Chị nhiều lần đăng quang ngôi vô địch thế giới người khuyết tật bộ môn ném đĩa và đẩy tạ. Bất chấp thực tế ngồi trên xe lăn và hàng ngày vật lộn với những cơn đau, Lucyna vẫn có thể cười tươi và vui vẻ với cuộc sống.
Lucyna bước vào năm 2020 với hai “tài sản” đáng tự hào. Chị trở về từ Giải vô địch Điền kinh thế giới dành cho người khuyết tật tổ chức ở Dubaj với HCV Bộ môn Đẩy tạ đồng thời lập kỷ lục thế giới và HCĐ Bộ môn Ném lao.
Lucyna Kornobys sinh ngày 17/2/1978 ở Kamienna Gora, Ba Lan. Chuyện đời dị thường của chị bắt đầu thời tiểu học. Đó chính là khởi điểm bé Lucyna yêu thể thao. “Thoạt đầu tôi chạy cự ly dài, sau đó nhiều bộ môn khác, trong đó có trượt ván trên tuyết. Năm lớp 8, tôi bị ngã bất tỉnh trong một cuộc đua trượt tuyết đổ đèo”, Lucyna kể.
Cho đến nay hậu quả tai nạn vẫn chưa được chẩn đoán chính xác. Từ lúc bị tai nạn, sức khỏe của chị ngày càng xấu. Suốt vài năm đầu chị đi lại bằng nạng nhưng rồi đến lúc việc di chuyển đoạn đường 5 mét cũng phải mất 10-15 phút. Khi bác sĩ nói rằng chị phải chuẩn bị sắm xe lăn bởi cột sống và đôi tay không còn khả năng hoạt động bình thường, chị đáp: Nếu vậy thì bò, tôi dứt khoát không mua xe lăn.
Lucyna Kornobys trong một giải thi đấu.
Hành trình tìm cuộc sống
Nhưng rốt cuộc chị vẫn phải ngồi xe lăn. Lucyna tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học Wroclaw vào năm 2005. Đã làm việc tại Trung tâm Dịch vụ Giáo dục, sau đó Trung tâm Điều dưỡng Cieplice. Mặc dù công việc bù đầu, chị còn đối mặt với không ít giây phút suy sụp tinh thần thậm tệ do tình trạng sức khỏe suy nhược. “Nhiều ngày, tôi không muốn rời khỏi giường ngủ. Chán sống!”.
- Tuy nhiên từ đầu năm 2008 tôi bắt đầu thức tỉnh. Chính thể thao đã cho tôi sức sống mới. Thoạt đầu tôi làm quen với Bộ môn Bóng chuyền trên xe lăn. Sang năm 2009, tham gia tập điền kinh tại CLB Thể thao Phục hồi chức năng. Tháng 12/2013 lần cuối tôi thi đấu bóng chuyền trên xe lăn, để dành toàn bộ thời gian cho điền kinh, Lucyna nói thêm.
Hiện nữ vận động viên khuyết tật đã có hơn chục danh hiệu nhà vô địch và nhiều hơn danh hiệu á quân ở các bộ môn ném lao và đẩy tạ. “Khi bắt đầu có những thành tích thi đấu đầu tiên, lập tức động cơ bùng nổ, không chỉ trong hoạt động thể thao, mà cả nỗ lực tự hoàn thiện bản thân, nỗ lực chiến thắng chính mình. Bây giờ tôi có thể liên tục tập luyện và tập luyện. Không quan trọng, khi cơ thể lúc nào cũng có chỗ đau vì lý do cần thiết duy trì quá. Đôi lúc tôi chỉ ao ước trải nghiệm, dù chỉ một tuần không có cảm giác đau, nhưng rốt cuộc tôi đã quen với tất cả.
Sau khi lấy lại lòng tin vào sức mạnh và năng lực của chính mình, từ năm 2010 người nổi tiếng triển khai chương trình diễn thuyết miễn phí về chủ đề người khuyết tật cho học sinh các trường phổ thông thuộc tỉnh Dolny Slask.
- Để tuổi trẻ học đường có khái niệm về người khuyết tật, tôi mời đối tượng thử ngồi vào chiếc xe lăn của mình, dùng tấm vải sẫm màu che kín hai mắt, để chúng hình dung cảm giác của người khiếm thị… Bằng cách này, tôi hy vọng chuyển đến các bạn trẻ sức khỏe bình thường thông điệp, cộng đồng người khuyết tật cũng là những cá thể y như chúng, gắng kéo gần chúng với người khuyết tật, dạy trẻ có ý thức tôn trọng đồng loại không may bị khuyết tật
Ước mơ cho riêng mình
Trả lời câu hỏi về dự định cho tương lai, tác giả không ít kỷ lục thể thao thật thà chia sẻ:
Ngoài các đợt tập huấn và thi đấu, tôi mong muốn xây dựng tổ ấm cho riêng mình, tìm một chút thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn và sức khỏe, để có thể sinh con.
Đánh giá cao vai trò của bạn bè, Lucyna thuê thợ xăm trên cánh tay mình dòng chữ: “Bạn bè y hệt các thiên thần thầm lặng, những người nâng ta lên cao, khi đôi cánh của bản thân quên kỹ năng bay lượn. Những người bạn như thế tôi có rất nhiều. Nhờ họ và khuyết tật của bản thân, tôi đã giành phần thắng trong cuộc chiến với chính mình, gặt hái thành công trong thể thao và càng thấu hiểu ý nghĩa cuộc đời”.