plasmodium falciparum phải được điều trị bằng phác đồ thuốc sốt rét chống kháng như artesunate kết hợp với mefloquine hoặc thuốc điều trị thay thế gồm quinine sulfate kết hợp với doxycycline hay clindamycine.
Thuốc xử trí điều trị khi sử dụng các loại thuốc trên đều thất bại: Ngoài những loại thuốc nói trên, các cơ sở y tế cũng cần có sẵn một cơ số thuốc để xử trí điều trị các trường hợp tại địa phương có bằng chứng tỷ lệ điều trị thất bại với thuốc đang sử dụng trên 10% tổng số trường hợp điều trị ở tất cả bệnh nhân nhiễm Plasmodium falciparum hoặc nhiễm phối hợp có Plasmodium falciparum gồm:
Viên thuốc phối hợp artesunate 100mg và amodiaquine 270mg uống 1 lần, uống liên tục trong 3 ngày. Không sử dụng điều trị cho những đối tượng quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc tá dược, có tiền sử tổn thương gan khi điều trị với amodiaquine, mắc các bệnh về máu, các bệnh về võng mạc; lưu ý thuốc artesunate và amodiaquine viên nén không được sử dụng để phòng ngừa bệnh sốt rét vì có thể dẫn đến mất bạch cầu hạt và nhiễm độc gan nặng. Liều lượng thuốc uống tùy theo tuổi hoặc cân nặng quy định.