Sốt do mèo cào - Chủ quan dễ nguy

06-12-2019 08:15 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Chó mèo là vật nuôi trong nhà đều có khả năng truyền bệnh nhưng mọi người thường chỉ lo lắng khi bị chó cắn.

Khi bị mèo cào nhiều người lại chủ quan bỏ qua, cho là không việc gì. Việc chủ quan này có thể dẫn đến bệnh nặng nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng nặng nề.

Mùa đông đến rồi, được ôm mèo cưng vào lòng hoặc ngủ cùng cục bông ấm áp, mềm mại đó thì thật thích đúng không? Nhưng những tín đồ của mèo hãy cẩn thận khi vui đùa cùng thú cưng nhé! Bạn có thể bị nhiễm một số bệnh từ mèo, trong đó có vi khuẩn Bartonella henselae.

Nhiễm vi khuẩn Bartonella henselae (B. henselae) có thể gây một căn bệnh gọi là sốt do mèo cào. Các vi khuẩn B. henselae truyền từ nước bọt của mèo qua những vết xây xước trên da người. Tình huống lây nhiễm vi khuẩn có thể xảy ra khi một người bị mèo cắn, cào hoặc liếm và con mèo đó bị nhiễm vi khuẩn Bartonella henselae .

Nhiễm khuẩn B. henselae ít khi gây ra các biến chứng nghiêm trọng ở người khỏe mạnh, nhưng những người có hệ thống miễn dịch yếu thì phải dè chừng. Sốt mèo cào phổ biến hơn vào mùa thu, mùa đông và trẻ em có nhiều khả năng bị hơn người lớn khi thường xuyên chơi đùa với mèo.

Sốt do mèo cào Không nên để trẻ em chơi với mèo (ảnh minh họa).

Cần phát hiện sớm dấu hiệu bệnh

Sốt mèo cào thường không gây ra triệu chứng trong vài ngày hoặc vài tuần đầu sau khi nhiễm. Trong khoảng 3 - 14 ngày sau khi nhiễm khuẩn, người bệnh có thể thấy một vết sưng nhỏ hoặc vết phồng rộp xuất hiện trên vùng tiếp xúc, phổ biến nhất là trên cánh tay, bàn tay, da đầu... Thuật ngữ y khoa gọi đây là một tổn thương tiêm chủng. Thương tổn này có thể không xảy ra trong một số trường hợp hoặc người bệnh có thể không để ý và không phát hiện ra nó.

Một vài tuần sau, các hạch bạch huyết gần tổn thương có thể bị sưng hoặc đau. Đôi khi các hạch bạch huyết sưng to tới 4-5cm. Khi sờ vào có thể thấy hạch mềm và nóng ấm hơn chỗ khác. Các hạch có thể sưng trong  khoảng 2-3uần. Hầu hết trường hợp, các hạch bạch huyết bị sưng là triệu chứng duy nhất. Tuy nhiên, các triệu chứng khác có thể xảy ra bao gồm: đau bụng, chán ăn, sốt (thường không quá 39 độ C), mệt mỏi, đau đầu, đau khớp, phát ban, đau họng. Người bệnh nên đi khám nếu sau 2 ngày tổn thương không có dấu hiệu lành mà còn tệ hơn.

Các biến chứng có thể xảy ra

Sốt mèo cào thường không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, nhưng một số trường hợp có thể sốt kéo dài. Nhiễm trùng có thể lan tới xương, khớp, gan, phổi hoặc lách.Đa số các trường hợp triệu chứng nặng thường xảy ra ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Nếu người bệnh gặp các triệu chứng sau: Vết mèo cắn hoặc cào không lành hoặc ngày càng nặng; Xung quanh vết cắn hoặc vết xước tấy đỏ và có chiều hướng mở rộng; Sốt cao kéo dài hơn 2 ngày sau khi bị mèo cắn hoặc cào; Đau dữ dội..., cần đi khám bác sĩ ngay.

Ngoài sốt mèo cào, một con mèo có thể mang các mầm bệnh khác như:

Campylobacteriosis: Vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột.

Cryptosporidiosis: Một loại ký sinh trùng gây tiêu chảy và đau quặn bụng.

Bệnh dịch hạch: Mặc dù hiếm gặp.

Bệnh dại: Mèo nên tiêm phòng thường xuyên để ngăn ngừa nhiễm bệnh dại .

Nấm: Mèo con đặc biệt dễ bị mắc bệnh nấm này, gây rụng lông từng mảng và dễ lây cho người.

Sán dây: Phổ biến nhất ở trẻ em, do hay lê la chơi đùa với mèo trên đất dẫn tới nhiễm ấu trùng sán dây.

Nhiễm Toxocara: Là bệnh giun đũa thường gặp ở chó mèo, không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng, nhưng nó có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như mù lòa.

Toxoplasmosis: Là một bệnh ký sinh trùng do Toxoplasma gondii gây ra. Nhiễm trùng toxoplasmosis thường không gây ra triệu chứng rõ ràng ở người lớn nhưng phụ nữ mang thai cần thận trọng bởi có thể dẫn tới các vấn đề trong phát triển của thai nhi như các vấn đề về mắt và sẩy thai.

Sốt do mèo càoTránh đùa thô bạo dễ bị mèo cắn, cào dẫn đến lây nhiễm vi khuẩn B. henselae.

Điều trị

Hầu hết các trường hợp sốt mèo cào là nhẹ và không cần điều trị. Nếu các triệu chứng kể trên ở mức từ trung bình đến nặng, có thể phải dùng thuốc kháng sinh do bác sĩ kê đơn.

Các phương pháp điều trị tại nhà cho tình trạng này chỉ là nghỉ ngơi tại giường nếu cần thiết và thuốc giảm đau nếu các hạch bạch huyết bị đau nhức. Với trẻ em, hầu hết vẫn tiếp tục có thể sinh hoạt bình thường, chỉ cần chú ý để tránh việc các em tác động làm ảnh hưởng đến hạch bị sưng như gãi, cào, đập vào chỗ hạch sưng. Chú ý, nếu một người đã bị sốt mèo cào 1 lần sẽ miễn dịch với bệnh này.

Phòng ngừa thế nào?

Mèo có thể truyền bệnh sốt mèo cho người, nhưng bệnh không lây truyền từ người sang người. Nếu một người trong gia đình bị bệnh, những người khác cần thận trọng với mèo nuôi trong gia đình vì con mèo cũng có thể lây nhiễm cho họ.

Để phòng ngừa sốt mèo cào, mọi người nên: Thận trọng khi nuôi mèo, cần chăm sóc sức khỏe cho mèo để không ảnh hưởng tới người; Tránh chơi đùa thô bạo với mèo để bị mèo cào hoặc cắn; Không bao giờ để mèo liếm vết thương hở, vết xây xước trên da; Cẩn trọng với mèo hoang, mèo lạ; Nên rửa tay và bất kỳ khu vực bị ảnh hưởng khác sau khi chơi với một con mèo. Vì bọ chét truyền bệnh từ mèo này sang mèo khác, để ngăn chặn sự xâm nhập của bọ chét, cần hút bụi, vệ sinh nhà cửa thường xuyên, sử dụng thuốc phòng chống bọ chét cho mèo; Một con mèo có thể bị bệnh sốt mèo, nếu thấy mèo nhà có triệu chứng như sốt, bỏ ăn, lử khử, nôn, mắt đỏ..., cần đưa ngay đến bác sĩ thú y để khám. Cũng nên thường xuyên kiểm tra móng, cắt móng cho mèo.


BS. Lê Thục Anh
Ý kiến của bạn