Hà Nội

Sống thọ khỏe mạnh: Những mốc cần lưu ý...

07-01-2021 20:45 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nhiều yếu tố tạo nên một lối sống lành mạnh và bạn bắt đầu xây dựng các thói quen này càng sớm càng tốt. Cho dù khi 8 tuổi hay 80 tuổi, sau đây là những điều cần thiết để kéo dài tuổi thọ và làm cho tuổi thọ của bạn khỏe mạnh…

Trẻ em: Rèn luyện thói quen tốt từ sớm

Hãy dạy con bạn những thói quen sống lành mạnh ngay từ nhỏ để giúp chúng sống lâu. Hãy nêu gương bằng cách nấu và ăn một chế độ ăn nhiều trái cây, rau, các sản phẩm từ sữa ít béo, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt. Giữ cho trẻ năng động bằng cách hạn chế thời gian xem tivi và khuyến khích chúng đi bộ, đạp xe và chơi trò chơi ngoài trời. Nếu mọi việc suôn sẻ, con bạn sẽ lớn lên khỏe mạnh và sẽ muốn duy trì những thói quen này cho đến khi trưởng thành.

Trẻ vị thành niên: Dạy về mối nguy hiểm của thuốc lá, rượu bia

Thuốc lá và rượu bia là 2 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong có thể phòng tránh được. Hãy nói chuyện với con về việc uống rượu và hút thuốc ngay từ sớm - bạn có thể dạy con nhiều hơn ở những lớp cuối cấp tiểu học, nhưng hãy tiếp tục vấn đề này khi chúng lớn hơn. Khuyến khích con bạn hỏi nhiều câu hỏi và trở thành người bạn đồng hành tư vấn cho con khi con phân vân liệu có nên dùng thử rượu hay thuốc lá. Trò chuyện cởi mở với con là chiến lược tốt nhất của bạn để ngăn chặn việc sử dụng rượu và thuốc lá của chúng và giúp chúng sống lâu.

Để sống thọ, cần xây dựng chế độ ăn nhiều trái cây ngay từ khi còn nhỏ.

Để sống thọ, cần xây dựng chế độ ăn nhiều trái cây ngay từ khi còn nhỏ.

Những năm 20 tuổi: Tăng cường sức khỏe xương khớp

Một lối sống lành mạnh được xây dựng dựa trên chế độ dinh dưỡng tốt và tập thể dục thường xuyên từ khi còn trẻ sẽ giúp xương của bạn phát triển chắc khỏe và có các thói quen duy trì sức khỏe của xương khi còn trẻ sẽ tăng cơ hội có xương chắc khỏe trong thời gian dài. Ở độ tuổi 20 trở đi, hãy đảm bảo rằng bạn đang nạp nhiều canxi giúp tăng cường sức khỏe của xương thông qua các sản phẩm sữa ít béo hoặc không béo, rau lá xanh đậm và thực phẩm được tăng cường canxi. Bạn cũng có thể giúp xương chắc khỏe bằng cách thường xuyên thực hiện các bài tập thể dục có trọng lượng như đi bộ, chạy bộ, đánh tennis và khiêu vũ.

Ở độ tuổi 30: Đi khám sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ hàng năm để theo dõi huyết áp, cholesterol và các dấu hiệu quan trọng khác có thể cung cấp cảnh báo sớm về bất kỳ tình trạng sức khỏe nào cần được điều trị. Các bệnh như tiểu đường, cholesterol cao, hoặc huyết áp cao được chẩn đoán và điều trị càng sớm thì càng ít gây hại cho cơ thể bạn. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để quản lý tình trạng sức khỏe thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục hoặc thuốc có thể giúp tăng tuổi thọ.

Ở tuổi tứ tuần: Duy trì cân nặng hợp lý

Khi chúng ta già đi, cơ thể thay đổi và nguy cơ thừa cân tăng lên. Thừa cân có thể làm giảm tuổi thọ của bạn vì nó làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và các bệnh mạn tính khác. Hãy ngăn ngừa tăng cân khi bạn già đi bằng cách tập trung ăn các loại thực phẩm tốt cho bạn và tập thể dục đủ để đốt calo mà bạn nạp vào. Hãy thường xuyên kiểm tra cân nặng và điều chỉnh chế độ sống hợp lý trước khi quá muộn.

Ở tuổi 50: Khám tầm soát ung thư

Mặc dù bạn nên bắt đầu kiểm tra lượng cholesterol, huyết áp và khám tầm soát ung thư cổ tử cung khi bạn còn trẻ, các xét nghiệm sàng lọc khác nên được thực hiện thường xuyên hơn khi bạn cao tuổi để phát hiện sớm một số bệnh ung thư. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, phụ nữ nên bắt đầu chụp nhũ ảnh thường xuyên ở tuổi 40 để phát hiện ung thư vú. Cả nam giới và phụ nữ nên bắt đầu tầm soát ung thư đại trực tràng ở tuổi 50. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về các kỳ kiểm tra quan trọng khác mà bạn có thể cần, chẳng hạn như kiểm tra mật độ xương để tìm loãng xương, kiểm tra thính giác và kiểm tra thị lực...

Ở tuổi 60: Tiêm vắc-xin

Tiêm phòng là một phần quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh tật ở mọi lứa tuổi, nhưng tiêm vắc-xin cúm và viêm phổi thậm chí còn quan trọng hơn ở độ tuổi 50 và 60. Nguy cơ phải nhập viện do cúm gia tăng đáng kể ở những người lớn tuổi, và hầu hết những người chết vì cúm hoặc viêm phổi đều trên 65 tuổi. Hãy tiêm phòng cúm hàng năm; trong hầu hết các trường hợp, nếu bạn trên 65 tuổi, mũi tiêm viêm phổi sẽ chỉ là mũi tiêm một lần. Bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc chủng ngừa để giúp tránh bệnh zona.

Ở tuổi 70: Giữ đầu óc nhạy bén

Khi chúng ta già đi, không có gì lạ khi chúng ta bắt đầu gặp vấn đề với trí nhớ. Bạn có thể giúp đầu óc nhạy bén trong những năm tháng sau này bằng cách thường xuyên rèn luyện cơ thể và rèn luyện trí não như: đọc sách, bắt đầu một thú vui mới hoặc thậm chí là đi học... Các thói quen sống lành mạnh khácbạn cần duy trì bao gồm không hút thuốc, hạn chế uống rượu, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ và dành thời gian cho những người thân yêu.

Ở tuổi 80 và xa hơn nữa: Ngăn ngừa té ngã

Té ngã là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến thương tích ở người lớn tuổi, nguy cơ té ngã sẽ tăng lên khi già đi. Ngã đặc biệt nguy hiểm vì nó có thể làm gãy xương. Các bài tập thăng bằng thường xuyên và kiểm tra thị lực có thể giúp giảm nguy cơ té ngã và tăng tuổi thọ. Hãy hỏi bác sĩ xem liệu có bất kỳ loại thuốc nào bạn dùng có thể làm tăng nguy cơ té ngã không và bạn có thể làm gì để khắc phục. Hãy làm cho ngôi nhà của bạn an toàn hơn bằng cách cải thiện ánh sáng và loại bỏ các chướng ngại vật có thể gây vấp ngã như thảm diện tích nhỏ và dây điện lỏng lẻo...


BS.Nguyễn Bích Ngọc
Ý kiến của bạn