Sóng nổi Bahrain

20-02-2011 09:24 | Quốc tế
google news

“Cách mạng hoa Nhài” đã lan tới Bahrain. Đó là nhận định của các hãng thông tấn lớn trên thế giới khi bình luận những diễn biến chính trị đầy căng thẳng ở quốc gia nhỏ ở vùng Trung Đông này.

“Cách mạng hoa Nhài” đã lan tới Bahrain. Đó là nhận định của các hãng thông tấn lớn trên thế giới khi bình luận những diễn biến chính trị đầy căng thẳng ở quốc gia nhỏ ở vùng Trung Đông này. Song, điều khiến nhiều nước lo ngại hơn là những diễn biến chính trị phức tạp tại Bahrain có thể tác động xấu đến “dòng dầu chảy từ Trung Đông đến thế giới”.

18 nghị sĩ đối lập đã lên tiếng từ chức, các cuộc biểu tình nổ ra khắp nơi ở thủ đô  Manama, con số người chết, bị thương không ngừng tăng và mô týp quen thuộc “Ngày phản kháng”… Tất cả diễn ra dồn dập chỉ trong mấy ngày, khiến Bahrain - một quốc gia nhỏ trở thành điểm nóng mới thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

Vụ việc bắt đầu hôm 14/2 khi đụng độ xảy ra giữa cảnh sát vũ trang với các nhóm thanh niên biểu tình. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông diễu hành tại ngôi làng Newidrat có đông người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống ở khu vực Tây Nam Bahrain khiến nhiều người bị thương. “Giọt nước đã tràn ly” khi hai thanh niên trong đám đông biểu tình thiệt mạng. Ngay lập tức, biểu tình đã lan rộng tại thủ đô Manama khiến người ta liên tưởng đến một cuộc “Cách mạng hoa Nhài” mới.

Như vậy, kể từ khi bùng phát làn sóng biểu tình hôm thứ 2, đến cuối tuần này đã có 6 người chết và 50 người bị thương tại Bahrain. Hàng nghìn người biểu tình đã chiếm giữ quảng trường trung tâm thủ đô Manama từ hôm thứ 3 sau khi hai thanh niên người Hồi giáo dòng Shiite thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ. Làn sóng biểu tình hiện có nguy cơ lan rộng hơn khi phe đối lập xuống đường yêu cầu một sự thay đổi chế độ và thiết lập "một nền quân chủ lập hiến mới" ở quốc gia này. Mặc dù đã thực thi nhiều chính sách, nhưng thực tế cho thấy mâu thuẫn xã hội vẫn len lỏi. Và sự việc ngày 14/2, đã châm ngòi cho những mâu thuẫn sâu xa trong xã hội.

Biểu tình trên đường phố Manama.

Những hệ lụy

Bahrain (trong tiếng A Rập có nghĩa là "Hai Biển") là một hòn đảo tại vịnh Ba Tư, tiếp giáp kênh đào Suez. Trong lịch sử, vị trí chiến lược của quốc gia này đã khiến cho người Assyria, người Babylon, người Hy Lạp, người Ba Tư, và cả người A Rập thèm muốn, luôn tìm cách chiếm quyền kiểm soát và là nguyên nhân gây nên không ít cuộc chiến. Hiện tại, tuy diện tích nhỏ, dân số vẻn vẹn chỉ 1 triệu người, nhưng vị trí địa chiến lược của nó mới là yếu tố khiến thế giới quan tâm.

Hiện Bahrain là nơi đóng quân của Hạm đội 5 của Mỹ. Trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, Bahrain là nơi đóng quân của 30 tàu chiến các loại của Mỹ. Với điểm trú ẩn an toàn này, tàu chiến Mỹ có thể kiểm soát kênh đào Suez và rộng hơn là an ninh vùng Vịnh cũng như khu vực Trung Đông. Quan trọng hơn, kênh đào Suez cũng là nơi vận chuyển 1/5 sản lượng dầu mỏ toàn thế giới. Nếu điểm nóng này vỡ, tất yếu Mỹ sẽ mất đi một đồng minh tin cậy và để “vuột” khỏi tay quyền kiểm soát chính trị và an ninh khu vực. Hơn nữa, nó sẽ tác động xấu đến việc cung ứng nguồn dầu mỏ thế giới. Đây cũng là những yếu tố khiến Mỹ không khỏi lo ngại và có những phản ứng khá thận trọng, chứ không có các phản ứng mạnh mẽ như trường hợp của Tuynisie và Ai Cập.

Tình hình tại Bahrain hiện căng thẳng đến nỗi tại thủ đô Manama, các lực lượng an ninh được đặt trong tình trạng báo động cao nhất về khả năng những người biểu tình có thể đổ ra các tuyến đường chính theo kịch bản giống như Ai Cập hay Tuynisie.

Thách thức mới

Trong con mắt giới phân tích, những diễn biến hiện nay ở Bahrain khiến cụm từ “Cách mạng hoa Nhài” trở nên đáng lo ngại hơn. Các nước láng giềng của Bahrain đang triển khai nhiều biện pháp tức thời để chặn “vết dầu loang”. Trong đó, A Rập Xêut. Algerie đồng loạt dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp ban bố trong gần 2 thập kỷ qua.

A Rập Xêut biết rất rõ  những gì sẽ xảy ra với mình nếu Baharain không thoát khỏi tình trạng sa lầy như hiện nay”,  Marc Valeri, một chuyên gia nghiên cứu vùng Vịnh ở Pháp cho biết. Nhìn từ trường hợp của Tuynisie, Ai cập, rõ ràng “Cách mạng hoa Nhài” đang tạo sóng lớn ở châu Phi, Trung Đông.    

  Quang Anh


Ý kiến của bạn