Những ngày này, thời tiết đang là một yếu tố khiến số lượng bệnh nhi nhập viện tăng cao. Điều đáng quan tâm, hầu hết trẻ tới bệnh viện khám và điều trị đều có triệu chứng sốt. Theo khuyến cáo của chuyên gia, vào thời điểm này, nếu trẻ sốt, cần nghĩ ngay đến các bệnh: sởi, tay chân miệng, thủy đậu, cúm, quai bị và đặc biệt là bệnh về đường hô hấp.
Lời khuyên của thầy thuốc
Khi trẻ bị sốt, cha mẹ có thể chăm sóc và theo dõi bé tại nhà. Tuy nhiên, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ nôn tất cả mọi thứ, trẻ co giật, trẻ sốt kèm tay chân lạnh; trẻ bỏ bú, không uống được bất cứ thứ gì; trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt trên 380C, ngủ li bì, ngủ nhiều khó đánh thức; trẻ nhỏ có thóp trước (mỏ ác) phồng cao, trẻ có triệu chứng cứng cổ; trẻ có dấu hiệu xuất huyết: nổi chấm đỏ trên da, chảy máu cam, chảy máu lợi, ói ra máu, đi cầu phân đen như bã cà phê. Ngoài ra, nên đưa trẻ đi khám bệnh khi trẻ sốt tái lại sau 2 ngày không đỡ, trẻ sốt cao trên 400C; trẻ sốt kèm theo các dấu hiệu: trẻ ho, khò khè hoặc khó thở; trẻ có ói hoặc tiêu chảy; trẻ sốt kèm phát ban; trẻ than đau tai, chảy nước tai, hoặc sưng đau sau tai; trẻ sốt kèm đau đầu dữ dội, đau họng, đau bụng, sưng và đau khớp…
Theo BS.CKII.Nguyễn Thị Kim Thoa - Phó Trưởng Bộ môn Nhi, khoa Y, Đại học Quốc Gia TP.HCM, hiện đang là mùa dịch của nhiều loại bệnh như: sởi, tay chân miệng, thủy đậu, cúm, quai bị và đặc biệt là bệnh về đường hô hấp.
Các loại bệnh này đều có triệu chứng là sốt. Chẳng hạn, trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp thường bị sốt kèm theo ho, sổ mũi. Hay trẻ mắc bệnh viêm mũi họng do cảm cúm cũng thường có triệu chứng: sốt, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng. Trẻ bị viêm tai giữa cấp (do viêm đường hô hấp trên) thường sốt, đau tai, ù tai, chảy mủ tai, nghe kém một bên; nếu bị sốt 3 ngày mà vẫn không hạ sau khi uống thuốc thì nhiều khả năng bị viêm màng não.
BS. Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, sốt là một triệu chứng rất thường gặp ở trẻ. Cha mẹ cần hiểu đúng về sốt để xử trí trúng bệnh cho trẻ. Bình thường, nhiệt độ của trẻ dưới 37,50C nếu đo ở nách, dưới 380C nếu đo ở hậu môn và không quá 37,20C nếu đo ở miệng. Nhiệt độ của trẻ còn thay đổi theo thời điểm trong ngày, thân nhiệt hơi thấp vào buổi sáng, hơi cao vào buổi chiều tối. Và tăng khi trẻ chạy, nhảy, tập thể dục, tắm nước nóng, ủ ấm quá mức.
Trẻ bị sốt khi nhiệt độ đo ở hậu môn từ 380C trở lên, hoăc nhiệt độ đo ở nách từ 37,50C. Sốt cao khi nhiệt độ đo ở nách trên 38,50C. Sốt cao hoặc rất cao cũng rất khó xác định vì sao trẻ ốm. Bởi có nhiều nguyên nhân khiến bé bị sốt.
Có 2 nhóm nguyên nhân gây ra sốt ở trẻ: nhiễm khuẩn và không do nhiễm khuẩn. Nhiễm siêu vi (virút) là nguyên nhân hàng đầu gây ra sốt. Có rất nhiều loại siêu vi khác nhau gây bệnh ở trẻ em: bệnh tay chân miệng, sởi, quai bị, thủy đậu, sốt xuất huyết. Nhiễm vi trùng cũng gây ra sốt. Thường gặp là nhiễm khuẩn đường hô hấp như: viêm phổi, viêm họng, viêm amiđan; đường tiêu hóa (tiêu chảy do vi trùng đường ruột); đường tiểu; nhiễm khuẩn tai (viêm tai giữa, viêm tai xương chũm). Các bệnh lý nặng ở trẻ: viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ khiến trẻ sốt. Trẻ sẽ bị sốt khi nhiễm ký sinh trùng hay mắc bệnh lao. Các nguyên nhân không do nhiễm khuẩn: sốt do chấn thương, phỏng, mọc răng; sốt do thuốc, bệnh lý rối loạn miễn dịch, bệnh lý ác tính; sốt sau chích ngừa hay bé (dưới 3 tháng tuổi) bị ủ ấm quá mức cũng gây ra sốt cho trẻ.
