Không đăng ký, không di chuyển, tài khoản VETC bất ngờ trừ tiền cước đường bộ theo tháng
Dịch vụ thu phí không dừng của VETC (Công ty Thu phí Tự động VETC) tích hợp công nghệ tự động nhận diện phương tiện khi đi qua các trạm thu phí. Dịch vụ này được liên kết vào tài khoản giao thông, giúp chủ xe không cần dừng lại mua vé tại các trạm thu phí như phương thức truyền thống, nhằm giảm ùn tắc, tiết kiệm thời gian, nhiên liệu.
Tùy vào tần suất di chuyển mà chủ xe đăng ký thanh toán cước đường bộ theo từng lần qua trạm hoặc theo quý, hoặc theo tháng.
Tuy nhiên, ngày 17/3 vừa qua, phóng viên Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) nhận phản ánh của chị L.T.T.H (30 tuổi, ở KĐT Vinhomes Ocean Park Gia Lâm, TP Hà Nội) về việc tài khoản VETC lần lượt bị trừ tiền cước đường bộ theo tháng tại trạm An Sương An Lạc (TP Hồ Chí Minh) dù xe này của chị H không di chuyển trong khu vực miền Nam và chị H không đăng ký thanh toán cước đường bộ VETC theo tháng.
Cụ thể, ngày 23/2, chị H nhận thông báo trừ cước đường bộ từ tài khoản VETC là 420.000 đồng với xe ô tô 30K - 082.xx có hiệu lực từ 23/2/2024 đến 23/3/2024 tại trạm An Sương An Lạc (tin nhắn báo hồi 15h41 phút).
Sau đó, ngày 25/2, chị H liên hệ hotline tổng đài của VETC để phản ánh, làm rõ thì nhận được phản hồi rằng: Do chị H báo muộn nên trạm An Sương An Lạc không hỗ trợ hoàn lại tiền. Phía VETC tiếp tục khẳng định do chủ tài khoản tự đăng nhập mua.
Đến ngày 17/3, tài khoản VETC của chị H tiếp tục báo tin trừ 420.000 đồng cước đường bộ xe ô tô 30K - 082.xx hiệu lực từ 24/3/2024 đến 22/4/2024 tại trạm An Sương An Lạc (tin nhắn báo hồi 14h33 phút).
Chị H khẳng định phương tiện gia đình chưa bao giờ di chuyển trong khu vực miền Nam và cũng không đăng ký dịch vụ thu phí không dừng theo tháng/quý.
Chị H bức xúc: "Sau lần phản ảnh thứ nhất, tôi muốn hủy dịch vụ thu phí không dừng của VETC, để chuyển sang dịch vụ của đơn vị khác nhưng được yêu cầu là phải sang trụ sở tại Phạm Hùng để làm thủ tục. Trong khi đó tôi sinh sống ở Gia Lâm, lại đang ở giai đoạn cuối của thai kỳ nên không thể di chuyển quá nhiều".
"Sau thông báo trừ tiền tháng thứ 2, tôi tiếp tục gọi số hotline của VETC để phản ánh thì được nhân viên của VETC trả lời rằng sẽ chuyển thông tin đến bộ phận kỹ thuật để kiểm tra xem thiết bị nào đăng nhập", chị H thông tin và đặt nghi vấn về tính bảo mật dịch vụ thu phí không dừng của VETC.
VETC không trả lại tiền vì xuất hiện thiết bị lạ đăng nhập và chỉ là đơn vị thu hộ
Ngày 22/3, trong buổi làm việc với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, bà Vũ Thị Yến – Phó Giám đốc Trung tâm Khách hàng, Công ty Thu phí Tự động VETC cho biết, đơn vị đã khẩn trương phối hợp ngay với trạm thu phí An Sương An Lạc để hỗ trợ hủy vé và hoàn cước tháng 3/2024 cho chị H.
Theo bà Yến, ngay sau khi tiếp nhận phản ánh của khách hàng, VETC đã tiến hành họp khẩn để hỗ trợ trường hợp này. VETC khẩn trương kiểm tra trên hệ thống, cho kết quả, tài khoản giao thông của chị H mở và kích hoạt dịch vụ từ năm 2022. Trong thời gian tháng 1, 2 và 3/2024, tài khoản giao thông của chị H có nhiều thiết bị đăng nhập cùng lúc, bao gồm Iphone, Samsung và Xiaomi. Hơn nữa, khi sử dụng dịch vụ, chị H không đăng nhập bằng FaceID và vân tay.
Do đó, ngay khi tiếp nhận ý kiến của chị H vào ngày 25/2 (sau 2 ngày chị H nhận thông báo trừ tiền tháng/quý lần 1), VETC đã khuyến cáo khách hàng thay đổi mật khẩu và tăng tính bảo mật trên ứng dụng để tránh việc thiết bị khác tiếp tục đăng ký vé tháng tiếp theo.
Sở dĩ vì sao VETC khuyến cáo khách tăng bảo mật, thay mật khẩu ứng dụng, theo bà Yến, thứ nhất, việc đăng ký thanh toán cước đường bộ theo tháng không tự động gia hạn cho tháng tiếp theo. Nghĩa là, khách hàng có nhu cầu ra vào trạm BOT nhiều lần ở tháng/quý tiếp theo, thì tiếp tục thao tác đăng ký trên ứng dụng VETC cho tháng tiếp theo.
Thứ hai, đối với vé lượt, mỗi lượt qua trạm, thiết bị cầm tay của khách hàng nhận được thông báo trừ cước trên mỗi lần qua trạm đó nhưng đối với vé tháng/quý, ứng dụng VETC sẽ không thông báo đến khách hàng. Việc này nhằm tránh làm phiền, gây mất tập trung đến khách bởi có thể trong tháng đó, dù vé tháng chỉ có giá 420.000 đồng nhưng tần suất di chuyển của khách lên đến hàng trăm, ngàn lần.
Mấu chốt này rất có thể khiến khách hàng quên nhanh việc đã kích hoạt vé tháng/quý. Cho đến tháng 3/2024, một thiết bị khác tiếp tục đăng ký vé tháng/quý tại trạm An Sương An Lạc, chị H tiếp tục nhận được thông báo trừ cước và thông báo trong ngày thì VETC mới kịp thời hỗ trợ xử lý, hoàn lại tiền ngay.
Về việc vì sao VETC không thể hoàn tiền vé tháng/quý của chị H trong tháng 2/2024, bà Yến cho biết, VETC có đơn vị chủ quản là BOT với 112 trạm thu phí, tương ứng với 112 trạm BOT, VETC có hợp đồng cung cấp dịch vụ thu hộ cho BOT.
Vì vậy, khi khách hàng thanh toán xong, lập tức hai bên tiến hành đối soát, chốt doanh thu trong ngày và ngay ngày hôm sau, VETC phải chuyển toàn bộ tiền thu được của ngày hôm trước đến BOT theo hợp đồng (ngày làm việc tiếp theo T+1, không được thanh toán T+2). Do đó, việc chị H bị trừ tiền trong ngày 23/2 mà đến 25/2 chị H mới phản ánh đến tổng đài thì VETC không thể kịp thời hỗ trợ chị H hoàn lại tiền.
Hơn nữa, nếu chị H thực hiện thay đổi mật khẩu, tăng bảo mật tài khoản trên ứng dụng, chắc chắn, tài khoản của chị H không tiếp tục bị đăng ký cước đường bộ lần 2 theo tháng/quý.
Bà Yến khẳng định, việc tra soát tài khoản của khách hàng thao tác đăng ký ở vùng/phạm vi nào thì chỉ Bộ Công an mới có thể can thiệp. Bởi trên hệ thống VETC, các thông tin cá nhân của khách đều được mã hóa, chỉ hiển thị tên, 3 số cuối điện thoại, tài khoản giao thông của khách và tên thiết bị đăng nhập.
Bà Yến thông tin thêm, chủ tài khoản VETC không cần trùng với chủ xe, bởi xe ô tô ở Việt Nam mua đi bán rất nhiều, hơn nữa, nhiều người mua xe nhưng không sang tên đổi chủ. Hơn nữa, chị H đang kinh doanh vận tải với ít nhất 2 xe di chuyển thường xuyên. Trong khi đó, dịch vụ VETC là trả trước. VETC không quản lý người nào mua vé, thiết bị nào mua vé, cũng không yêu cầu chủ tài khoản giao thông với chủ tài xe là một; cũng không yêu cầu thông tin khách hàng trùng với thông tin căn cước công dân, thông tin đăng ký xe. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong di chuyển, mua vé trực tiếp.
Ví dụ, hai vợ chồng có thể sử dụng chung 2 tài khoản giao thông cho cả 2 xe.
Hơn nữa, khách hàng hoàn toàn chủ động đăng nhập trên ứng dụng để mua vé hoặc ủy quyền cho người khác mua vé. VETC không can thiệp vì khách có nhu cầu dùng VETC tháng/quý thì kích hoạt, mà kích hoạt được vé tháng/quý thì phải thao tác 6 bước, bao gồm: Đăng nhập ứng dụng; chọn biển số xe; chọn trạm cần mua; chọn vé tháng/quý; chọn ngày hiệu lực của vé tháng/quý; nhấn thanh toán rồi chọn nguồn tiền từ VETC hay từ nguồn mobile-banking khác. Sau đó, khách phải nhập mã Captra từ màn hình thì thao tác đăng ký vé tháng/quý mới có hiệu lực.
"Hệ thống thông tin của VETC được đánh giá, kiểm thử an toàn, cập nhật định kỳ và liên tục. Hệ thống giám sát an toàn thông tin 24/7 đảm bảo phát hiện sớm nhất các sự cố, mối đe dọa về an toàn thông tin cho hệ thống. Do đó, hệ thống của VETC không thể bị tấn công từ bên ngoài và cả bên trong. Điều đặc biệt là sau khi VETC hoàn tất hủy vé tháng 3 và chị H cập nhật mật khẩu mới, tăng tính bảo mật tài khoản giao thông trên ứng dụng, hệ thống vẫn nhận được thông báo thiết bị cầm tay khác không phải Iphone của chị H cố gắng đăng nhập tài khoản giao thông của chị H. Điều này có thể trong một khoảng thời gian nào đó, chị trong lúc vội nạp tiền, chị H không thể nạp tiền và cung cấp tài khoản giao thông cho một tài xế hay người nào khác đăng nhập vào tài khoản để nạp tiền", bà Yến cho hay.
Việc chị Huyền sống ở Hà Nội lại bị trừ cước theo tháng ở miền Nam, VETC không trả lại tiền, khách hàng chịu thiệt hay không PV sẽ tiếp tục thông tin rõ vấn đề này ở kỳ sau?