SOS: Lạm dụng rượu bia ở người trẻ gia tăng!

03-04-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Rượu, bia là yếu tố nguy cơ thứ 4 trong 8 yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam, là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở các nước đang phát triển...

Rượu, bia là yếu tố nguy cơ thứ 4 trong 8 yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam, là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở các nước đang phát triển, cũng là căn nguyên của nhiều bệnh tật trực tiếp do sử dụng rượu, bia. Tình trạng bạo lực gia đình, tai nạn giao thông, trẻ em bị ảnh hưởng bởi tình trạng lạm dụng rượu bia của người lớn ngày càng gia tăng...  Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo về cung cấp thông tin liên quan đến phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức sáng 2/4 tại Hà Nội.

Hệ lụy của rượu bia ở Việt Nam, những con số đáng báo động

Trao đổi với PV báo SK&ĐS, bà Phạm Hoàng Anh - chuyên gia của Tổ chức HealthBridge (Canada) cho biết: Theo số liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, mức tiêu thụ cồn bình quân đầu người trên 15 tuổi ở Việt Nam tăng từ 3,8 lít/người năm 2005 lên 6,6 lít/người năm 2010. Lượng tiêu thụ rượu bia từ 2,8 lít năm 2012 lên hơn 3 tỷ lít năm 2013 (nguồn Bộ Công Thương năm 2014), Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc. Kèm theo đó là gia tăng về tỷ lệ cũng như mức độ lạm dụng rượu bia ở thanh thiếu niên.

Bệnh nhân bị tai nạn giao thông do rượu, bia đang được cấp cứu. Ảnh: TM

Cũng theo bà Phạm Hoàng Anh, thống kê của WHO cho thấy, 1/5 các trường hợp tử vong do TNGT ở Việt Nam có nguyên nhân từ rượu, bia. Rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam.

Cũng nguyên nhân từ rượu, bia mà mới đây, chiều 29/3 tại Hải Dương, chị Vũ Thị M. (SN 1974, là cán bộ một ngân hàng tại Hải Dương) đã tử vong tại bệnh viện mà hung thủ gây ra cái chết cho chị M. chính là chồng mình, anh Nguyễn Văn H. (SN 1973, cán bộ thanh tra Kho bạc tỉnh Hải Dương), nguyên nhân được xác định là do say rượu H. không làm chủ được hành vi, dẫn đến cái chết thương tâm cho chính vợ mình.

Liên quan đến tác hại của rượu, bia, trẻ em là nạn nhân bị ảnh hưởng bởi tình trạng lạm dụng rượu bia của người lớn, thống kê cho thấy 11,1% bị xúc phạm, nhục mạ, mắng chửi; 6,5% bị bỏ mặc thiếu sự quan tâm chăm sóc bảo vệ của người lớn; 6,1% phải chứng kiến bạo lực nghiêm trọng trong gia đình; bị đánh đập gây đau đớn về thể xác 3,8%.

Gánh nặng bệnh tật và xã hội do rượu, bia

Cũng theo WHO, rượu bia là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Năm 2012 có đến 3,3 triệu người tử vong do liên quan đến rượu bia trên toàn thế giới. 30 bệnh có nguyên nhân trực tiếp do sử dụng rượu bia (loạn thần do rượu, viêm đa thần kinh do rượu, bệnh lý cơ tim, viêm dạ dày...; 200 mã bệnh và chấn thương có một trong các nguyên nhân cấu thành là sử dụng rượu, bia).

Trao đổi với PGS.TS. Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống chấn thương - Trường đại học Y tế công cộng, được biết: Hệ thống văn bản về việc phòng chống tác hại của rượu bia hiện có nhiều nhưng chưa đủ, như các quy định về độ tuổi uống, quy định về việc cấp phép, quy định về thời gian bán, các điểm bán... Bên cạnh đó, có chính sách kiểm soát quảng cáo, khuyến mại và tài trợ rượu bia là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của việc sử dụng đồ uống có cồn; kiểm soát quảng cáo trực tiếp và gián tiếp trên một số hay toàn bộ các phương tiện truyền thông đại chúng... Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ các trang mạng xã hội như facebook, zalo, twister... Nhiều người đã mượn các trang mạng xã hội để thông tin quảng cáo sản phẩm rượu bia, việc này hiện rất phổ biến tại Việt Nam. Nhiều quy định có liên quan đến hạn chế tác hại của rượu bia đã được ban hành..., tuy nhiên sự tuân thủ chấp hành của người bán, người sử dụng còn thấp, bên cạnh đó việc triển khai, giám sát thực thi còn hạn chế...

Còn theo bà Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế): Rượu bia làm giảm năng suất lao động, tăng nguy cơ tai nạn lao động,... Hạn chế quảng cáo rượu bia làm giảm TNGT do rượu bia và giảm gánh nặng bệnh tật liên quan đến rượu bia. Việc lạm dụng rượu bia chi phí chiếm khoảng 3 - 8% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả do lạm dụng rượu bia thường cao hơn chi phí trực tiếp. Việt Nam tiêu thụ 3 tỷ lít bia, tương đương với 3 tỷ USD, ước tính khoảng gần 3% số thu ngân sách của cả nước, đó là chưa tính đến những chi phí đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát chỉ khoảng hơn 16.000 tỷ đồng (tương đương 800 triệu USD), như vậy chi phí trực tiếp cho tiêu thụ bia nhiều gấp 4 lần mức đóng góp ngân sách nhà nước... Sự lãng phí do tiêu thụ nhiều rượu, bia đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của từng gia đình, tác động đến sức khỏe của người dân. Nếu tiết giảm được tình trạng này, một nguồn lực đáng kể trong dân sẽ được đầu tư vào nhiều lĩnh vực sinh lợi cho xã hội, cho đất nước. Để làm được điều đó, mỗi người, mỗi gia đình cần phải nhận thức rằng, tiết kiệm chi phí bia, rượu là để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và sự an toàn cho xã hội.

Theo số liệu Ðiều tra Quốc gia Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam, 79,9% nam và 36,5% nữ thanh thiếu niên 14-25 tuổi có sử dụng rượu, bia (2008), tăng 10% với nam và 8% với nữ sau 5 năm. Trong đó có 60,5% nam và 22% nữ đã từng uống say. Tỷ lệ sử dụng rượu bia trong nhóm 14-17 tuổi tăng từ 34,9% lên 47,5% và trong độ tuổi 18-21 tuổi tăng từ 55,9% lên 67%. 20,8% nam vị thành niên đã lái xe sau uống rượu bia và bị các chấn thương phải nghỉ học, nghỉ lao động một tuần trở lên, kèm theo đó là tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) có nguyên nhân từ việc sử dụng rượu, bia.

Trần Lâm

 

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn