Sống một ngày trọn vẹn...

29-12-2018 22:05 | Y tế
google news

SKĐS - Bệnh nhân đầu tiên trong sáng nay là nam, 20 tuổi, bận bộ đồ thể thao cao to mạnh mẽ, được mẹ dẫn đến khám vì đau tức mơ hồ vùng xương bả vai trái và mệt mỏi hơn 1 tháng nay.

Lúc đầu, BS. Du nghĩ chắc là đau căng cơ do tập tạ nhưng vẫn cẩn thận cho bệnh nhân đi chụp hình phổi. Bởi 2 tháng trước cũng 1 trường hợp có triệu chứng tương tự mà nhờ chụp Xquang, anh đã phát hiện ra bệnh nhân đó bị lao.

Kết quả phim trả về khiến bác sĩ thảng thốt. Là bác sĩ phòng khám dịch vụ, dù anh có tiếp xúc với rất nhiều bệnh tật nhưng lần nào phát hiện ra bệnh nhân bị những bệnh lý ác tính là y như rằng anh chết lặng lần đó. Anh yêu cầu cậu bé đi ra ngoài để gặp riêng người mẹ: Tôi nghĩ em ấy bị khối u vùng đỉnh phổi.

Bác sĩ là chỗ dựa tinh thần cho người bệnh.

Bác sĩ là chỗ dựa tinh thần cho người bệnh.

BS. Du nhìn thấy sự bất ngờ trong đôi mắt người mẹ. Sau giây phút thảng thốt ấy là từng giọt nước mắt lặng lẽ lăn dài. Bao nhiêu tháng ngày mang nặng đẻ đau và nuôi dưỡng con...

Làm sao mà không thảng thốt?

Bác sĩ cố gắng nói thật chậm: Có thể đây chỉ là u lao. Mà nếu là u thì có u lành - u ác, tùy loại tế bào lớn hay tế bào nhỏ nữa. Chị phải thật bình tĩnh.

Chẳng biết BS. Du ngồi lặng đi đến bao lâu sau khi hai mẹ con họ đã rời đi. Tự dưng anh muốn đứng lên cởi áo blouse ra về. Dẫu anh rất hiểu cuộc sống vốn là vô thường và con người ai cũng phải mắc bệnh và phải chết. Nhưng... cậu bé mới hai mươi tuổi, trong veo như nắng sớm...

Kế đến là bệnh nhân Châu, nam, 40 tuổi đang theo dõi và điều trị bệnh đái tháo đường. 2 tháng trước, BS. Du đã giới thiệu anh qua Bệnh viện Ung bướu vì phát hiện khối u ở phổi. Anh vào phòng, chưa kịp ngồi xuống, bệnh nhân đã khóc nức nở:

- Bác sĩ bên Bệnh viện Ung bướu kêu tôi về muốn ăn gì thì ăn, muốn đi du lịch đâu thì đi, hãy làm những gì mình thích đi. Đừng điều trị hóa chất tốn 3-4 trăm triệu làm gì. Bệnh ung thư phổi này sống không quá 3 tháng.

Thú thật lúc đó, Du chẳng biết an ủi bệnh nhân thế nào cho đúng. Phải mất đến vài phút sau đó Du mới có thể cất lời: Tại sao anh khóc? Anh muốn thời gian còn lại của mình là bao lâu? 1 năm, 10 năm hay 100 năm? Dù sớm hay muộn chúng ta cũng phải đối mặt với sự thật rằng mình sẽ chết trong một ngày nào đó. Một khi nhận ra được thì thời gian không còn quan trọng nữa, cách sống mới quan trọng. Anh hãy về và làm những điều bác sĩ Bệnh viện Ung bướu khuyên anh đi, thích đi đâu thì đi, muốn ăn gì cứ ăn, thương ai thì bày tỏ, có lỗi với ai thì sám hối, xin lỗi...

Nói với bệnh nhân nhưng Du cảm nhận không có lửa trong lời nói của mình. Bởi anh biết, ngay cả bản thân anh, hiểu thì rất hiểu nhưng khó mà làm được. Những chuyện tưởng chừng như rất đơn giản đó đôi khi mất cả một đời người mới có thể hiểu thấu, mới có thể chấp nhận. Mà đời người thì có bao nhiêu ngày vui đâu và có bao nhiêu lần sống với nhịp đập thực của trái tim mình?

Có phải vì chúng ta cứ tưởng thời gian còn dài nên đã và cứ tiếp tục phung phí tháng năm vốn hữu hạn này?

Chắc phải đợi đến khi ở tận cùng sự sống, nằm liệt trên giường bệnh, trống trải, nhức buốt, lẻ loi... chúng ta mới chịu nhận ra chỉ có một cuộc sống duy nhất ở đây, ngay bây giờ, không còn cuộc sống nào khác nữa và cũng chẳng có ai đó hoàn hảo, thương yêu, lo lắng cho chúng ta theo cách chúng ta mong muốn. Tất cả sai lầm ấy chỉ là do chúng ta cứ thích quan niệm về mọi thứ, rồi tưởng, rồi đắm chìm.

BS. Du tiễn bệnh nhân Châu ra tận cổng bệnh viện. Anh nhìn đồng hồ, khoảng 12 giờ trưa. Mặt trời đang đốt lửa trên đường, dòng người, dòng xe vội vã lướt qua nhau. Một thoáng giây Du chợt hỏi: Mình hiện diện ở đây để làm gì? Để một ngày sẽ chết đi ư? Điều đó thật khắc nghiệt.

- Thưa Sư Ông, nếu mọi chuyện trên đời này như là một giấc mơ thì mọi việc con làm, con tìm kiếm, tích trữ... đều vô nghĩa hết sao?

- Đúng, mọi chuyện trên đời này như là một giấc mơ. Nhưng con ạ, con có thể biến giấc mơ này thành tích cực, thành trọn vẹn và dễ thương. Con có thể sống một ngày trọn vẹn một ngày. Khi hiểu được điều đó, con thật sự trưởng thành.

Du loáng thoáng nhớ lại lời Sư Ông nói với mình trong một khóa tu mùa hè tại Thái Lan. Khóa tu đó tên là Thắp lại ngọn đèn tâm. Du cầm chiếc điện thoại lên gọi cho Châu định kể về điều này, nhưng phía bên kia chỉ là tiếng tút tút... Có lẽ quá bất ngờ với bệnh tình nên Châu đã khóa máy tắt nguồn. Du nghĩ: Gặp biến cố như thế này, ai cũng muốn ở một mình.

Ừ thì những con thú khi bị thương cũng vậy. Chúng rút vào một nơi nào đó vắng lặng, ở một mình, nằm đợi vết thương liền da.

Con người có giống vậy không? Hay con người là động vật cao cấp hơn nên cách phản ứng với những biến cố trong đời sẽ khác? Du thấy có nhiều người rất khác, đau một chút, bệnh một chút là đã la toáng lên, tìm đủ mọi cách chữa trị và luôn mong muốn vết thương mau lành nhất. Họ không chấp nhận có vết thương và không chấp nhận đợi chờ vết thương lành theo đúng quy luật của nó. Chính vì lẽ đó mà biết bao bi kịch đã xảy ra. Có những vết thương không khép da được, có những vết thương khép da vội vàng nhưng cứ âm ỉ đau...


BS. Bảo Trung
Ý kiến của bạn