Sống tối giản và sẻ chia

28-05-2021 17:49 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - người sáng lập kiêm Chủ tịch công ty cổ phần sách Thái Hà – Thai Ha Books.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - người sáng lập kiêm Chủ tịch công ty cổ phần sách Thái Hà – Thai Ha Books

Từ đâu mà ông có sự đồng hành nhanh chóng và hiệu quả với nghĩa cử ban đầu là ủng hộ 10 tấn gạo ủng hộ đồng bào Bắc Giang Bắc Ninh theo lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế ?

Trong thời gian qua tôi theo dõi rất sát những hoạt động của ngành y tế, của Bộ Y tế và của cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long. Tôi cảm nhận được sự quan tâm thực sự của ngành y tế và của Bộ trưởng đối với sức khỏe nhân dân. Điều đó chạm vào trái tim tôi. Nghe tin Bộ trưởng kêu gọi, tôi không suy nghĩ mà ủng hộ ngay lập tức. Thật sự là do dịch bệnh COVID-19 hoành hành, doanh nghiệp nào cũng khốn khó, mỗi cá nhân đều thấy tài chính khó hơn.

Thái Hà Books là doanh nghiệp xuất bản sách mà ngành này nuôi được nhân viên, giữ được cán bộ không bỏ việc đã khó, nhưng tôi quyết ngay là ủng hộ gấp 10 tấn gạo. Tôi quyết và làm ngay không phải để khoe, hay để quảng bá, mà để nói rằng, một đơn vị xuất bản bé tí của một ngành khó khăn trong lúc khốn khó thế này còn góp được chút tâm, mở được lòng ra thì không lẽ nào mọi người đứng ngoài khoanh tay đứng nhìn!

COVID-19, từ khóa đó gợi cho ông những cảm xúc và suy nghĩ gì ?

Khủng khiếp. Tôi đang làm dự án ATM SỰ TỬ TẾ - Sharing Rice Together để  mang những hạt gạo thân thương của Việt Nam ta đến với các nước lân cận như Ấn Độ, Nepal, Myanmar, Campuchia,… và mới mở được chục điểm nên theo dõi rất sát sao tình hình trên thế giới. Dùng từ khủng khiếp có thể chưa diễn tả hết tâm tôi. Rồi với vị trí uỷ viên BCH Hội Xuất bản Việt Nam chuyên về bản quyền và quan hệ quốc tế, hàng ngày tôi được cập nhật tình hình ảnh hưởng của COVID-19 đến tất cả các nước ASEAN cũng như các đồng nghiệp và đối tác từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Thái Hà Book ủng hộ 10 tấn gạo cho Bắc Ninh và Bắc Giang phòng, chống COVID-19 (24/5/2021)

Tôi thật sự thấy lo lắng và cần phải làm gì đó, cần kêu gọi mọi người làm gì đó và cần phải xắn tay vào làm, làm ngay lập tức, không cần suy nghĩ. Nhiều đồng nghiệp của tôi mới đây còn họp với tôi ở các hội nghị tại Frankfurt, London, Bologna, Tokyo, Istanbul, Doha, Jakarta… họ đang rất khoẻ, giỏi giang, nổi tiếng, tâm huyết, đóng góp lớn, vậy mà đã không còn nữa. Quả thật cái chết đến bất ngờ và không thể điều đình được với thần chết.

Những công việc mà ông và cộng sự đã làm vì cộng đồng trong năm qua, sau sự xuất hiện của COVID-19?

