“Sóng ngầm” điêu khắc Việt

24-01-2019 07:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời gian qua, nghệ thuật điêu khắc Việt vẫn hòa vào dòng chảy của ngành mỹ thuật và tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng, đa dạng chất liệu và cách thể hiện mới lạ cùng lớp tác giả trẻ đầy tiềm năng.

Tuy nhiên, dù được kỳ vọng sẽ được ưa chuộng khi quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, nhưng tác phẩm điêu khắc lại ít được ngó ngàng.

Niềm vui ngang qua

Mới đây, triển lãm điêu khắc Sài Gòn - Hà Nội lần 5 giới thiệu gần 30 tác phẩm của 26 điêu khắc gia hàng đầu nước ta đã nhận được sự quan tâm của công chúng. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá, triển lãm này đã cho thấy một sự tập hợp lực lượng hùng hậu của nhiều điêu khắc gia nổi tiếng Việt Nam hiện nay, đồng thời tạo ra được những tác phẩm mới mẻ cho điêu khắc đương đại, thoát khỏi ngôn ngữ truyền thống và chủ nghĩa đề tài.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng, chất liệu của tác phẩm trưng bày tại triển lãm này khá phong phú, đặc biệt là kim loại (nhôm, đồng, sắt, inox) lấn át. Bên cạnh hình khối gỗ trau chuốt hoặc trang trí - biểu cảm mạnh là các bố cục kết hợp các chất liệu khác nhau, tế nhị, dịu dàng. Không ít tác giả ve vuốt các khối và mặt phẳng duy mỹ. Chẳng hạn tác phẩm Hạt mùa hoặc Dự định sau vụ mùa của nhà điêu khắc Lương Trịnh, vẫn là chất liệu đá nhưng được “chạm trổ” mềm mại để người xem đồng cảm về một không gian và ước vọng của người nông dân. Tác phẩm tháng Bảy từ chất liệu tổng hợp của điêu khắc gia Phạm Đình Tiến dựa trên cấu trúc cơ thể người, giúp công chúng có thể nhìn thấy đó là tấm lưng đổ mồ hôi của mùa hè hoặc bộ óc đang được vận động cường độ cao... Nhiều tác phẩm đã dễ dàng tác động trực tiếp vào cảm xúc người thưởng lãm bởi sự phóng khoáng, mở rộng về đề tài và chất liệu, không gò bó trong tượng người hay chất liệu đá, gỗ, thạch cao...

Theo nhà điêu khắc, PGS.TS. Nguyễn Xuân Tiên, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, những năm gần đây, các tác phẩm điêu khắc ở nước ta có sự tìm tòi đa dạng, phong phú về nội dung, chất liệu, ngôn ngữ, phong cách với nhiều khuynh hướng sáng tạo như hiện thực, trừu tượng, ấn tượng, tối giản, sắp đặt... phản ánh những tâm tư, tình cảm, ý tưởng nghệ thuật của tác giả đến nhiều mặt đời sống xã hội đương đại. Tác phẩm có ngôn ngữ điêu khắc hiện đại nhiều hơn những tác phẩm ngôn ngữ hiện thực, qua đó phản ánh đúng diễn biến đa dạng, nhiều chiều của điêu khắc hiện đại Việt Nam. Đặc biệt, PGS.TS. Nguyễn Xuân Tiên đánh giá, hiện nay chúng ta có các tác giả trẻ đầy hứa hẹn với những sáng tạo mới, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc với thế giới bên ngoài đã đem đến những tác phẩm điêu khắc giàu tính nghệ thuật và nhân văn.

Âu lo dài lâu

Tuy có những tín hiệu vui về nghệ thuật điêu khắc kể trên, nhưng nhìn vào thực tiễn thì loại hình nghệ thuật này ở nước ta còn không ít âu lo, trăn trở. Hiện tại ở các trường mỹ thuật, khoa điêu khắc ngày càng ít người học. Không có sinh viên học nên nhà trường cũng không rót kinh phí để đầu tư các phương tiện dạy học như cập nhật các phương tiện kỹ thuật, máy móc cho xưởng điêu khắc tại trường. Chưa kể những tác phẩm điêu khắc không còn được đón nhận như trước.

Theo nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm chỉ có một nhu cầu duy nhất là được đón nhận và có... đầu ra. Nhưng điêu khắc Việt đang gặp nhiều khó khăn khi tác giả, nhà sưu tầm hay chủ đầu tư các công trình không gặp nhau. Các tòa chung cư, các khu đô thị gần đây mọc lên như nấm nhưng lại không sử dụng tác phẩm điêu khắc trong nước mà sử dụng các mẫu biểu trưng và điêu khắc của phương Tây. Việc sử dụng tác phẩm điêu khắc (chủ yếu tượng theo phong cách nước ngoài) ở các tòa chung cư, khu đô thị không theo nguyên tắc chung cơ bản của mỹ thuật mà nghiêng theo phục vụ ý tưởng, mục đích riêng để đề cao biểu tượng của chính doanh nghiệp đó.

Có cùng quan điểm, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục Trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, hầu như sau mỗi cuộc thi và triển lãm, các tác phẩm điêu khắc bán được chỉ là do các đơn vị mua “ủng hộ”. Còn để thuyết phục công chúng thì điêu khắc Việt Nam vẫn chưa làm được. Chính vì điều này dẫn tới đời sống của người nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn, các tác giả thường phải làm “nghề tay trái” để nuôi dưỡng, theo đuổi đam mê và gắn bó với con đường nghệ thuật đã lựa chọn.

Để điêu khắc Việt phát triển và có những chuyển biến tích cực hơn, nhiều tác giả cho rằng các cơ quan liên quan nên tổ chức những hội nghị khách hàng và mời được các nhà đầu tư xây dựng tham gia. Tại đây, vừa để phát huy vai trò của nhà quản lý trong việc kết nối giới điêu khắc với các doanh nghiệp, chủ đầu tư để đưa các tác phẩm có giá trị ứng dụng vào cuộc sống, vừa nhằm kích thích, thay đổi nhận thức người sử dụng điêu khắc, nghệ sĩ sáng tác trong quá trình tạo nên tác phẩm.


Phạm Hoa
Ý kiến của bạn