1. Rajalakshmi SJ: Xe lăn không thể là rào cản
Người đẹp Ấn Độ không nhớ gì về tai nạn xảy ra với bản thân. Khi ấy, chị đang ngủ trên xe hơi. Lúc tỉnh dậy đã thấy cả hai chân đều bất động, trơ lỳ và mất cảm giác. Rajalakshmi không biết chuyện gì đã xảy ra.
Bác sĩ nha khoa Rajalakshmi đăng quang vương miện Hoa hậu Ấn Độ trên xe lăn 2014.
“Tai họa bất ngờ ập đến đúng 10 năm trước. Lúc đó, tôi 21 tuổi, đang là sinh viên chuyên ngành Nha khoa với đầy ắp ước mơ và dự định. Đó là cú sốc kinh hoàng, cả với tôi cùng người thân trong gia đình”, người phụ nữ Ấn Độ 31 tuổi mở đầu câu chuyện.
Song không giây phút nào người đẹp đánh mất động cơ sống lạc quan, tích cực.
“Sau những ca phẫu thuật hy vọng cứu đôi chân bại liệt do chấn thương tủy sống thất bại, khi biết rằng cuộc đời còn lại sẽ phải gắn liền với xe lăn, tôi hạ quyết tâm, xe lăn không thể thay đổi cuộc sống của tôi”, Rajlakshmi nói thêm.
Thời gian ngắn sau khi xuất viện, thiếu nữ giàu nghị lực lập tức hiện thực hóa khát vọng của bản thân. Chị tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc. Xe lăn không gây rắc rối với bản thân Rajalakshmi.
Nhiều tháng trôi qua, chị không thể tìm phòng khám sẵn lòng tuyển dụng bác sĩ nha khoa khuyết tật. Chiếc xe lăn vô tội vô tình đã xổ toẹt tấm bằng đỏ của Rajalakshmi. Vậy nên chị đành phải mở phòng khám riêng.
Ngay lần đầu, bệnh nhân không chấp nhận chị. Đến nay, có người gõ cửa phòng khám gặp chị vẫn hỏi, bác sĩ ngồi chỗ nào. Cũng may, ngày càng ít trường hợp “nhầm lẫn” như thế.
Tiếng lành nữ bác sĩ nha khoa mát tay của chị lan tỏa nhanh chóng. Tuy nhiên, Rajlakshmi không có ý định dừng chân ở sự nghiệp bác sĩ nha khoa.
“Tôi không muốn phòng khám nha khoa là công việc duy nhất của tôi. Khi đã chấp nhận xe lăn và tình trạng khuyết tật của bản thân, tôi càng khát khao sống. Tôi bắt đầu tin rằng, ở đâu xuất hiện rắc rối, ở đấy có cách giải quyết vấn đề. Không gì có thể ngăn cản khát vọng của tôi”, Rajalakshmi chia sẻ.
Ham muốn hoạt động xã hội, nữ bác sĩ nha khoa cộng tác với các quỹ từ thiện, tham gia thiết kế trang phục, trang trí chiếc xe lăn theo ý tưởng của mình, theo học khóa tâm lý học thực hành, tham gia lớp học yoga và nhận thêm việc làm khoa học với tư cách trợ lý giảng dạy đại học.
“Tôi sẽ thực sự ngạc nhiên nếu em tôi chỉ yêu nghề bác sĩ nha khoa. Bao giờ cô ấy cũng muốn cùng lúc làm tất cả mọi việc. Ngày em gái không may bị tai nạn, tôi làm việc ở thành phố khác. Khi ấy, quả thực tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra”, anh trai chị Rajalakshmi - người xuất hiện bên giường bệnh em gái mãi 2 tuần sau tai nạn nhớ lại.
Người đàn ông tin chắc cô em gái nổi tiếng tính cách mạnh mẽ trong gia đình sẽ dễ dàng vượt qua tai họa. Đến hôm nay, anh vẫn còn nhớ cảm giác bàng hoàng của mình khi nghe tin em gái Rajalakshmi bị liệt cả hai chân.
“Tôi buồn lặng người. Có cảm giác trong đầu trống rỗng và cùng lúc xuất hiện hàng triệu câu hỏi: Rajalakshmi sẽ sống thế nào? Chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo? Liệu em gái có thể học tiếp đại học? Tôi hình dung viễn cảnh thất bại liên hoàn, tai họa đắng cay đang chờ em gái... Thật may, tiên lượng xấu của tôi không xảy ra”, anh trai nữ bác sĩ nha khoa Ấn Độ bộc bạch.
Kể từ thời điểm ấy, anh liên tục thán phục sức mạnh ý chí của em gái. Nhiều người khác cũng ngưỡng mộ Rajalakshmi cùng vì lý do như vậy. Với những kỳ tích vượt khó, nữ bác sĩ nha khoa nổi tiếng thường xuyên được mời đến các buổi tọa đàm tại trường học, công xưởng và các trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật.
“Tôi mong muốn thuyết phục mọi người rằng tất cả chúng ta đều có trong mình tiềm năng, cần phải tận dụng tối đa. Tôi thực sự tin vào điều đó, vì thế, tôi không bỏ qua tất cả cơ hội trong đời. Tôi đi nhiều nơi với hy vọng tạo cảm hứng để có thêm can đảm và tìm kiếm cho mình con đường của cuộc đời”, Rajlakshmi tâm sự.
