Sống một đời đã khó

04-08-2013 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Phần đông trong chúng ta chỉ mong sống một đời trọn vẹn kể từ khi sinh ra cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay theo đúng nghĩa của một con người hẳn hoi cũng là chuyện không dễ chút nào.

Phần đông trong chúng ta chỉ mong sống một đời trọn vẹn kể từ khi sinh ra cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay theo đúng nghĩa của một con người hẳn hoi cũng là chuyện không dễ chút nào. Vậy mà theo nhà thơ Vân Long, đã có không ít người “Sống nhiều hơn một đời” (*), kể cũng lạ! Vậy những người ấy là ai và họ có những bí quyết gì mà sống nhiều đời đến thế?

Sống nhiều hơn một đời là cuốn sách cùng ra đời vào một thời điểm với cuốn Tuyển thơ - Vân Long tinh tuyển những bài thơ trong chặng đường 60 năm cầm bút của nhà thơ Vân Long. Chỉ tính riêng thể loại mà ông gọi là “ký - chân dung” thì đây là quyển thứ 3. Trước đó, ông đã có Những gương mặt- những trang đời (2001, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2002) và Những người... rót biển vào chai (2010, Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật 2011).
Sống một đời đã khó 1
 Nhà thơ Vân Long.

Mới đây, ngày 25/7/2013, tại Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây, nhà thơ Vân Long đã ra mắt hai tập sách nói trên. Với một người tuổi đầu thất thập, “đuôi vô tư” (79) như nhà thơ Vân Long mà làm được thế này kể cũng là vượng lắm. Vào độ tuổi trước thất thập, bạn đọc quá quen với những vần thơ mang nặng nghĩa tình giữa người với người và giữa người với đời. Cùng với đó là những bài bình thơ ngõ hầu tìm ra cái hay, cái đẹp trong các thi phẩm của bằng hữu hay chí ít cũng là thêm một chút cái tình sẻ chia của “người trong cuộc” về nỗi nhọc nhằn, có khi không ít trớ trêu đến nghiệt ngã của nghiệp cầm bút. Nhưng trong vòng khoảng hơn mươi năm trở lại đây, dường như nhà thơ Vân Long có hướng dịch chuyển sang một cách chia sẻ khác bằng những tập ký chân dung khá đầy đặn. Nếu những tập trước, ta thường bắt gặp nhiều gương mặt văn sĩ quá thân quen như Tản Đà, Tô Hoài, Huy Cận, Trần Dần, Trần Lê Văn, Quang Dũng, Ngô Quân Miện, Nguyễn Khải, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Bùi Vợi, Trịnh Thanh Sơn... và cả những người đồng thời với ông thì đến Sống nhiều hơn một đời, ta bắt gặp nhiều hơn chân dung của các doanh nhân, nhà khoa học.

Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy mảng chân dung văn sĩ mới thực sự là thế mạnh của ông. Dường như ở đấy, nhà thơ Vân Long có cơ hội vừa để trải lòng, lại vừa có sở trường “dò sóng ngầm” trong bộn bề những gì ông chứng nghiệm được ở những đồng nghiệp văn chương hơn. Chân dung về nhà văn Sơn Tùng, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Phan Kế An, nhà văn hóa Hữu Ngọc là những trang viết ông đầu tư công phu, tâm huyết. Tuy độ ngắn dài và điểm nhấn ở mỗi chân dung có khác nhau nhưng đọc qua, chúng ta dễ dàng nhận ra người được “vẽ” chân dung ngay, rất khó trộn lẫn với người khác. Đấy là thành công rất đáng ghi nhận của tác giả Sống nhiều hơn một đời.

Chẳng hạn đối với họa sĩ Phan Kế An, tác giả đã “vẽ” ông một cách vừa hóm hỉnh, hài hước lại vừa như có vẻ “bất cần” đời của lão đại gia trong làng hội họa, như chúng ta vẫn thường bắt gặp ở những sinh hoạt đời thường của cụ già này. Chỉ cần sử dụng một vài nét chấm phá với các cụm từ như “đếch phải”, “đếch cần”, “đếch gì”, “đếch tin” hay “bỏ mẹ”, “hú vía” là đủ “vẽ” được một Phan Kế An bằng da, bằng thịt và một nghệ sĩ Phan Kế An thuộc hạng tài năng bậc nhất trong làng hội họa Việt qua các họa phẩm Nhớ một chiều Tây Bắc và những bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây hơn nửa thế kỷ.

Về chân dung các nhà khoa học có Hồ Đắc Hoài - nguyên Viện trưởng đầu tiên Viện Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Xuất thân từ một gia đình quý tộc nổi tiếng, nhiều đời làm quan thượng thư, tổng đốc và thế là vô tình bị trở thành người có lý lịch “đen” khiến ông là người có thời gian cảm tình Đảng lâu nhất, đến gần 30 năm, mãi khi ông được kết nạp Đảng thì Viện Dầu khí Quốc gia mới có Viện trưởng theo đúng nghĩa.

Sống một đời đã khó 2

Chắc chắn trong số chúng ta, nhất là những người công tác hoặc có liên quan đến ngành y không mấy ai xa lạ với bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của vị chuyên gia đầu ngành dược liệu nước ta - Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi. Đây là bộ sách mà có thể còn rất lâu nữa, nếu không muốn nói là chẳng bao giờ có bộ sách nào thay thế được cả về quy mô, phạm vi bao quát, cũng như về giá trị khoa học. Cuốn sách dày tới 1.200 trang khổ lớn, gồm 750 loài cây thuốc. Chỉ riêng công trình này mà Viện Hóa Dược học Lêningrad (Nga) đã phong học vị Tiến sĩ dược học cho ông mà không cần phải bảo vệ luận án. Cuốn sách không chỉ là cẩm nang quý cho giới y- dược học trong nước mà còn được nhiều nhà khoa học y - dược thế giới biết đến và đánh giá cao.

Còn ông Nguyễn Như Kim - Phó Giám đốc đầu tiên của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, được cử mang 18 kilô vàng đi xuyên Đông Dương, sang Thái Lan, bí mật mua những thiết bị cho Đài những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, khi thì bằng chiếc xe đạp cà tàng, có khi là đôi chân trần xuyên rừng.

Có người đã dành cả đời để chữa cho người bệnh phong. Đó là bác sĩ Trần Hữu Ngoạn - nguyên Giám đốc Bệnh viện phong Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu, Nghệ An với suy nghĩ rất con người: “Người bệnh phong có tội gì mà bị hắt hủi! Suốt đời mang tên thằng hủi, chết chôn rồi vẫn đeo tiếng mả hủi!”.

Đó còn là Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quỵ - Anh hùng Lao động thời kỳ mới đã nỗ lực không mệt mỏi để có được thành công trong việc chống bệnh Sars ở nước ta...

Dường như bao nhiêu chân dung là bấy nhiêu chia sẻ mang tinh thần nhân văn hơn là nghề nghiệp của nhà thơ Vân Long. Bởi lẽ, không ít chân dung có vẻ như không thuận tay, với văn chương - nghệ thuật lắm mà thuộc những lĩnh vực ít am hiểu, nhưng về khía cạnh con người, ông vẫn có thể “vẽ” họ một cách tự nhiên mà không ngại “trái tay”. Đấy cũng là thành công rất đáng ghi nhận của tập chân dung này. Chúc mừng ông!

……………
(*) Sống nhiều hơn một đời (Ký - Chân dung), Vân Long, Nxb Phụ nữ, H, 2013

Đỗ Ngọc Yên


Ý kiến của bạn