Sốt không phải là bệnh mà là một triệu chứng. Bản thân tình trạng sốt không gây hại, đôi khi nó lại là một dấu hiệu tốt, vì đó thường là cách cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Tuy nhiên, sốt cũng có thể gây cho trẻ sự khó chịu như: nhức đầu, chóng mặt, khó chịu, quấy khóc, chán ăn, khô niêm mạc môi miệng… Ngoài ra, sốt làm gia tăng mất nước, muối cùng các vitamin tan trong nước, đặc biệt vitamin nhóm B và C.
Tình trạng sốt có thể không nghiêm trọng nếu trẻ vẫn thích chơi, đang ăn uống tốt, sắc da bình thường, tỉnh táo và mỉm cười đáp lại, trông tươi tỉnh hơn khi thân nhiệt hạ. Riêng với trẻ dưới 3 tháng tuổi, nhiệt độ đo được ở hậu môn là 380C hoặc cao hơn cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay. Trẻ sơ sinh, sốt nhẹ cũng là dấu hiệu của sự nhiễm trùng nghiêm trọng. Trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi khi sốt cao trên 390C có thể co giật toàn thân (nóng làm kinh). Do vậy, các bậc phụ huynh cần nhanh chóng hạ sốt khi trẻ bị sốt cao. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt, mặc quần áo thoáng mát, giảm nhiệt độ trong phòng, cho bé bú sữa và uống nhiều nước…
Chỉ lau mát khi sốt quá cao
BS. Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, vấn đề lau mát cho trẻ bị sốt là rất quan trọng. Song hiện nay, phần lớn các bậc cha mẹ lau mát cho trẻ không đúng thời điểm - lau mát khi nhiệt độ trẻ thấp hơn 38,50C. Cách lau mát đúng là khi trẻ sốt rất cao (từ 39,50C trở lên), trừ trẻ có nguy cơ co giật khi sốt (trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi đã từng co giật khi sốt cao hoặc trong gia đình có người co giật khi sốt). Không lau mát cho trẻ bị sốt kèm theo ho để không tăng nguy cơ viêm phổi.
Khi lau mát cho trẻ, nếu không có nhiệt kế để đo nhiệt độ nước, có thể kiểm tra bằng cách nhúng khuỷu tay vào thau nước, cảm giác ấm giống như nước tắm em bé. Nhúng 5 khăn vào thau nước và vắt hơi khô, đặt 2 khăn ở hõm nách, 2 khăn ở bẹn và 1 khăn lau khắp người. Không đắp khăn lên ngực vì tăng nguy cơ viêm phổi. Nếu khi lau, trẻ có triệu chứng run lập cập phải kiểm tra lại nước vì có thể nước quá lạnh. Tuyệt đối không dùng nước có pha rượu, cồn để lau vì các chất này có thể thấm qua da và gây ngộ độc cho trẻ. Lấy nhiệt độ bé mỗi 15 phút, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38,50C. Lau khô và mặc quần áo mỏng cho trẻ.
Cùng với việc lau mát, cách đo nhiệt độ cho trẻ cũng rất đáng quan tâm. Có 4 cách là đo ở hậu môn, tai, miệng, nách và đo ở trán bằng miếng dán. Nhiệt độ đo ở miệng hay hậu môn chính xác hơn đo ở nách. Tuy nhiên, không nên đo ở hậu môn nếu trẻ đang bị tiêu chảy hoặc có bệnh lý ở vùng hậu môn. Và không nên đo nhiệt độ ở miệng ngay sau khi trẻ ăn hoặc uống những thức ăn nóng hay quá lạnh. Theo khuyến cáo, các bậc cha mẹ không nên sử dụng nhiệt kế thủy ngân vì có nguy cơ trẻ cắn bể nhiệt kế.
NGUYỄN HUYỀN (ghi)