Sống với máy khử rung tim

11-02-2019 06:44 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Đòn đầu tiên quật tôi rơi từ xe đạp xuống mặt đường. Sau đó, tôi bị đánh đòn thứ hai, thứ ba, thứ tư…, mỗi đòn đều nhằm thẳng vào tim.

Thiết bị khử rung tim đã rèn trái tim của tôi như thế để trái tim tìm lại nhịp bình thường.

Trái tim khuyết tật bẩm sinh

Cuối mùa hè 1985, gia đình nhà Piotrowski ở Kepno - thị trấn nhỏ cách thành phố Wroclaw 75km ăn mừng sinh hạ “mặt trời tý hon” thứ 3. Niềm vui càng lớn bởi sau 2 con trai, lần này là con gái.

“Chớp nhoáng tôi trở thành “cái rốn” của vũ trụ gia đình”, chị Karolina kể. “Theo bố tôi thuật lại, mỗi lần tôi húng hắng ho, bố mẹ tôi lại mời bác sĩ đến nhà. Lúc tôi 3 tháng tuổi, trận ho tiếp theo báo hiệu tôi dính bệnh viêm nhiễm bất thường. Bác sĩ chẩn đoán tôi mắc bệnh cơ tim giãn nở (Cardiomyopathy Dilated) bẩm sinh.

Vỏ tim tôi mỏng đến mức tâm thất trái phì đại, suy nhược, mất khả năng bơm máu bình thường. “Chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện tình trạng suy tim của cháu bằng tân dược”, bác sĩ hứa hẹn.

“Chuyện gì xảy ra nếu tân dược bất lực?” , bố mẹ tôi lo lắng...

Trò chơi xổ số với trái tim. Hoặc tôi sẽ sống đến tuổi 90 và không xuất hiện sự cố. Hoặc sẽ cần phải thay cho tôi quả tim khác. Hoặc đến một ngày trái tim ngừng đập và nó yên nghỉ vĩnh viễn.

Karolina lạc quan sống với máy khử rung tim.

Karolina lạc quan sống với máy khử rung tim.

Karolina, con không chạy nhảy...

“Karolina, con không nhảy lò cò - Karolina, con không được phép nô đùa - Karolina, con phải giữ trái tim!” - Đó là điệp khúc nhàm tai tôi phải nghe suốt những năm tuổi ấu thơ và tuổi vị thành niên.

Tôi sống với bóng đèn thường trực trong đầu, nó bật ánh sáng màu đỏ báo động mỗi khi tôi cử động mạnh. Tôi nổi loạn bởi mệnh lệnh của bác sĩ tước đoạt của tôi sự thoải mái mà những đứa trẻ khác được tận hưởng. Tôi không được phép tham gia giờ học giáo dục thể chất, thậm chí không thể làm thủ môn trấn giữ khung thành đội bóng ném của trường. Cuối năm tiểu học, tôi nhảy múa như điên tại sàn khiêu vũ, cho đến lúc thầy giáo chủ nhiệm nhắc nhở: “Karolina, con có thể nghỉ được rồi!”.

Bố mẹ luôn để mắt đến con gái khuyết tật, song không giam hãm tôi trong lồng kính. Ngay ngày đầu tôi cắp sách đến trường, bố tôi đã hỏi: Con thích ăn bánh mỳ kẹp thịt?  Bố mẹ xô đẩy tôi ra biển lớn, vậy tôi tự bươn chải. 1 năm sau tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi chia tay bố mẹ, chọn cuộc sống tự lập ở thành phố Wroclaw.

Vợ hỏng hóc chút xíu

20 tuổi, tôi lấy chồng. Bà bác sĩ đã nhiều năm thăm khám cho tôi giảng giải, sinh hoạt vợ chồng, tất nhiên vẫn có thể, nhưng dứt khoát phải từ tốn, nhẹ nhàng để cơ thể không quá sức và không được phép có thai bởi người bệnh như tôi chắc chắn sẽ không thể thoát khỏi cửa tử vì sức ép quá lớn của 9 tháng mang thai và áp lực vất vả sinh nở. Tóm lại, tốt nhất, tôi không nên có con.

Trước ngày đăng ký kết hôn, tôi gom can đảm, nghiêm túc nói với người yêu - chàng Jarek - rằng lần cuối anh nên suy nghĩ kỹ trước khi chúng mình đến Tòa Thị chính thành phố. Bệnh tim của em rất nghiêm trọng. Những gì tương lai em có thể mang đến cho anh, những gì không.

Với cái nhếch mép tinh tướng và nụ cười ngạo mạn hệt người lính công binh đủ năng lực tháo ngòi nổ tất cả các loại mìn, chồng tương lai của tôi trả lời xanh rờn: “Những gì em nói thật khó, song anh đã yêu em, vợ anh hỏng hóc chút xíu, anh vẫn chấp nhận!”.

