Trong số những con sông nuôi dưỡng những cánh rừng, cánh đồng, làm đẹp đất nước, đi vào thơ ca nhạc họa thì sông Lô có một vị trí đặc biệt. Bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), sông Lô chảy dọc địa phận tỉnh Hà Giang, qua Tuyên Quang và thao thiết về hợp lưu với con sông Hồng ở địa phận TP. Việt Trì (Phú Thọ). Sông Lô là con sông thao thức, trữ tình và cũng thật đa tình.
1. Những người đồng hành với tôi bằng xe máy phi từ Hà Nội lên cửa khẩu Thanh Thủy, nơi sông Lô đổ vào nước Việt. Chúng tôi tìm hiểu, chụp hình và “tính toán” với nhau từ đây, rồi dần dần xuôi về. Mệt đâu nghỉ đấy. Giống như cách người ta du ngoạn và thưởng thức không khí đường trường trong một cảm giác chậm, khá chậm. Cứ từ từ xuôi theo Quốc lộ 2 mà uống sương gió, cảm nhận…
Tượng đài Chiến thắng sông Lô.
Theo tài liệu mà tôi nắm được, trước khi đổ vào đất Hà Giang qua địa phận xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên), dòng sông là hợp lưu của gần 6 nhánh sông khác, trong đó có hai con sông khá lớn là Malipo và Pan Long Jiang. Thanh Thủy là xã anh hùng, ghi dấu những chiến công oanh liệt của cuộc chiến tranh biên giới, thời gian từ 1984-1988. Ngày nay, cửa khẩu Thanh Thủy đã trở thành một trong những huyết mạch giao thương của Hà Giang, tượng đài chiến thắng cũng đã được xây dựng trên cao điểm 468, thu hút hàng nghìn lượt người thông thương và tham quan. Nhưng cũng từ đây, sông Lô thao thiết chảy qua nhiều cung bậc, lúc nông lúc sâu, có đoạn dữ dằn, đoạn hiền hòa và cho thấy sông đúng là một thực thể đầy thân phận.
Về địa hình, trước khi chảy vào TP. Hà Giang, sông Lô khá êm đềm bởi địa hình thấp. Đến TP. Hà Giang, sông được hợp lưu với sông Miện và sông Nậm Điêng, tạo nên vẻ đẹp trầm lắng cho TP. Hà
Giang nhỏ nhắn. Nhưng điều đặc biệt, theo các bậc cao niên hiểu về rừng núi, sông Miện đã “uống” được nguồn nước được chắt lọc từ vùng núi đá Quản Bạ và Yên Minh để làm nên sức sống của con sông và sau này là các nhà máy thủy điện. Nhờ đó mà từ thành phố, nước sông sâu và lòng sông rộng hơn, tạo điều kiện cho nhiều loài cá quý hiếm như Anh Vũ, Dầm Xanh, cá Chiên, cá Lăng Chấm… phát triển.
Giờ đây, cá Lăng Chấm vẫn được mệnh danh là “chúa tể” của sông nước miệt núi này bởi có chú nặng đến cả yến. Theo nhiều cần thủ, trước đây, người làm nghề chài lưới gặp những chú cá Lăng Chấm cỡ 20kg là thường. Nay dòng nước bị chặn nhiều khúc làm thủy điện, số lượng cá các loại giảm nhiều và những chú cá lớn cỡ trên 10kg trở nên hiếm hoi. Sốt ruột khi những giống cá quý suy giảm, Trung tâm Thủy sản Hà Giang đã nỗ lực nhân giống, thả về sông Lô và sông Gâm hàng vạn cá thể cá giống với niềm hy vọng những chú cá giống sẽ sinh sôi nảy nở, làm cân bằng hệ sinh thái cho sông và cũng để gìn giữ, bảo tồn giống cá quý.
Thôi, chuyện đó để sau hẵng hay. Đó là việc của cơ quan chức năng với một trong những biện pháp khắc phục khá nhiều điểm mà con người tác động vào sông, làm nguồn thủy sản của sông suy kiệt. Xe chúng tôi dừng uống nước ở thị trấn Vĩnh Tuy và gặp sông Con đổ về sông Lô tại đó. Một thị trấn nhỏ với những hàng quán nhỏ và con người bình dân. Tôi thấy sông Con tiếp sức cho sông Lô, như người con nhiệt thành đã biết làm lụng để đỡ đần cho người mẹ nhân từ từng phải chịu hy sinh. Nhiều người dân ở đây vốn dĩ ở tận Thái Bình, Nam Định lên lập nghiệp. Nhiều người từng rồng rắn nhau về vùng khai thác đá đỏ và vàng Lục Yên của Yên Bái tìm kiếm sự sang giàu, bởi nơi đó cách Vĩnh Tuy không xa. Những câu chuyện họ kể rất rùng rợn với những trận thanh trừng đẫm máu cùng bao sự trả thù tàn ác của dân anh chị làm cai. Nơi họ gửi ước mơ là vùng rừng thiêng nước độc, nghiện ngập chích hút bệnh tật, rồi đâm chém nhiều vô kể. Không ít người đã vùi xác tại đó không bao giờ về đoàn tụ nữa. Nhiều người trở thành nô lệ cho ma túy, cờ bạc, bệnh tật và mất đi khi còn rất trẻ.
Chúng tôi ở lại đêm và cuốn sổ ghi chép cứ đầy lên. Ở đâu cũng có những thử thách và những cuộc mưu sinh. Chính con người tạo nên câu chuyện của họ. Như các dòng sông cũng biết kể chuyện mình bằng sự thao thiết của dòng chảy và nuôi nấng những con người sinh sống ở đôi bờ.
Nơi xây dựng Nhà máy thủy điện sông Lô 4.
