Trong nền âm nhạc Việt Nam, chiến dịch và chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là chất liệu, nguồn cảm hứng để nhiều nhạc phẩm ra đời, tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc. Nhắc đến những nhạc phẩm về Ðiện Biên Phủ thì Hò kéo pháo (sáng tác Hoàng Vân), Hành quân xa (Ðỗ Nhuận)... là những ca khúc có “số phận” đặc biệt và đã ăn sâu vào trái tim, khối óc các thế hệ người Việt.
Có thể nói, ở bất kỳ điều kiện và hoàn cảnh lịch sử nào thì nghệ thuật, trong đó có âm nhạc luôn vận động, đồng hành với điều kiện và hoàn cảnh lịch sử ấy. Chính vì thế, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh những tác phẩm điện ảnh, hội họa, nhiếp ảnh... thì âm nhạc cũng có nhiều ca khúc tạo được dấu ấn xuyên suốt thời gian. Đến nay, khó có thể kể hết các ca khúc hay về Điện Biên Phủ, nhưng nhắc đến ca khúc Hành quân xa, Hò kéo pháo... thì bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng yêu mến và thuộc nằm lòng.
Bộ đội ta kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Kể từ khi “lộ diện”, ca khúc Hành quân xa do nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác năm 1953 đã nhanh chóng lan truyền trong toàn quân và trong nhân dân, cổ vũ tinh thần, khơi dậy niềm lạc quan, quyết tâm vượt gian khổ và ý chí quyết thắng của quân và dân ta. Trong cuốn nhật ký của nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho biết, Hành quân xa được sáng tác vào năm 1953 trong dịp Đỗ Nhuận cùng các đồng đội hành quân từ huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) qua đèo Khế đến Thượng Bằng La (Yên Bái). Hành quân ngày đêm nhưng đoàn quân cũng chưa biết địa điểm tập kết ở đâu và có vinh dự được tham gia “Chiến dịch Trần Đình” (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ) hay không. Khi nghỉ giữa chặng đường hành quân, các chiến sĩ cùng bàn luận và một đồng chí đứng lên hô vang: “Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi”. Từ câu nói này đã trở thành ý hay để nhạc sĩ Đỗ Nhuận phát triển và sáng tác nên ca khúc Hành quân xa. Bài hát sau đó được hoàn thiện với ca từ giản dị, tự nhiên, ngắn gọn, dễ thuộc nhưng vô cùng sâu sắc; ít có biến động về tiết tấu, nhịp tựa theo bước chân đi hào hùng: Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ/ Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/ Mắt ta sáng, chí căm thù, bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi...
Giờ đây, nghe lại ca khúc Hành quân xa, mỗi người trong chúng ta như được sống lại quá khứ hào hùng. Hình ảnh các chiến sĩ bước đi trong tiếng nhạc Hành quân xa, hừng hực khí thế xung trận thật đẹp. Dù đã trải qua hơn 60 năm nhưng ca khúc Hành quân xa vẫn luôn tươi mới; không chỉ dành cho một thời, một thế hệ mà cho lớp lớp người Việt Nam với sục sôi niềm khát khao cống hiến.
Bên cạnh ca khúc Hành quân xa, trong giai đoạn chiến đấu tại Điện Biên Phủ năm nào còn có ca khúc Hò kéo pháo do nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác. Kể về nhạc phẩm Hò kéo pháo, nhạc sĩ Hoàng Vân từng nhấn mạnh rằng khi sáng tác bài hát ấy ông đang là chiến sĩ Điện Biên, chưa phải là nhạc sĩ. “Lúc đó, tôi chứng kiến anh em kéo pháo rất vất vả, nhưng tôi cũng thấy những hình ảnh đó quá đẹp, quá thiêng liêng và quá vĩ đại. Những cảm xúc đó đã thôi thúc tôi cầm bút và viết nên bài hát, không ngờ sau đó được nhiều người yêu thích đến thế”, nhạc sĩ Hoàng Vân từng chia sẻ.
Theo nhạc sĩ Hoàng Vân, ca khúc Hò kéo pháo được ông viết vào tháng 3/1954, thời điểm đó, quân ta đang gấp rút chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhạc sĩ Hoàng Vân khi ấy được cử đi quan sát chiến trường để chuẩn bị đưa các tốp văn công xung kích vào phục vụ, đồng thời cũng thu thập thông tin để về viết bài cho bản tin của sư đoàn. Trong quá trình thực tế, nhạc sĩ Hoàng Vân đã chứng kiến hình ảnh bộ đội ta kéo những khẩu pháo nặng vượt qua núi cao, đèo dốc hiểm trở. Bộ đội ta người vặn tời, người ghì dây, người giữ càng xe, người chèn khi kéo lên, khi thả xuống, lúc tiến, lúc lùi. Khi có hiệu lệnh kéo pháo, mọi người cùng đồng loạt hô vang “Hò dô ta”, mỗi lần như vậy, khẩu pháo lại nhích lên một chút.
Quá trình kéo pháo đầy vất vả, gian lao của bộ đội ta như thế cùng với việc đồng chí Tô Vĩnh Diện hy sinh trên đường kéo pháo đã khiến nhạc sĩ Hoàng Vân rất xúc động. Trong bối cảnh đó, những lời ca, giai điệu của bài Hò kéo pháo được nhạc sĩ Hoàng Vân lặng lẽ viết ra trong xúc cảm. Khi ca khúc hoàn thiện đã ngay lập tức được lan truyền khắp nơi, ở đâu cũng vang lên giai điệu hào hùng Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù... tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho quân và dân ta, nhất là với các chiến sĩ kéo pháo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm nên một chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu.
Dẫu rằng thời gian trôi đi, song âm vang của Hò kéo pháo, Hành quân xa và nhiều nhạc phẩm khác về Điện Biên Phủ sẽ sống mãi với dân tộc và người dân Việt Nam. Và quan trọng hơn, những ca khúc này đã cho thế hệ trẻ thấy được những gian khổ, vất vả, hy sinh... của thế hệ cha ông để có được chiến thắng “chấn động địa cầu”!