Cái thai “lậu”

Suốt 4 năm chung sống, vợ chồng tôi giữ gìn để không có thai. Tháng 9/2009, tôi bắt đầu điều trị bệnh tuyến giáp. Bác sĩ nội tiết cảnh báo, tác dụng phụ của thuốc có thể gây tắt kinh trong thời gian điều trị. Sau 5 tháng, tôi bắt đầu thấy đau bụng dưới. Nữ bác sĩ phụ khoa chỉ định tôi ngồi lên ghế khám phụ khoa và tiến hành siêu âm. “Đã biết tại sao tiểu thư đau bụng dưới” - nữ chuyên gia hóm hỉnh cười và chỉ tay lên màn hình... phôi thai tháng thứ 5!

Tôi đã có thai?! Không thể tin! Tại sao tôi không hề buồn nôn sáng sớm? Không thèm ăn vặt và tính khí thất thường - như cẩm nang phụ nữ có thai vẫn quảng bá?

Biết tôi bất ngờ có thai, Jarek - chồng tôi mừng rỡ giục tôi: “Em báo ngay cho mẹ, vài tháng nữa, mẹ sẽ lên chức bà ngoại!”.

Tôi vô cùng sung sướng bởi bản thân cũng mong muốn đứa con này. Đồng thời, tôi cũng lo lắng. Vì suốt 5 tháng mang thai, hoàn toàn vô thức, tôi vẫn đều đặn uống thuốc trợ tim. Liệu có hại con tôi?

Bác sĩ tim mạch từ nhiều năm thăm khám cho tôi (trước khi tôi kịp đặt cả hai chân vào phòng khám) đã phát hiện cái bụng khác thường của tôi. “Rắc rối to rồi!”, bác sĩ lắc đầu, than nghiêm túc.

Bản thân tôi chẳng thấy rắc rối gì. Bác sĩ sản khoa khẳng định, thai nhi khỏe, phát triển bình thường... Chỉ bác sĩ tim mạch phát khùng, rằng tôi là người phụ nữ vô trách nhiệm và ông viết giấy giới thiệu, chỉ định tôi phải phá thai. Tôi đứng bật dậy, rời khỏi phòng khám và tìm bác sĩ khác...

Bất ngờ thú vị

Thời điểm chuyển dạ dự đoán ngày 23/6/2010, nhưng ngay đầu giờ sáng ngày 4/5, bất ngờ con tôi trong bụng đạp dồn dập. Jarek - chồng tôi cuống cuồng dìu tôi vào xe hơi và nhấn ga, nhằm hướng bệnh viện phụ sản gần nhất.

Ở đó, không ai hỏi tôi, bác sĩ tiêm cho tôi liều oxytocin. Đó là biệt dược có tác dụng kích thích cơn co tử cung, tăng tần số, cường độ, thời gian cơn co tử cung nhưng cũng đẩy nhanh chức năng tim. Sau 2 tháng không uống thuốc trợ tim, tim tôi bắt đầu đập loạn xạ. Mãi đến khi người tôi vã mồ hôi như tắm, lả dần và có dấu hiệu trụy tim, nhóm bác sĩ sản khoa mới cấp tốc tìm bác sĩ tim mạch.

Vị chuyên gia này chỉ định, lập tức can thiệp mổ đẻ và lệnh cho tôi... chia tay chồng.

11 giờ 30, tôi được làm thủ tục gây mê và ngủ thiếp.

11 giờ 45, con gái Jagoda chào đời.

Tôi tỉnh khỏi thuốc mê lúc 13 giờ 30. Mãi vài tiếng sau, tôi mới biết, tôi đã sinh con và còn sống.

Karolina sống bằng... ICD

“2 tuần nữa chúng tôi sẽ cấy cho chị thiết bị khử rung tim ICD”, bác sĩ tim mạch mới của tôi thông báo.

Đó là năm 2012. Jagoda - con gái tôi khỏe mạnh với trái tim đập lý tưởng. Trái tim tôi vẫn chưa ngừng giây lát nào, nhưng bác sĩ e ngại, tình huống tệ hại có thể xảy ra mọi lúc.

Tại bệnh viện, các bác sĩ mở lớp da trên xương đòn bên trái của tôi và đặt vào túi cơ dưới da thiết bị kích thước lớn hơn bao diêm một chút. Máy có tụ điện kết nối với tim. Thiết bị khử rung tim ICD điều khiển từ xa có nhiệm vụ liên tục theo dõi nhịp tim, phát hiện tình trạng tim loạn nhịp và khởi động cơ chế tái phục hồi nhịp bình thường - một khi xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp tim.