2. Đẫy hai ngày ghi chép, cộng với chuyện nán lại một ngày ở Hàm Yên (Tuyên Quang) để tìm hiểu về vùng cam mới nổi tiếng - cam sành Hàm Yên, chẳng gì khác, chính nguồn nước sông Lô, cùng với những con suối, cộng với sự cần mẫn hay lam hay làm của những người nông dân, đã tạo nên điều kiện sống và phát triển cho cây cam. Cam ở đây ngọt và mát. Ngoài ra còn có giống phật thủ cũng rất đẹp. Chỉ tiếc người dân chưa biết làm thương hiệu nên tiếng tăm của loại cam bổ dưỡng và ngon chưa phát huy hết giá trị của nó.
Dừng nghỉ ở TP. Tuyên Quang, nơi sông Lô uốn lượn trữ tình, tất nhiên không thể không gặp các nghệ nhân, những cô gái hát Then và chơi đàn Tính. Tuyên Quang là thành phố xinh xắn, có thể nói là một miền di sản bởi di tích lịch sử, văn hóa nơi đây khá đậm đặc. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tháng Giêng, tháng Hai âm lịch hàng năm, các hoạt động lễ hội mừng xuân mới lại được tổ chức khắp nơi trên địa bàn thành phố. Với 14 ngôi đền chùa nổi tiếng như đền Thượng, đền Hạ, đền Cấm, đền Mẫu Ỷ La, chùa Hang, chùa An Vinh… hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến thăm quan, du lịch. Giờ ngồi ở thành phố, thưởng thức chén nước chè xanh lão nghệ nhân Then mời, thưởng thức nụ cười của con gái lão vừa độ 18 đang học Then, học làm diễn viên, xinh đẹp và đằm thắm, đúng với thương hiệu “gái Tuyên”. Mấy cậu bạn xốn xang xin nhận làm con rể lão nghệ nhân. Ai bảo gì lão cũng gật, rồi lấy rượu mời. Câu Then mà nhắm với rượu, cùng tấm lòng người tri kỷ, sao mà thấy luyến lưu diệu kỳ…
Và tất nhiên, trong hành trình về xuôi không thể không tham quan Tượng đài Chiến thắng sông Lô - nơi đây, vào tháng 10/1947 đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam nói chung, của quân dân Phú Thọ nói riêng. Chiến thắng sông Lô đã bẻ gãy một trong hai gọng kìm quan trọng của thực dân Pháp tấn công lên chiến khu Việt Bắc với âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của nước ta. Đứng ở trên đồi, nhìn về ngã ba sông mà thấy lòng chộn rộn. Vâng, lại là một ngã ba, đoạn sông Chảy “múc” nước từ hồ Thác Bà như để tiếp thêm sức vóc cho Lô Giang. Như đã nói, dòng Lô thật sự là con sông thích giao du, lãng mạn và đa tình, luôn luôn là một sự tiếp nối của điệp trùng cảm xúc. Tôi chợt hát vang bài “Trường ca sông Lô”: “Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang / Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa… Ta tay dân chài xuôi ngược dòng sông Lô, từng quăng lưới xa, từng vây lưới giặc/ Vui hát ca hòa vui hát ca hòa với ánh sáng ta đang xây đời mới/ Sông nuôi dân thiên thu đã hòa mạch máu bao người, sóng xuôi quanh co về, hòa mạch cùng với xuôi…”. Lòng nhủ thầm, chiến thắng vĩ đại năm xưa và bài học về sự anh dũng, quả cảm của cha ông ta sẽ sống mãi, là bài học cho con cháu muôn sau.
3. Thế nhưng, những kỳ tích của sông Lô đi vào huyền thoại chưa dừng ở đó. Sông như còn muốn chảy xuôi nữa, xuôi mãi xuống đồng bằng, trở thành dòng chia ranh giới tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Sông oằn mình chảy qua các cánh đồng, các bờ lau lách, vách núi thấp của Phù Ninh - mảnh đất cổ xưa với nhiều huyền tích thời các vua Hùng và gặp sông Hồng ở ngã ba Bạch Hạc. Địa danh này có từ thời gian nào, không ai nhớ chính xác. Nhưng nơi đây được coi là vùng đất thiêng. Người dân có thời gian từng rộ lên nghề lấy nước thiêng. Người dân cho rằng, sông Hồng vốn đỏ phù sa, sông Đà lại xanh trong, khi nước sông Đà hòa chung với nước sông Hồng thì tạo nên một dòng nước nhờ nhờ. Sông Hồng chảy 10 cây số nữa thì gặp nước sông Lô đổ vào và nước của ba con sông gặp nhau tại đó, màu sắc trở nên huyền bí. Người dân cũng cho biết, nước phải được lấy bởi người có lòng dạ trong sáng, đúng thời điểm khoảng 12 giờ đêm, khi ngày cũ và ngày mới giao hòa thì sự linh thiêng mới ứng nghiệm. Đó là tương truyền, nhiều người tin vào thứ nước sẽ mang lại nhiều điều tốt lành ấy.
Kết thúc hành trình khám phá sông Lô, tất nhiên không thể nào nói hết những cung bậc cảm xúc, những diễn biến của hành trình, bởi có những đoạn tôi và các bạn đã thuê thuyền để khám phá và nhận thấy lòng sông có một sự kỳ diệu nào đó rất khó giải thích. Nhưng chúng tôi cảm giác hơi buồn, bởi dòng chảy của sông đã bị tác động do 5 nhà máy thủy điện đã được xây dựng. Thủy điện là bài toán kinh tế, cần phải xây dựng nhưng thiếu đánh giá tác động môi trường tổng thể và điều đó khiến chúng ta đã ít nhiều phải trả giá.