Năm 2020 tôi tình cờ biết ở Sài Gòn có ATM gạo miễn phí. Tôi nghĩ, tại sao ở Hà Nội lại không có. Tôi nghĩ phải làm ATM gạo bằng chân. Tay dễ lây lan COVID nên khi gặp chào nhau chúng tôi khi đó hoặc chạm 2 chân vào nhau hoặc chạm 2 khuỷu tay. Bàn tay lây lan nhanh lắm. Thế thì không thể nhấn nút tay được mà phải dận chân. Thế rồi hàng chục ATM gạo miễn phí bằng chân đã được ra đời và xuất hiện tại rất nhiều tỉnh thành trên cả nước (chứ không chỉ có mấy máy ở HN) như Bắc Ninh (2 máy cho 2 khu công nghiệp), Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Hoà Bình, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Phú Yên, Thái Bình…

Những tỉnh không lắp được hoặc không lắp kịp, chúng tôi cho gạo chở đến phát tận nơi như Điện Biên, Thanh Hoá, Quảng Bình, Huế… Tôi tạm tổng kết lại và thấy quãng hơn 1.000 tấn gạo được phát tặng. Tôi xúc động nhất khi gạo chạy tại máy ATM ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình, có chị Điều, người dân tộc Mường là trưởng thôn Cột Bài đã tặng tôi câu “Hết gạo dận chân được tặng 3 cân gạo, ôi sướng quá anh Hùng ơi”.

Song song với ATM gạo bằng chân, cũng tháng 4/2020 có Tết Sách và Ngày sách Việt Nam, tôi nghĩ ngay làm ATM sách miễn phí. Gạo là cho ấm bụng, để nuôi thân còn sách mới cho trí thức nuôi não, mới là vấn đề cốt lõi. Vậy là cũng như ATM gạo, sau đúng 3 ngày lọ mọ cho ra mắt ATM sách miễn phí và cứ thế tặng sách từ đó đến nay. Hàng ngàn cuốn sách đã âm thầm được bạn đọc đến ấn nút để nhận. Thế là giúp bà con, đồng bào chăm sóc cả thân lẫn tâm, cả thể chất lẫn tinh thần. Vui lắm

Đó là năm ngoái. Còn năm nay, VN kiểm soát rất tốt COVID nhưng các nước thì phức tạp quá. Tâm tôi thúc giục giúp các nước khác, mang gạo VN ra thế giới, ít nhất thế giới cũng hiểu tình yêu thương và tấm lòng người VN đẹp và rộng mở thế nào. Và thế là sau 1 tuần đã có 9 điểm tặng gạo tại 5 nước là Ấn Độ, Nepal, Srilanka, Myanmar, và Campuchia.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã kêu gọi các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các cơ quan, doanh nghiệp, các tập đoàn và người dân trong cả nước thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ hướng về tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cùng hỗ trợ, chia sẻ với hai tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch này, giúp hai tỉnh đối phó với dịch một cách hiệu quả. Trong những nghĩa cử đầu tiên, có sự góp sức của công ty cổ phần sách Thái Hà (Thái Hà Books) với 10 tấn gạo ủng hộ, món quà đã được trao tặng ngày 24/5/2021

Trong quá trình làm những công việc thiện nguyện, ông thấy điều khó khăn nhất là gì ?

Thời gian không đủ. Chạy đua với thời gian. Khó lắm. Nản là bỏ cuộc luôn. Thứ hai là nhân lực. Ai cũng bận. Rồi ai cũng sợ nữa. Đơn giản nói thật nhé, khi anh Long Bộ trưởng mời tôi đi Bắc Ninh và Bắc Giang tôi nghĩ mãi. Gạo 10 tấn thì  đầu giờ chiều nhận điện thoại, chiều tối đã có xe, có lái, đóng xong 10 tấn ngon lành. Nhưng có đi hay không. Đi về thì cách ly. Cách ly thì ai lo công việc cho? Nghĩ lại 2020 mà thấy tôi quá liều mạng huy động 100 % nhân viên công ty sách Thái Hà nghỉ việc, bỏ việc đi mở ATM gạo khắp nơi. Quá nguy hiểm.

Còn nhiều khó khăn khó có thể chia sẻ trong phạm vi một bài báo. Nhưng tâm tôi luôn nhớ nằm lòng: Thiện pháp là gánh nặng. Vì là gánh nặng nên không phải ai cũng gánh được.

