Ðã hơn 1 tháng nay, nắng nóng kéo dài biến dòng sông Trà, Quảng Ngãi trở thành sa mạc. Dòng nước chỉ còn là những con lạch nhỏ chảy uốn lượn ven những dải cát rộng lớn. Sông cạn khiến cuộc sống của người dân vạn đò quanh năm gắn bó với sông nước cũng trở nên khốc liệt hơn trong cuộc chiến mưu sinh này.
Cặm cụi những thân cò
Mùa này, khi cái nắng ngày ngày đổ lửa xuống mặt sông chỉ còn trơ lại những sỏi đá, nước đã cạn dần thì bà con xóm Nổi cũng chẳng còn miệt mài với những chuyến đi cào ốc cào hến nữa, mà thay vào đó, họ chuyển qua đào cát sỏi thuê cho những người đi khai thác. Cứ 5 giờ sáng ra đi, đến 11 giờ trưa mới về, buổi chiều lại tiếp tục. Đấy là với những người có sức khỏe, chứ còn với người già, phụ nữ và trẻ em ở xóm Nổi dưới chân cầu Trà Khúc này thì công việc vẫn chỉ là những ngày lầm lũi xuống giữa lòng sông, nơi những lạch nước nhỏ vẫn còn lựa hến, lựa ốc, đãi hến... Với công việc này, trung bình mỗi người kiếm được từ 15.000 - 20.000 đồng. Để bắt được 1 ký hến, họ phải trầm mình dưới nước hàng giờ mới có được nhưng chỉ có giá bán chừng 2.000 đồng, ốc được giá hơn cũng chỉ 6.000 đồng. Vậy mà còn hôm đắt, hôm ế. Thu nhập bấp bênh nên người dân xóm nổi này chẳng mong gì giàu có, chỉ mong mỗi ngày kiếm đủ cái ăn nuôi sống gia đình.
![]() Trầm mình cả ngày trời, thành quả chưa tới một trăm ngàn đồng. |
Bây giờ đang là mùa nước cạn, phải đến hết tháng 8 âm lịch nước mới bắt đầu về. Nước lên thì “nhà” cũng nổi lên theo dòng nước. Nói là nhà nhưng nhiều chỗ cũng chẳng khác gì túp lều, đó cũng là những chiếc thuyền cắm sào trên sông làm chốn ra vào của họ. Nước cạn, ốc hến không còn nhiều nên các cư dân của xóm Nổi tỏa ra khắp các đường phố để mưu sinh. Người làm nghề đồng nát, người bán hoa quả, người câu cá bắt tôm, người tranh thủ làm rau, trồng bắp trên bãi. Mực nước sông Trà xuống thấp nhất trong vòng 20 năm khiến cuộc sống của những người dân vốn lấy nghề sông nước làm kế sinh nhai càng thêm phần vất vả.
Đứng trên cầu Trà Khúc nhìn xuống dòng sông, ít ai biết được trong những con thuyền kia là những con người đang vật vã trong cuộc mưu sinh. Họ vẫn phải sống, nhưng lầm lũi từng ngày. Tất cả những người dân xóm Nổi này sống đều nhờ vào nguồn tôm, cá, ốc, hến mà dòng sông Trà mang lại, nhưng do nạn đánh bắt bằng cách tận diệt nên nguồn lợi từ sông mang lại ngày càng cạn kiệt. Ông Huỳnh Văn Toản, một người nhiều năm sống trên thuyền dưới chân cầu Trà Khúc than thở: “Cuộc sống của chúng tôi ngày càng khó khăn hơn. Con tôm, con cá ngày càng ít dần. Nghề cào hến mưu sinh qua ngày nhưng đâu có được bao nhiêu, đi quăng chài, thả lưới nhưng đâu có đủ sống được!”. Quả thực cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày càng bế tắc, đã có bao nhiêu con người sinh ra, lớn lên trên khúc sông Trà này, họ đã sống cuộc sống khổ cực, quanh năm suốt tháng chỉ biết lao động bằng nghề chài lưới mà cha ông để lại, cứ thế đời con tiếp nối đời cha. Cái “cần câu cơm” để lại chỉ giúp họ tìm được con tôm, con cá trang trải cho cuộc sống hàng ngày nhưng chẳng đủ và cứ thế nghèo khó nối tiếp nghèo khó, họ không thể tự quyết định được cuộc sống của mình. Họ mong muốn được thoát nghèo, nhưng cái ăn của họ còn chưa đủ thì ai dám nghĩ đến.
![]() Không còn cá để bắt vì nước sông cạn trơ, nhiều người đi đào đãi cát sạn thuê cho chủ. |
Vật vã mùa nước cạn
Giờ sông Trà chỉ còn trơ đáy, nước rút đi để lại những khoảng đất nứt nẻ, thuyền bè tạm gác lại những chuyến buông câu, những mẻ lưới cũng vì đó mà thưa dần... Cuộc sống của hơn 100 nhân khẩu xóm vạn chài nơi bãi sông Trà này ngày càng trở nên vất vả, khốn khó hơn. Người già và trẻ em thì lặn lội từ sáng tới trưa, tới chiều tối bắt con cua con ốc qua ngày. Đàn ông, đàn bà có sức thì đi lượm ve chai, đi bốc vác thuê, hay khá hơn thì đi đào đãi cát sỏi thuê cho người ta.
