Hầu hết trẻ em đều có thể bị sốt trong thời thơ ấu. Về bản chất, sốt là cách cơ thể trẻ chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng. Có những trường hợp trẻ bị bệnh nhẹ nhưng sốt cao hoặc ngược lại.
Phân loại bệnh sốt ở trẻ em
1. Phân loại theo nguyên nhân gây sốt
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sốt. Điều quan trọng mà phụ huynh cần nhớ chính là sốt không phải là bệnh, đây là dấu hiệu của các vấn đề liên quan như:
- Nhiễm trùng
Hầu hết các cơn sốt của trẻ là do nhiễm trùng hoặc do bệnh lý. Sốt giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng bằng cách kích thích giải phóng cơ chế bảo vệ tự nhiên của hệ miễn dịch.
Nhiễm trùng có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Sốt do virus thường là sốt siêu vi. Mỗi một loại virus khác nhau có thể gây ra một đến một vài dấu hiệu tương đồng, chính vì thế nếu chỉ dựa vào sốt thì khó có thể kết luận chính xác loại virus mà trẻ đang nhiễm là gì.
Sốt do vi khuẩn thường hiếm xảy ra hơn so với sốt virus. Khi trẻ bị sốt do vi khuẩn sẽ tăng thân nhiệt từ từ kèm theo đó là biểu hiện nhiễm trùng.
- Mặc quá nhiều quần áo
- Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ nhũ nhi có thể bị sốt nếu mặc quần áo quá nhiều và quá chặt; đặc biệt là khi trẻ ở trong môi trường nóng bức. Nguyên nhân là trẻ càng nhỏ thì càng khó tự điều chỉnh thân nhiệt.
Nhưng do sốt ở trẻ sơ sinh cũng có thể là biểu hiện của nhiễm trùng nghiêm trọng nên ngay cả khi trẻ bị sốt do mặc nhiều quần áo thì phụ huynh cũng nên thận trọng và cho trẻ thăm khám bác sĩ.
- Chủng ngừa
Ở trẻ tiêm phòng vaccine đôi khi sẽ bị sốt nhẹ, đây là phản ứng cho thấy hệ miễn dịch của trẻ đang hoạt động tốt. Phụ huynh cần chú ý, nếu như sốt ở trẻ không giảm sau 2 ngày thì cần tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Cha mẹ cũng cần kiểm tra thân nhiệt trẻ 2 - 3 giờ một lần hoặc 15 - 30 phút một lần nếu như trẻ sốt trên 38oC.
Ngoài ra cha mẹ cũng cần nhớ, mọc răng có thể khiến thân nhiệt trẻ tăng nhẹ nhưng đó không phải là nguyên nhân nếu như nhiệt độ cơ thể trẻ cao hơn 37,8oC.
2. Phân loại theo diễn biến cơn sốt
- Sốt cấp tính
Sốt cấp tính là cơn sốt xuất hiện một cách đột ngột. Sốt cấp tính thường kéo dài khoảng 3 ngày và hiếm có trường hợp sốt kéo dài nhiều hơn 1 tuần.
Đặc biệt, nếu cơn sốt kéo dài trên 2 ngày và có biểu hiện xuất huyết kèm theo thì cha mẹ cần cho trẻ tới cơ sở y tế ngay lập tức bởi đây có thể là dấu hiệu của sốt xuất huyết.
- Sốt kéo dài
Khác với sốt cấp tính, sốt kéo dài ở trẻ có thể trên 1 tuần và trẻ phải nhập viện để theo dõi. Sốt kéo dài có thể đứt quãng, xen kẽ giữa những ngày bình thường và ngày sốt.
Khi nào sốt là dấu hiệu vấn đề sức khỏe nghiêm trọng?
Ở trẻ khỏe mạnh thì không phải tất cả các cơn sốt đều cần được điều trị. Tuy nhiên việc sốt cao có thể khiến trẻ bị khó chịu và khiến nhiều vấn đề sức khỏe liên quan trở nên nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như mất nước.
Nếu trẻ có các biểu hiện sau, cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt
- Trẻ sốt kèm theo mệt, ngủ li bì bất thường
- Da, môi, lưỡi, móng tay có màu tái xanh
- Các chi lạnh
- Trẻ mê man, khóc liên tục
- Khó thở, thở dồn dập, phập phồng lồng ngực
- Trẻ nôn mửa nhiều lần
- Xuất hiện phát ban, đốm tím trên da
- Có bất kì một dấu hiệu mất nước nào (tiểu ít, khô mắt, kém tỉnh táo, tay chân kém linh hoạt)
- Đau khi đi tiểu
- Nhức đầu dữ dội
- Liên tục cúi người về phía trước kèm theo chảy dãi
- Đau bụng từ trung bình tới nặng
- Co giật
- Cứng cổ.
Để trẻ cảm thấy thoải mái hơn, cha mẹ có thể cho trẻ mặc quần áo mỏng, nhẹ bởi việc mặc quần áo quá dày hoặc ủ quá ấm chỉ khiến cơ thể trẻ không những không thể thoát nhiệt mà mồ hôi có thể thấm ngược trở lại.
Ngoài ra, cần cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường để chống mất nước. Lau mát cho trẻ bằng nước ấm. Cần đảm bảo cho trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ. Nếu trẻ đang đi học, hãy cho bé nghỉ để tránh lây nhiễm tới các bạn xung quanh. Thuốc uống có thể là một lựa chọn, tuy nhiên, một lần nữa nhấn mạnh rằng, không phải tất cả các cơn sốt đều cần được điều trị.
Đà Nẵng-Trẻ em dưới 6 tuổi là F0, F1 cách ly tập trung được nhận hỗ trợ tiền ăn