Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc chung sống trước hôn nhân là điều bình thường. Theo một nghiên cứu của Trung tâm xác suất sức khỏe Quốc gia Mỹ (NCHS), năm 2015, 67% các cặp vợ chồng hiện tại đã sống cùng nhau trước khi cưới.
Ở Việt Nam, nếu như trước đây, vấn đề này gặp khá nhiều chỉ trích và định kiến thì hiện tại, góc nhìn về sống thử đã có phần rộng mở hơn. Với nhiều người trẻ, sống thử cho phép họ tìm hiểu về nửa kia trước khi có sự ràng buộc về mặt pháp lý. Chung sống giúp các cặp đôi phát hiện những điểm không tương đồng, từ đó quyết định xem hai người có đủ yêu nhau để thỏa hiệp, thay đổi cuộc sống cá nhân cho phù hợp với lối sống chung hay không. Ngoài ra, sống thử tạo điều kiện cho người trẻ thảo luận về cách phân bổ trách nhiệm trong hôn nhân sau này.
Theo Khánh Lê (27 tuổi), có thể lựa chọn sống thử khi hai người đều có cuộc sống cá nhân vững chắc. "Theo tôi, yêu và cưới là hai chuyện rất khác nhau. Sống thử thì chưa phải cưới nhưng đây sẽ là khoảng thời gian tìm hiểu thực chất về cuộc sống hôn nhân. Thói quen sinh hoạt và quan điểm sống khác nhau sẽ dần được bộc lộ, sự phân chia tài chính cũng cần phải xem xét,... Nếu không thể hòa hợp, việc 'dứt áo ra đi' cũng sẽ dễ dàng hơn là quyết định ly hôn".
Tuy nhiên, sống thử không phù hợp với tất cả mọi người. Việc sống chung có thể dẫn đến hậu quả khôn lường như lạm dụng, bạo hành hay có thai ngoài ý muốn. Quyết định sống thử cũng có thể bắt nguồn từ những động cơ sai trái, ví dụ lựa chọn sống chung chỉ để thỏa mãn dục vọng nhất thời.
Chia sẻ với Sức khoẻ và Đời sống, Ngọc Quỳnh (21 tuổi) cho biết: "Em nghĩ phần lớn sinh viên không nên sống thử bởi họ chưa thể tự chủ, chín chắn để quyết định có muốn sống với ai lâu dài hay không. Ngoài ra, với những định kiến từ xã hội, một số bạn cùng tuổi với em giấu gia đình, bạn bè chuyện sống cùng người yêu. Đến khi gặp rắc rối trong chuyện sống thử, họ không thể chia sẻ hay tìm sự giúp đỡ từ ai".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, không nên dùng từ 'sống thử', bởi điều các cặp đôi trải qua là chung sống thật sự. Việc chung sống như vậy cũng có những mặt lợi, ví dụ như có sự hỗ trợ lẫn nhau về mặt tài chính, hay dễ dàng chăm sóc cho nhau. Ngoài ra, yêu và được sống với người mình yêu, bản thân nó đã là một trải nghiệm hạnh phúc.
Tuy nhiên, nếu người trong cuộc chưa có sự sẵn sàng về mặt vật chất và tinh thần, việc chung sống cũng sẽ đem đến rất nhiều thách thức. "Nếu các bạn chưa độc lập về mặt tài chính, chung sống sẽ khiến hai bạn dễ phụ thuộc vào nhau. Ở mặt tiêu cực, điều này gây ra những đứt gãy trong mối quan hệ. Thêm vào đó, khi chung sống trước hôn nhân, mối quan hệ sẽ không được luật pháp, cộng đồng thừa nhận là 'chính thức'. Nếu có những bất đồng, xung đột, tranh chấp; thì không có thiết chế nào như Luật hôn nhân và gia đình đứng ra bảo vệ người trong cuộc. Đây sẽ là thách thức lớn nếu các bạn chưa sẵn sàng về mặt tinh thần", Tiến sĩ Minh cho hay.
Ngoài ra, các cặp đôi không nên sống chung nếu không có kiến thức về tình dục an toàn. Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh chia sẻ: "Việc thiếu kiến thức về tình dục sẽ có thể dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Điều này khá phức tạp với các cặp đôi lựa chọn chung sống trước hôn nhân, bởi khi hai người chưa sẵn sàng kết hôn thì cũng khó có thể sẵn sàng trở thành cha mẹ. Nếu còn đang đi học, hay không có sự độc lập vững chắc về tài chính,... cặp đôi dễ rơi vào tình trạng khó khăn, và sự hỗ trợ của những người xung quanh có thể cũng không hiệu quả".
Việc sống thử là đúng hay sai không có câu trả lời chính xác, bởi kết quả phụ thuộc vào mối quan hệ của mỗi cặp đôi. Tuy vậy, các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn sinh viên còn đang đi học, trước khi quyết định về chung một nhà nên xem xét thật kỹ những thách thức của sống thử và có cho mình sự chuẩn bị tốt nhất để không đặt bản thân vào tình thế khó khăn.
Xem thêm video được quan tâm:
Vừa bị khám xét, công ty F88 bị đưa vào diện ban chỉ đạo chống tham nhũng theo dõi