Sông Trà mùa nước cạn, lũ trẻ cũng tranh thủ xuống lòng sông bắt ốc. |
Nước sinh hoạt với những người dân ở đây cũng trở thành một thứ xa xỉ. Họ phải mua nước với giá 10.000 đồng/can loại 20 lít từ trên bờ. Nước mua này chỉ dùng để ăn uống, còn sinh hoạt và tắm rửa thì hướng thẳng ra sông. Họ dùng nước múc từ dòng sông Trà đục ngầu, lắng phèn cặn rồi mới dùng được. Việc tắm giặt cũng múc nước sông lên dùng, ngay cả việc vệ sinh cá nhân cũng dựa vào dòng sông. Nhưng giờ lòng sông đã cạn, việc sinh hoạt và tắm giặt là cả một vấn đề.
Người dân quanh năm chỉ sống dựa vào dòng sông, họ phải lo từng bữa ăn. Cứ thế, họ lại phải bám trụ lấy “ngôi nhà nổi” của mình ngày qua ngày, mùa tiếp mùa, kiếp cha rồi đến đời con trong vòng quay quắt của số phận. Mùa này, nhiều đứa trẻ cũng tranh thủ xuống lòng sông cạn để bắt ốc. Bé Hoài hơn 12 tuổi cùng một lứa với những đứa trẻ đen nhẻm, đứa tóc đỏ hoe, mặc quần cộc, chạy bươn tìm con ốc nhô trên cồn cát. Ngoài xa, con nước sâu đến đầu gối người lớn, những người mẹ, người chị với đôi tay thoăn thoắt cào don, cào hến để kiếm được 30 ngàn/ngày. “Đỡ phải vào Nam buôn bán! 30 năm rồi chứ đâu phải bây giờ. Dòng sông đã cho tôi chén cơm và nhiều thứ khác!”, một chị cười đon đả. Ở dòng sông Trà này, có một bộ phận dân nghèo còn mưu sinh bằng việc vật vã trên sông hằng ngày như thế. Ấy vậy mà khúc sông Trà này ngàn năm vẫn chảy. Các loài thủy hải sản cứ sinh sôi. Bao lớp người trên xóm nổi này đã chọn con sông làm nơi mưu sinh thay ruộng, vườn. Chuyện bắt ốc, cào don đã đi vào giấc mơ, bước vào giảng đường đại học của tuổi trẻ. Chuyện kéo cá, giăng chài, đào trùn nước... đã làm thay đổi bao số phận nghèo khó.
Nhưng chỉ buồn một nỗi, vài chục năm trở lại đây, con sông Trà đã không còn trong xanh nữa. Dòng nước chuyển màu đỏ ngầu, cạn kiệt mùa khô và luôn dữ dằn thác lũ mùa gió bão. Cá tôm cũng kiệt dần, người làm nghề chài lưới lên bờ trú ngụ đổi kế sinh nhai, phường vạn chài mịt mờ dấu tích. Ngày xưa, mỗi lần ra bến, ai cũng muốn được trầm mình xuống dòng nước mát trong, bây giờ thì không thể. Con nước bị tước đoạt đi sự trong trẻo tinh khôi cố hữu. Nhìn đôi bờ loang lổ những vết lở bồi, dòng nước khô kiệt u uẩn, chảy yếu ớt vòng quanh những cồn cát nhô lên từ đáy sông mà nhói lòng. Sông như một người phải mang trên mình hàng triệu vết thương trầm kha đang quằn quại chảy. Tôi buột miệng: “Chẳng lẽ sông bây giờ lại thế này sao?”. Một ông lão nhìn dòng sông rồi than thở: “Lâu lâu cậu mới đến nên không biết đó thôi! Có lên tận đầu nguồn mới hiểu căn nguyên của nó. Nào nhà máy thủy điện rồi những công ty khai thác vàng sa khoáng, khai thác gỗ... Người ta ngăn dòng giữ nước, người ta đào bới, người ta cày ủi. Còn chi sông nữa hả cậu?”...
Chiều trên triền Trà Khúc, thấy con người lặng lẽ đổi thay và dòng sông cũng đã đổi thay, chỉ nỗi khó nghèo và lam lũ vẫn như cũ. Hoàng hôn đổ xuống, những bóng người cặm cụi mưu sinh cứ chập chờn mờ tỏ và hun hút ánh mắt của những đứa trẻ nhìn mơ màng về phía ánh đèn rực rỡ, lúc gần lúc xa, phía thành phố Quảng Ngãi sát bên bờ sông Trà.
Bài và ảnh: Gia Ly