Hãy cho biết về thói quen đọc sách của ông và những loại sách ông hay đọc? Theo ông, sách và những giá trị tinh thần có ý nghĩa như thế nào trong thời mà dịch bệnh đang hoành hành và phủ bóng đen lo âu lên cuộc sống của chúng ta ?

Tôi đọc hàng ngày. Tôi tỉnh giấc thường quãng 3 đến 4 giờ sáng và tọa thiền. Đến 5h30 xả thiền và tập yoga, khí công hay dưỡng sinh. 6h đọc sách đến 6h30 ăn sáng và đi làm. Vì làm việc ở đơn vị xuất bản, mỗi tháng ra trên chục đầu sách mới và tái bản quãng ba bốn mươi đầu nữa nên ở cơ quan thì tha hồ đọc rồi. Tối tranh thủ 1,2 tiếng để đọc. Tôi hay đọc sách về vũ trụ, tôn giáo, lịch sử. Bây giờ đọc nhiều về Phật giáo, sách để khoẻ mạnh mà hạn chế thuốc tây rồi sách lãnh đạo, quản trị, sách dành cho các bé và cách nuôi dạy các bé.

Tôi tha thiết mong muốn mọi người bớt lướt web, bớt “nấu cháo” mạng xã hội đi mà dành thời gian để đọc sách.

Ông có lời khuyên nào về việc sống khỏe, sống vui ?

Sống thật, sống tử tế. Tâm là cực kỳ quan trọng. Tâm làm chủ, tâm dẫn đầu các pháp mà. Tâm thư giãn, thảnh thơi, bớt ham muốn và biết hài lòng với những gì mình có, không so sánh mình với bất cứ ai vì mỗi người là  duy nhất trên thế gian này. Nếu có cơ hội giúp bất cứ ai thì giúp ngay. Giúp vô tư. Đơn giản là giúp trong khả năng của mình.

Tôi thích thiên nhiên nên bây giờ sống ở nơi xa cơ quan hơn 50 km và xung quanh là 2 héc-ta cây xanh, rau trái bốn mùa, chim hót, hoa nở, suối chảy, mây bay, trời xanh, gió mát. Có một cái nhà sàn mua của người Mường họ bỏ đi để xây nhà gạch. Đơn giản lắm. Sống theo kiểu của cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”.

Luôn thở sâu và thiền (muốn sống lâu phải thở sâu). Nên thiền. Thiền là chánh niệm là tỉnh giác. Thiền là chú tâm là tập trung. Thiền cho ta tỉnh táo sáng suốt, khoẻ mạnh an vui. Nếu thiền tốt chỉ cần vào sơ thiền là có hỷ lạc rồi mà hỷ lạc và an và vui thì đời đẹp lắm. Khi có hỷ và lạc ta chỉ có thể làm việc thiện thôi, không làm ác được nữa đâu. Và lúc nào cũng hạnh phúc. Mục tiêu của bất cứ ai, giàu nghèo, ngu trí… chỉ là để có hạnh phúc thôi mà.

Cuối cùng, mong tất cả cùng mở tâm mình ra. Hãy góp dù chỉ 10 ngàn đồng thôi cũng quý rồi, bởi 10 ngàn cũng mua được 7 lạng gạo, đủ nấu một bữa cho những người đang khổ hơn mình, với thời điểm này cụ thể là nhân dân Bắc Giang, Bắc Ninh. Hãy tạm ngừng mua cái áo, đôi giày… để sẻ chia với những người kém may mắn hơn ta đang ở trong tâm dịch. Bởi bạn đâu biết, bao giờ đến lượt mình. Bởi như tôi nói ngay từ đầu, COVID không trừ một ai. Thành ngữ của người Tây Tạng có câu: Không ai biết ngày mai đến trước hay kiếp sau đến trước.


Võ Hồng Thu
Ý kiến của bạn