Không chỉ diễn thuyết để tạo cảm hứng, Rajalakshmi còn đấu tranh cho quyền lợi của người khuyết tật ở Ấn Độ. Trường hợp cần thiết, chị giải quyết việc này ở tòa án. Sự kiện như thế đã xảy ra khi nữ bác sĩ nha khoa thắng kiện tại phiên tòa đòi quyền được tiếp cận giáo dục của người khuyết tật. Chị cũng thực hiện thành công sở thích của mình - một trong số đó là nghề tạo mẫu. Năm 2014, Rajalakshmi đăng quang vương miện Hoa hậu Ấn Độ trên xe lăn.
2. Maria Diaz: Tận dụng cơ hội thứ hai
10 năm trước, cùng thời điểm bạn gái Rajalakshmi Ấn Độ gặp nạn, ở thị trấn nhỏ miền Nam Chile, Maria Diaz cũng bước vào xe hơi. Chị trở về nhà cùng 2 người bạn và chàng trai hôm nay đã là người yêu cũ.
Maria Diaz hy vọng tham dự Paralympic Tokyo 2020.
Chỉ còn khoảng 2 phút đến địa điểm, đúng lúc đó thì tai họa ập đến. Xe của nhóm bạn Maria không may sa vào đoạn đường 2 băng nhóm tội phạm địa phương truy sát lẫn nhau. Súng nổ xé tai, bỗng chốc xuất hiện viên đạn lạc chui qua vỏ xe, găm vào cột sống Maria.
“Lúc ấy tôi mới 18 tuổi. Với dự định học đại học, tương lai làm việc tại trang trại, tôi còn mong muốn nhiều thứ khác. Đơn giản, tôi khao khát sống và nghĩ rằng thế giới đang mở rộng cửa”, Maria Diaz tường thuật.
Thời gian nằm viện, Maria tin chắc sẽ phải giã từ mọi ước mơ. Kết quả chẩn đoán không thương tiếc. Thiếu nữ trẻ buộc phải chấp nhận thực tế, sẽ vĩnh viễn không bao giờ có thể đi lại bằng hai chân.
“Giây lát đầu tôi đã lên kế hoạch cho cuộc đời mình, giây lát sau tôi hét to với mẹ, rằng con không muốn chết và sau đó... tôi đã không chắc bản thân muốn như vậy. Tôi cho rằng dù thế nào cuộc đời tôi đã chấm dứt”, Maria nhớ lại.
Thiếu nữ trẻ bất ngờ gặp nạn đã nhầm. Chị dần lấy lại trạng thái cân bằng tâm lý, từng bước một, Maria phát hiện những khả năng mới, sở thích mới, những mối quan tâm, cho đến cuối cùng - tất cả tự biến đổi.
“Con muốn làm gì? Đòi đi Santiego? Trong khi con không thể, tự mình, thậm chí sử dụng toilet, không thể tự mình mặc quần áo. Con có điên hay không?”, mẹ Maria giận dữ chất vấn khi lần đầu bà nghe nói về quyết định xa nhà và bắt đầu cuộc sống tự lập, theo học đại học ở thủ đô Chile của con gái.
“Ở bệnh viện, tôi đã cầu mong Thượng đế rộng lòng ban cho tôi cơ hội thứ hai. Đó là khát khao sống, bất chấp mọi rào cản phải đối mặt. Mãi sau vài tháng, tôi mới hiểu mình đã nhận được nó rồi và cần phải sử dụng. Tôi lên đường đi Santiago. Tôi biết, mẹ có lý, không muốn tôi xa nhà nhưng tôi phải thử sức”, Maria nhớ lại.
Nữ sinh viên khuyết tật thuê nhà gần trường đại học, song chỉ riêng công đoạn hàng ngày chuẩn bị ra khỏi nhà cũng ngốn thời gian tối thiểu 90 phút. Nỗ lực tự tắm vòi sen, mặc trang phục và toàn bộ công việc vệ sinh cá nhân buổi sáng trở thành thách đố phi thường.
“Không có mẹ ở bên, tôi buộc phải tự mình xoay xở và đôi lúc rất khó khăn. Tôi đã hứa với mẹ, con sẽ trở về nếu không thể sống một mình”, Maria kể về những ngày đầu sống tự lập.
Nhiều ngày trôi qua, Maria không trở về thị trấn nhỏ miền Nam Chile. Tại Santiago - thành phố Thủ đô, chị đã tốt nghiệp đại học.
Không dừng lại, thiếu nữ trẻ ham đối mặt thách đố còn phát hiện cho mình thú chơi tennis trên xe lăn, bộ môn thể thao đã trở thành sở thích của chị và vạch ra mục tiêu phấn đấu mới. Maria thầm mơ đến ngày tham dự Paralympic. Rất tiếc, vì lý do chấn thương, nữ vận động viên trẻ không thể góp mặt tại Rio de Janeiro 2016.
“Tôi đã thật sự yêu tennis”, Maria nhấn mạnh. “Ngay lần đầu cầm vợt, tôi đã biết bản thân sẽ gắn bó với tennis lâu dài. Tôi chăm chỉ tập luyện mỗi ngày 2 buổi, tối thiểu mỗi buổi 2 tiếng và sẵn sàng tham gia thi đấu mỗi khi có cơ hội. Bây giờ tennis là công việc và cuộc sống của tôi. Mục tiêu trước mắt của tôi là đoạt suất thành viên Tuyển Chile tham dự Paralympic Tokyo 2020”.
Tuy nhiên, tennis không sử dụng hết năng lượng của người đẹp Chile tràn đầy sức sống. Maria Diaz đang “nhân bản” tình yêu cuộc đời của mình đến đông đảo đồng hương không may bị khuyết tật thông qua hoạt động của tổ chức những người chuyên tổ chức các cuộc thuyết trình về động cơ sống.