Điều gì đang xảy ra trên chính trường Đức?
Bà Annegret Kramp - được xem là lựa chọn sáng giá nhất của đảng CDU cầm quyền cho vị trí người kế nhiệm của Thủ tướng Angela Merkel.
Trước mắt, Chủ tịch đảng CDU Annegret Kramp-Karrenbauer vẫn sẽ tiếp tục giữ chức Chủ tịch đảng này cho đến khi tìm được một ứng cử viên mới tranh cử vào chức Thủ tướng.Trước đó, tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo CDU ở Berlin, bà Kramp-Karrenbauer tuyên bố sẽ không tranh cử Thủ tướng trong cuộc bầu cử liên bang năm 2021, đồng thời sẽ sớm từ chức Chủ tịch đảng CDU. Bà nhấn mạnh sẽ thúc đẩy tiến trình đề cử một nhân vật khác đảm nhiệm 2 vai trò này vào mùa hè năm nay.
Bà Kramp-Karrenbauer, người kế nhiệm Thủ tướng Merkel tuyên bố sẽ không tranh cử Thủ tướng Đức vào năm tới.
Bà Kramp-Karrenbauer, 57 tuổi, từng làm Thủ hiến bang Saarland giai đoạn 2011-2018, bà Kramp-Karrenbauer là người có nhiều kinh nghiệm chính trường và có tính cách khá giống với Thủ tướng Angela Merkel. Hồi tháng 12/2018, bà đã giành chiến thắng trước hai đối thủ là cựu lãnh đạo nhóm nghị sĩ CDU tại Quốc hội liên bang Friedrich Merz và Bộ trưởng Y tế Jens Spahn để trở thành Chủ tịch đảng CDU, thay thế bà Angela Merkel.
Thông tin bà Kramp-Karrenbauer rút khỏi cuộc đua tranh chức Thủ tướng được đưa ra giữa lúc vừa xảy ra “cơn địa chấn chính trị” ở bang Thüringen, trong đó ông Thomas Kemmerich, ứng cử viên đảng Dân chủ tự do Đức (FDP) đã trở thành Thủ hiến nhờ lá phiếu của CDU và đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD). Trước sự chỉ trích của dư luận và các chính đảng, ba ngày sau đó, ông Kemmerich đã phải tuyên bố từ chức. Tuy nhiên, việc cùng với đảng dân túy cánh hữu bầu cho một ứng cử viên đã gây ra những chỉ trích trên toàn liên bang, coi đây là việc làm vi phạm điều cấm kỵ lâu nay của CDU, đó là không hợp tác ở mọi cấp độ với AfD.
Vụ việc đã gây chấn động nền chính trị Đức không chỉ bởi những nghị sĩ này đã phạm điều cấm kỵ của đảng, mà còn là điều cấm kỵ trong lịch sử chính trị Đức thời hậu chiến: các đảng truyền thống sẽ không hợp tác với phe cực hữu.
Theo giới quan sát, quyết định của bà Annegret Kramp là sự “trả giá” cho cơn địa chấn chính trị hồi cuối tuần qua khi đảng CDU do bà lãnh đạo và đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cùng bỏ phiếu cho một ứng cử viên trong cuộc bầu cử địa phương ở bang Thüringen. Đây bị xem là điều cấm kỵ của đảng CDU và làm dấy lên cuộc tranh luận về khả năng liên minh giữa phe cánh hữu ôn hòa và phe cực hữu. Giải thích cho kết quả này, bà Annegret Kramp cho biết, một số thành viên của đảng CDU có mối quan hệ “không rõ ràng” với đảng Sự lựa chọn vì nước Đức, trong khi bản thân bà thì luôn có lập trường rõ ràng là bác bỏ mọi liên minh nào như thế.
Qua vụ việc này, uy tín của bà Karrenbauer cũng bị ảnh hưởng mạnh. Theo kết quả cuộc thăm dò do Viện Kantar tiến hành cho tờ Hình ảnh Chủ Nhật (BaS), chỉ có 15% số ý kiến được hỏi cho rằng bà Karrenbauer là người phù hợp để lãnh đạo CDU, trong khi có tới 72% nói bà đã “ngồi nhầm chỗ”. Cũng theo thăm dò, có 33% số ý kiến nói ông Friedrich Merz, cựu Chủ tịch đảng đoàn của CDU/CSU trong Quốc hội, là người phù hợp hơn dẫn dắt CDU.
Tại Đức, AfD là một đảng bài ngoại triệt để, bài tất cả, thậm chí là thù địch chứ ko chỉ là “bài”. Đảng này lớn mạnh và trỗi dậy ở nhiều bang gần đây đồng nghĩa với việc tâm lý bài ngoại của một bộ phận theo phe hữu tại Đức cũng ngày càng lớn mạnh. Cuối những năm 1930, những biến đổi nội bộ chính trị Đức từng dẫn đến kịch bản đảng Quốc xã Đức lên nắm chính quyền dù tỷ lệ phiếu bầu không phải cao nhất, khi các đảng SPD hay CDU thờ ơ. Giới phân tích cho rằng đang có hiện tượng bài ngoại, cực hữu và Neo-facsism là xu hướng đáng ngại ở châu Âu trong tình hình hiện nay
Trong cuộc bầu cử tại bang Thuringia cuối tuần trước, sự xuất hiện của đảng AfD đã làm thay đổi cục diện và kết quả bầu cử tại bang này. Trong cuộc bầu chọn Thủ hiến vòng này, toàn bộ nghị sĩ AfD không bầu cho ứng viên đảng mình, không bầu cho ứng viên Ramelow của đảng Cánh tả mà tất cả cùng bầu cho ông Kemmerich của FDP. Đây dường như là sự lựa chọn có chủ đích của AfD vì về đường lối, FDP có chút gần gũi nhất định với AfD thay vì “ngược hướng” như đảng Cánh tả. Đồng thời chiến thuật này của AfD sẽ hạ bệ đảng Cánh tả và đẩy Thuringia rơi vào “hỗn loạn”.
AfD là đảng non trẻ nhất tại Đức nhưng lại khiến dư luận lo ngại nhất vì sự quy tụ đảng viên của AfD khá nhanh và mạnh thời gian qua. Đặc biệt AfD là đảng theo xu hướng cực hữu, thậm chí có hơi hướng “Phát xít”.