Sốt đất ở Đà Nẵng: Điều tra, tìm kẻ tung tin sai để trục lợi

06-05-2019 06:16 | Thời sự
google news

SKĐS - UBND TP. Đà Nẵng vừa có văn bản giao Sở Xây dựng rà soát, hoàn thiện kế hoạch chấn chỉnh tình trạng một số tổ chức, cá nhân, đối tượng môi giới, “cò đất” đã sử dụng nhiều chiêu trò, bịa đặt thông tin không đúng sự thật nhằm gây “sốt” giá đất để trục lợi, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây bất an trong dư luận, trình UBND thành phố để báo cáo Thường trực Thành ủy.

Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, công bố các dự án nào đủ điều kiện mở bán cho người dân, gửi thông tin đến các quận, huyện và các phòng công chứng, văn phòng công chứng để người dân được biết.

Đáng chú ý, trong văn bản này, UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Công an thành phố khẩn trương xử lý các trường hợp tung tin đồn thất thiệt, bịa đặt thông tin không đúng sự thật nhằm gây “sốt” giá đất để trục lợi và sớm đưa ra xét xử công khai; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xử lý các trường hợp đưa thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội.

UBND thành phố cũng giao Sở Tư pháp khẩn trương nghiên cứu giải pháp để kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp gây thất thu thuế Nhà nước. Giao UBND các quận, huyện tăng cường kiểm soát và cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân để tránh rủi ro trong quá trình mua bán bất động sản.

Liên quan đến vấn đề này, đầu tháng 4/2019, trước việc báo chí phản ánh, giá đất nền đang “sốt” tại TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính có biện pháp để ổn định thị trường đất đai, ổn định tâm lý của người dân, tránh nguy cơ “vỡ trận” như các báo phản ánh. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi UBND TP. Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính đề nghị làm rõ về việc “sốt” giá đất ở Đà Nẵng và Quảng Nam báo chí phản ánh thời gian vừa qua.

Theo các thông tin đã được phản ánh, từ sau Tết âm lịch, giá đất nền ở Đà Nẵng và Quảng Nam tăng chóng mặt. Trên các trang mạng xã hội về mua bán bất động sản nhà đất ở Đà Nẵng, việc chào mời, rao bán cũng rộn ràng với nhiều hình thức kêu gọi đầu tư. Tình trạng các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản khi chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định. Việc làm này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, có khả năng phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến trật tự xã hội trên địa bàn thành phố. Trước tình trạng “cơn sốt” đất nền lan rộng, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã phải ban hành văn bản để cảnh báo người dân về tình trạng này.

Thế nhưng cơn sốt đất cùng những kỳ vọng tăng giá đã cuốn bao người nhao theo. “Nóng” nhất và được khách hàng, cò đất quan tâm là khu Tây Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trung bình đất khu vực này tăng từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/lô tùy vị trí, đường và dự án. Khu vực biển Tân Trà (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cũng tăng mạnh. Qua khảo sát, giá đất nền tại đây tăng khoảng 10 triệu đồng/m2, dao động 35 - 50 triệu đồng/m2 tùy tuyến đường. Ngoài các khu vực trên thì đất nền các khu Nam Hòa Xuân, Hòa Xuân mở rộng, Sinh thái Hòa Xuân... cũng “sốt” hầm hập.

Thực tế cho thấy, đất tăng giá sau Tết như là quy luật của mỗi năm. Hiện tại, giá đất Đà Nẵng lên rất cao, chỉ có thể nói đã “chạm trần” trong một khoảng thời gian ngắn chứ không dám khẳng định còn tăng nữa hay không. Ông cũng nhìn nhận nhu cầu thực sự của người dân cực kỳ ít, chủ yếu các sàn, dân môi giới hoặc những người có tiền đổ vào mua qua bán lại tạo nên cơn sốt ảo. Giá trị thực chất của mỗi lô đất được đánh giá khi nó nằm ở khu vực, khu dân cư nào, đường sá, các tiện ích xung quanh. Không có chuyện đất sáng một giá chiều một giá trong khi không có gì thay đổi. Rõ ràng là cơn sốt ảo mua qua bán lại kiếm lời. Ở Đà Nẵng, hiện tại, đi bất cứ đâu cũng gặp người môi giới bất động sản. Họ có đầu mối tiếp cận thông tin, nắm bắt và làm chủ thị trường. Trong khi người cần đất thực sự cực kỳ ít, lại hiểu biết đất đai mập mờ nên tạo ra sự mất cân bằng, dẫn đến nhiều rủi ro.

Do đó, Sở Xây dựng Đà Nẵng lưu ý các cá nhân có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và các dự án phát triển đô thị trên địa bàn thành phố khi thực hiện giao dịch mua bán, hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc đất nền trong các dự án phát triển đô thị, cần phải tham khảo đầy đủ các quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật dân sự trước khi thực hiện các giao dịch để tránh các thiệt hại có thể xảy ra. Các vụ việc vỡ bong bóng nhà đất ở nhiều địa phương là bài học cho các nhà đầu tư đất Đà Nẵng cần thấm thía.


MẠNH THẮNG
Ý kiến của bạn