Sốt mò hay còn gọi là sốt phát ban rừng rú, sốt phát ban nhiệt đới, sốt triền sông Nhật Bản, là bệnh truyền nhiễm cấp tính do mầm bệnh là Rickettsia orientalis gây nên. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa và nóng, ở vùng trung du và miền núi.
Bệnh lây truyền qua côn trùng trung gian ấu trùng mò. Nguồn bệnh là các động vật hoang dã như chuột, thỏ, lợn, các loài chim, hoặc vật nuôi: chó, lợn, gà... Ấu trùng mò hút máu con vật bị bệnh, sau đó ấu trùng mò phát triển thành mò trưởng thành và đẻ trứng; trứng nở thành ấu trùng đã mang sẵn mầm bệnh và sẵn sàng hút máu. Khi đốt và hút máu chúng sẽ truyền bệnh cho người và các con vật khác.
Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi râm mát có bụi rậm và cây thấp. Do đó, những người sinh hoạt lao động trong ổ dịch, phát rẫy làm nương, đi dã ngoại, ngồi, nằm nghỉ, trên bãi cỏ, để mũ nón, buộc võng vào gốc cây… dễ bị mò đốt và nhiễm bệnh.
Bác sĩ NGUYỄN VĂN ĐỨC
Bà con cần lưu ý
Để phòng bệnh sốt mò , cần giữ gìn vệ sinh nơi ở, phát quang bụi rậm quanh nhà, phun thuốc diệt mò… Khi đi làm rẫy, phát nương, đi rừng cần mặc quần áo dài tay có dây chun buộc túm chặt ở ống quần, mang giầy, đội mũ; tránh ngồi, nằm, phơi quần áo đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Khi đi làm về nên thay đồ ngay và tắm rửa sạch sẽ, không nên mặc đi lại nhiều lần.
Bệnh nhân sốt mò thường bị sốt lâu ngày nên dễ bị rối loạn nước và điện giải, nếu can thiệp muộn hoặc không hiệu quả, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do đó khi có biểu hiện nghi ngờ nên đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.