Hiểu giản lược, sự sống của tôi phụ thuộc vào kiến thức và năng lực của bác sĩ - vị chuyên gia dựa vào phần mềm đặc biệt, cứ sau 3-4 tháng lại xác định loại tân dược và liều sử dụng trợ tim cùng điều chỉnh các thông số thiết bị.

Đối mặt bão điện từ

Khi thiết bị ICD phát hiện chính xác tình trạng loạn nhịp tim và “bắn” vào tim những xung điện có cường độ hợp lý, nó sẽ cứu mạng sống của tôi trước cái chết đột tử. Tuy nhiên, thảng hoặc cũng xảy ra tình trạng “bão điện từ” do ICD “bắn” xung điện với cường độ không hợp lý. Sự cố xuất hiện khi ICD giải mã sai hoạt động của tim và “bắn” liều xung điện không cần thiết. Thường sai sót không diễn ra chỉ 1 lần.

Tôi bị “đòn” lần đầu năm 2014. Cùng lúc, tôi nhận 6 cú đánh khi tôi đang vui chuyện cùng bạn bè trong quán ăn. 1 năm sau, tôi may mắn sống sót sau “cơn bão điện từ”. Đòn đầu tiên quật tôi rơi từ xe đạp xuống mặt đường. Sau đó là dồn dập 8 đòn tiếp theo. Cảm giác của tôi khi ấy? Cả 2 tai như bị phá vỡ bởi tiếng rít và âm thanh râm ran khủng khiếp, vòm ngực đau nhức óc giống như bị ai đó đập quả búa tạ vào ngực.

Tôi nằm vật ra đường, không thể làm bất cứ việc gì, thậm chí không thể thò tay vào túi rút điện thoại di động. Tôi nằm bất động chừng 30 phút thì xuất hiện đám bạn trẻ qua đường và họ gọi xe cấp cứu. Mãi 18 tiếng sau, trái tim tôi mới lấy lại nhịp đập bình thường.

“Cơn bão điện từ” để lại cho tôi hội chứng trầm cảm hậu chấn thương. Suốt nửa năm tôi không bước chân ra khỏi nhà vì ám ảnh ICD tái “ra đòn”.

Cuộc sống bật đèn đỏ

Mang trong người ICD, tôi buộc phải sống hết sức thận trọng. Quan trọng nhất - tránh xa mọi khu vực có sóng từ trường, tức những vòm cửa chống trộm cắp tại các siêu thị và các cửa kiểm tra an ninh tại các cảng hàng không. Nhân viên an ninh không thể sử dụng máy dò kim loại với những hành khách như tôi. Bản thân tôi không động tay vào thiết bị điện tử trước khi kiểm tra liệu cáp điện có an toàn và ổ cắm điện có đường tiếp đất.

Bao giờ tôi cũng phải mang điện thoại di động bên tay phải bởi bên trái là thiết bị ICD. Tôi không được phép chơi những bộ môn thể thao đối kháng để tránh nguy cơ bị đối thủ vô tình phá hỏng ICD. Tôi không thể sử dụng máy cắt cỏ để làm vườn nhằm tránh ICD nhầm nhịp rung của máy với nhịp đập của tim...

Và hàng ngày, tôi phải chăm chỉ theo dõi nhịp tim và đều đặn uống 6 viên kali theo đơn bác sĩ. Trong túi xách của tôi luôn có cuốn sổ y bạ. Còn con gái tuổi mẫu giáo của tôi đã biết, nếu phải gọi xe cấp cứu, câu đầu tiên phải nói với bác sĩ là: “Mẹ cháu đeo thiết bị ICD!”.

Nhóm bạn đeo ICD

Ngay khi lắp đặt cho tôi thiết bị khử rung tim, bác sĩ đã cho tôi cuốn cẩm nang chỉ dẫn cách sống với ICD. Song thú thật, rất hiếm khi tôi đọc sách. Tôi vẫn nghĩ, đã có ICD sẽ chẳng còn gì phải lo lắng. Thái độ không vâng lời bác sĩ của tôi đã phải trả giá. Sau 5 năm, tôi đã bị trừng phạt 27 “trận đòn” và buộc phải ngoan ngoãn quan tâm đến ICD như chính trái tim mình.

Tôi bắt đầu tìm kiếm những người cùng cảnh ngộ. Trong nhóm “Bạn ICD” tôi lập trên trang Facebook cá nhân 5 năm trước, đến nay đã hội tụ trên 800 thành viên. Tháng trước, chúng tôi đã khai sinh Hiệp hội Những người đeo ICD đầu tiên ở Ba Lan. 10 người trong nhóm đã không có cơ hội ăn mừng ngày Hiệp hội chính thức ra mắt. Trái tim của họ đã ngừng đập vì không thể chờ vận may được thay tim khác. Riêng tôi không đăng ký chờ thay tim. Hiện trái tim tôi hoàn toàn khỏe mạnh.


Ngọc Báu
Ý kiến của bạn