Hà Nội

Sốt rét đa kháng thuốc - Mối lo ngại ngày càng tăng

23-11-2018 07:47 | Thời sự
google news

SKĐS - Sốt rét là một bệnh nhiễm ký sinh trùng lây truyền từ người này sang người khác do muỗi đốt.

Bệnh gây ra những cơn sốt kèm theo rét run tái diễn và có thể gây tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời hoặc tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ, sử dụng thuốc sốt rét bừa bãi, uống thuốc không đủ liều lượng và không đúng thời gian quy định.

Đặc biệt, vấn đề ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đang được quan tâm nhất hiện nay, sốt rét kháng thuốc gây bệnh nặng hơn, ác tính và nguy cơ tử vong cao hơn. Vì vậy, việc điều trị sẽ gặp khó khăn hơn khi vừa phải dùng thuốc kết hợp, vừa phải điều trị dài ngày.

Theo ông Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương: “Hiện nay, việc đẩy lùi sốt rét ở Việt Nam rất khó khăn, vì ký sinh trùng sốt rét P.falciparum kháng artemisinin đang có nguy cơ lan rộng” .

Ở nước ta, số bệnh nhân mắc sốt rét vẫn ở mức cao. Hằng năm ghi nhận trung bình khoảng 30.000 trường hợp mắc sốt rét, trên 100 ca sốt rét ác tính và khoảng 10 người tử vong do sốt rét. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phòng chống sốt rét. Năm 2017, cả nước ghi nhận 4.548 bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét với 6 trường hợp tử vong.

Sốt rét đa kháng thuốc Lấy mẫu máu xét nghiệm phát hiện sốt rét.

So với năm 2011, tỉ lệ mắc sốt rét trên 1.000 dân năm 2017 giảm 84,6%, số bệnh nhân số rét giảm 57,1%. Không có dịch sốt rét xảy ra, Việt Nam đã đạt được tất cả mục tiêu đề ra trong “Chiến lược Quốc gia Phòng chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 2011-2020”. Mỗi năm có hàng triệu người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng biện pháp phòng chống muỗi gây sốt rét, phun tồn lưu và tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi và hàng chục nghìn bệnh nhân được cấp thuốc điều trị sốt rét miễn phí.

Tuy nhiên, nguy cơ bệnh sốt rét quay trở lại và gây dịch ở nhiều nơi, nhiều vùng ở nước ta vẫn còn cao. Đặc biệt, bệnh sốt rét thường tập trung tại các tỉnh thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ như: Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, Quảng Nam, Bình Phước...

Trong số này, Bình Phước là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất trong cả nước với 1.352/4.548 bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét được ghi nhận trong năm 2017. Từ đầu năm đến tháng 8/2018, bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh Bình Phước có diễn biến phức tạp với hơn 1.000 trường hợp mắc sốt rét, trong đó có một ca tử vong. Về nguyên nhân gia tăng bệnh sốt rét, theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập Phạm Văn Triều là do người dân sống ở các vùng sâu, vùng xa, gần các cánh rừng điều, cao su chưa ý thức tốt về biện pháp phòng chống sốt rét. Người dân chủ quan trong công tác phòng chống, quản lý ca bệnh cũng như điều trị.

Điều lo ngại hơn theo BS. Ngô Hoàng Long, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, Phó trưởng ban Điều hành Dự án phòng chống sốt rét thì qua các nghiên cứu cho thấy, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện tại Bình Phước. Một số loại thuốc được dùng để điều trị sốt rét đã bị giảm hiệu lực điều trị. Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc có khả năng lan rộng ra nhiều nơi, gây trở ngại cho công tác phòng, chống, loại trừ sốt rét.

Hiện nay, khi chưa có vắc-xin phòng ngừa sốt rét thì việc phòng chống muỗi đốt vẫn được xem là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Khi phát hiện có các triệu chứng như: nhức đầu, mệt mỏi, rét run, sốt từ 37 độ 5 trở lên... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm ký sinh trùng và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Đáng chú ý, hiện nay thuốc sốt rét được cấp miễn phí, bệnh nhân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc nhằm tránh tình trạng sốt rét kháng thuốc.

Thuốc chống sốt rét hiệu quả nhất hiện có là artemisinin. Tuy nhiên, kháng artemisinin, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2008 ở tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, là mối lo ngại ngày càng tăng đối với các nước trong khu vực bao gồm Campuchia, một số vùng của Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Chiến lược loại trừ sốt rét ở Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng giai đoạn 2015-2030 đưa ra hướng dẫn loại trừ sốt rét đa kháng thuốc trong khu vực.

Tại Việt Nam, kể từ năm 2008, WHO đã hợp tác với NIMPE và các Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng khu vực tại Quy Nhơn và Thành phố Hồ Chí Minh để theo dõi tình trạng kháng thuốc sốt rét và ngăn chặn kháng thuốc lây lan bằng các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng, bao gồm sự phân phối rộng rãi các tấm màn tẩm hóa chất diệt và chống muỗi có tác dụng lâu dài, một biện pháp đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh sốt rét và đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm sự lây lan của sốt rét.

WHO cũng đã hỗ trợ Chính phủ xây dựng kế hoạch quốc gia về ngăn chặn kháng artemisinin, phù hợp với các nguyên tắc hướng dẫn được đưa ra trong Kế hoạch toàn cầu về ngăn chặn kháng artemisinin năm 2011.


Hoài An
Ý kiến của bạn