Hà Nội

Sốp Cộp phát triển các mô hình liên kết trồng cây dược liệu

26-11-2023 10:27 | Xã hội
google news

SKĐS - Là huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, để nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, huyện Sốp Cộp đã thực hiện nhiều giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, trong đó có trồng dược liệu.

Trong giai đoạn 2021-2023, huyện Sốp Cộp được giao hơn 120 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG 1719. Ngoài tập trung đầu tư xây dựng các công trình giao thông phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung; bố trí sắp xếp dân cư… huyện đã chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các mô hình liên kết trồng cây dược liệu.

Mô hình phát triển trồng dược liệu bước đầu đem lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn và thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Cây dược liệu đang mang lại giá trị cao hơn so với nhiều loại cây trồng truyền thống trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện vẫn mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ. Hầu hết nhân lực tại các vùng trồng cây dược liệu đều là bà con dân tộc thiểu số chưa có nhiều cơ hội tiếp thu kỹ thuật mới; cơ sở hạ tầng phục vụ chuyên canh cây dược liệu chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn.

Sốp Cộp phát triển các mô hình liên kết trồng cây dược liệu- Ảnh 1.

Vườn ươm giống cây sa nhân của Ban Quản lý rừng đặc dụng phòng hộ Sốp Cộp.

Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tuyên truyền, vận động các HTX, hộ gia đình chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng cây dược liệu, hoặc trồng xen vào diện tích cây ăn quả chưa cho thu hoạch.

Cụ thể, tại các xã vùng thấp tập trung trồng các loại cây: đẳng sâm, khôi nhung, cát sâm, hà thủ ô…; Các xã vùng cao hoặc các xã có khí hậu mát mẻ trồng sa nhân, quế, gừng...

Đến nay, nhiều loại cây dược liệu đã được trồng và ngày càng được nhân rộng. Hiện nay, huyện có trên 60 ha cây quế, 16 ha cây sa nhân, 20 ha gừng, 4 ha hà thủ ô, cát sâm, khôi nhung, đẳng sâm. Trong đó các loại dược liệu như gừng, sa nhân, hà thủ ô đã cho thu hoạch.

Để tiếp tục phát triển mô hình này, huyện Sốp Cộp đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu các loại cây dược liệu phù hợp với địa phương; thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực trồng, sơ chế, chế biến cây dược liệu. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm từ cây dược liệu, từ đó tạo nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương.

Sơn La tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân tham gia Chương trình MTQG 1719Sơn La tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân tham gia Chương trình MTQG 1719

SKĐS - Trong quá trình triển khai các dự án của Chương trình MTQG 1719, tỉnh Sơn La đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc hiểu rõ chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nắm rõ nội dung Chương trình để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển y dược cổ truyền dược liệu ở Việt Nam.


P. Vân
Ý kiến của bạn